Phóng to |
Trụ sở PVN trên đường Láng Hạ, Q.Ba Đình, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Văn phòng Chính phủ vừa ra văn bản số 154/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về một số nội dung như: thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trái phiếu Chính phủ, phương án sử dụng nguồn dư dự toán chi và vượt thu ngân sách trung ương năm 2011...
Theo đó, với nội dung Bộ Tài chính báo cáo về khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà từ năm 2009-2011 mà PVN chưa nộp ngân sách tới trên 19.000 tỉ đồng (sau đó khi rà soát tiếp tục lên tới trên 21.000 tỉ đồng), Văn phòng Chính phủ thông báo Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát, phối hợp với Bộ Kế hoạch - đầu tư xây dựng phương án sử dụng 50% phần vượt thu lãi nước chủ nhà từ liên doanh Vietsovpetro (nay là Viet - Nga Petro) và các hợp đồng phân chia dầu khí khác để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo một quan chức Bộ Tài chính, điều này thể hiện rõ PVN vẫn phải nộp tiền về ngân sách, sau đó trong trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đầu tư trở lại thì khi đó tiền sẽ được chuyển trở lại PVN. Bộ Tài chính sau khi có thông báo ý kiến của Thủ tướng đã tiếp tục yêu cầu PVN nộp tiền vào ngân sách theo đúng quy định của nghị quyết Quốc hội và Luật ngân sách nhà nước. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý đầu tư trở lại, đương nhiên tiền trên sẽ được giữ trong ngân sách để làm những công việc phù hợp.
Chờ sửa đổi nghị định
Trước đó, trả lời báo Tuổi Trẻ, PVN đã khẳng định hằng năm số liệu về nộp và giữ lại tiền lãi dầu khí nước chủ nhà của PVN đều đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận. Theo PVN, nghị định số 142/2007 về quy chế tài chính cho PVN, Chính phủ đã cho phép để lại 50% số tiền lãi dầu khí nước chủ nhà cho PVN nhưng chỉ quy định con số tương đối.
Thực tế khi triển khai kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước về tiền lãi dầu khí chỉ được xây dựng theo kế hoạch về sản lượng khai thác, giá dầu và tỉ giá dự kiến. Và số tiền các cơ quan nhà nước phê duyệt cho PVN chi từ tiền lãi dầu khí nước chủ nhà lại là con số cụ thể (tính theo giá dầu kế hoạch). Trong khi đó giá dầu thế giới, tỉ giá, theo PVN, luôn có biến động mạnh nên đã phát sinh khoản chênh lệch giữa số tiền lãi thực tế để lại cho PVN sử dụng và dự toán ngân sách giao cho PVN.
Công nhận có “vấn đề tồn tại” và thực tế vụ việc Bộ Tài chính nêu về thu/sử dụng tiền lãi dầu khí nước chủ nhà, PVN cho biết đã báo cáo Thủ tướng và đang chờ các bộ ngành nghiên cứu để đưa vào quy định sửa đổi nghị định 142/2007 về quy chế tài chính cho công ty mẹ PVN.
Còn theo ông Nguyễn Đình Cung - viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, về lâu dài cần tính toán sửa nghị định 142/2007 về cơ chế tài chính cho PVN để tạo sự thống nhất, tránh đột ngột phải nộp một khoản tiền, ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính. Cụ thể, ông Cung cho rằng tỉ lệ cho PVN giữ lại để đầu tư lên đến 50% tiền lãi dầu khí nước chủ nhà có thể chỉ phù hợp với giai đoạn đầu, khi PVN chưa có nhiều vốn. Đến nay, khi họ đã là tập đoàn có tài sản lớn nhất nước thì nên xem xét lại, tránh tập trung nguồn lực quá lớn vào một doanh nghiệp.
Không nên để Bộ Tài chính “đòi nợ”
Về trả lời báo chí của PVN khẳng định PVN không quên nộp ngân sách, ông Nguyễn Minh Tân - vụ phó Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội - cho rằng về nguyên tắc, các khoản thu chi tài chính nhà nước đều phải qua Quốc hội, dù đó chỉ là vài ngàn tỉ đồng chứ không nói đến cả chục ngàn tỉ đồng như trường hợp của PVN.
Ông Tân đồng tình quan điểm cho rằng PVN đáng ra phải tự rà soát, nộp ngân sách tiền lãi dầu khí nước chủ nhà từ năm 2009-2011 chứ không phải đợi Bộ Tài chính nhắc. Quy định của Luật ngân sách nhà nước và nghị quyết Quốc hội đều nhấn mạnh tinh thần minh bạch, phải công khai để giám sát. Không nên đợi Bộ Tài chính đòi mới nộp bởi Bộ Tài chính quản lý rất nhiều doanh nghiệp chứ không phải một mình PVN.
Về hướng sắp tới, ông Nguyễn Minh Tân cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị làm nghị quyết của Quốc hội cho năm 2012. Theo đó, sẽ yêu cầu tập trung đầy đủ các khoản thu, chi của Nhà nước để Quốc hội quyết định, từ các loại thuế đến các khoản thu từ các tập đoàn...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận