Sáng 24-9, bốn cô gái gồm Phạm Thị Huệ, Dư Thị Bông, Hà Thị Vui và Đinh Thị Hảo đã đem về tấm huy chương đồng nội dung thuyền 4 nữ hạng nặng một mái chèo. Đó chính là tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam tại kỳ Asiad 19 lần này.
Tiếc nuối màn nước rút
Ngay từ đầu, nội dung thuyền 4 nữ hạng nặng một mái chèo đã được xác định là một trong những nội dung có thể giành huy chương. Do đó kết quả này không khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng 4 cô gái của tuyển đua thuyền Việt Nam đã khiến nhiều người thán phục bởi tinh thần thi đấu ấn tượng.
Từ trước giải, họ đã gặp bất lợi khi nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ một mái chèo bị loại bỏ khỏi nội dung thi đấu. Đây mới chính là sở trường thật sự của tuyển đua thuyền Việt Nam. Họ đã phải trải qua khoảng 1 năm vừa rồi để tập làm quen với thuyền hạng nặng.
Gặp khó khăn nhưng bốn tuyển thủ đua thuyền vẫn tạo ra một màn rượt đuổi kịch tính. Ngay ở 500m đầu tiên, họ tạo ra bất ngờ khi vượt lên dẫn đầu. Sau đó, chủ nhà Trung Quốc đã giành lại vị trí này. Trong phần lớn thời gian còn lại, Phạm Thị Huệ, Dư Thị Bông, Hà Thị Vui và Đinh Thị Hảo đều duy trì được vị trí thứ nhì. Thậm chí có lúc họ còn đeo bám quyết liệt với tuyển Trung Quốc.
Nhưng trong giai đoạn cuối, sự chênh lệch về sức bền đã tạo ra khác biệt. Các cô gái Việt Nam tỏ ra thấm mệt và dần dần bị Trung Quốc bỏ xa. Cùng với đó, họ bị Nhật Bản thu hẹp khoảng cách và khi chỉ còn cách đích vài trăm mét thì bị vượt mặt.
Dẫn trước Nhật Bản trong phần lớn thời gian thi đấu nhưng cuối cùng chỉ về ba, các cô gái đua thuyền Việt Nam tạo ra nhiều sự tiếc nuối. Nhưng tấm huy chương đồng vẫn là thành tích đáng tự hào với họ, thể hiện qua những giọt nước mắt khi họ về đích.
Huy chương nào cũng quý giá
Ở Asiad 18, đua thuyền đã mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam. Lần này, họ mang về tấm huy chương đầu tiên ở đại hội.
Luôn là môn thể thao đem về những thành tích đáng chú ý cho Việt Nam ở các kỳ đại hội thể thao, nhưng đua thuyền thường ít được cánh phóng viên chú ý. Một phần lý do là bởi địa điểm môn này khá đặc thù, phải thi đấu ở những con sông hoặc hồ nước tự nhiên hay nhân tạo. Do đó, địa điểm tổ chức thi đấu thường khá xa.
Tại Asiad 19, địa điểm thi đấu của môn đua thuyền nằm ở Trung tâm thể thao Fuyang, cách Hàng Châu đến 50km. Rất may là vào sáng 24-9, ngày thi đấu đầu tiên của Asiad 19, không nhiều môn của Việt Nam có hy vọng huy chương. Do đó nhiều phóng viên đã dành thời gian đến đây theo dõi, đưa tin về đội đua thuyền.
Bản thân các VĐV cũng tỏ vẻ khá ngạc nhiên. Phạm Thị Huệ, 34 tuổi, người lớn tuổi nhất đội, đã liên tục cảm ơn các phóng viên đã đến đây. Cô còn nhiều lần rủ mọi người cùng chụp chung với toàn đội tấm hình lưu niệm.
Chia sẻ với báo chí, Huệ cho biết: "Chúng tôi có hơi tiếc nuối. Khi thi đấu, toàn đội luôn muốn hướng đến việc giành những tấm huy chương cao nhất có thể. Do đó việc về thứ ba sau tuyển Nhật Bản cũng có phần làm chúng tôi buồn, nhưng phải chấp nhận thực tế rằng họ là đội mạnh hơn, quen thi đấu với thuyền hạng nặng hơn. Và thật sự chúng tôi đã cố gắng hết sức và tấm huy chương nào cũng đều đáng quý cả".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận