Nhiều vụ án đưa - nhận hối lộ, có người đưa nhưng “khuyết” người nhận. Tại phiên tòa vụ mua bán logo xe “vua”, có người đưa hối lộ nhưng không có người nhận - Ảnh: T.M.
Thông thường việc đưa hối lộ gắn liền với việc nhận hối lộ và ngược lại. Nhưng thực tế trong một số vụ án xảy ra gần đây, việc chứng minh tội nhận hối lộ gặp rất nhiều khó khăn.
Thậm chí dù người đưa, người môi giới đã có lời khai khá rõ ràng nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể tìm ra người nhận.
Người bị buộc, kẻ thoát tội
Đơn cử như vụ tiêu cực trong thi cử ở Hòa Bình, cơ quan điều tra xác định một trường hợp đưa - nhận hối lộ. Còn ở Sơn La, tại phiên tòa sơ thẩm, nhiều bị cáo khai nhận chi tiết những lần nhận tiền tỉ để nâng điểm cho thí sinh.
Trong kết luận điều tra bổ sung mới đây cũng thể hiện nhiều bị can khai nhận đã nhận tiền để nâng điểm cho các thí sinh. Tuy nhiên, người đưa không thừa nhận việc đưa tiền nên chưa đủ căn cứ để quy kết tội đưa - nhận hối lộ. Sau khi vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, mới đây cơ quan điều tra đã khởi tố thêm hai đối tượng về tội nhận hối lộ và hai đối tượng về tội đưa hối lộ.
Trong khi đó, ở vụ gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang, cơ quan điều tra xác định không có chuyện đưa - nhận hối lộ (!?).
Tương tự, với vụ bảo kê đường dây đánh bạc ngàn tỉ, trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương khai đã biếu ông Phan Văn Vĩnh một đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỉ đồng, 1.750.000 USD và biếu ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50) 22 tỉ đồng. Tuy nhiên, cả ông Vĩnh và ông Hóa đều phủ nhận việc này. Do đó, cơ quan điều tra phải tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau.
Trong vụ án mua bán logo xe "vua" có 9 bị cáo bị xét xử về tội đưa hối lộ, trong đó bị cáo Nguyễn Cảnh Chân - nguyên cán bộ đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai - bị truy tố, xét xử tội môi giới hối lộ.
Suốt quá trình điều tra, xét xử, các bị cáo này khai đã đưa tiền cho 80 CSGT, thanh tra giao thông trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM để không bị xử phạt xe chở quá tải.
Cáo trạng cũng nêu đích danh một số cán bộ nhận hối lộ với số tiền, thời điểm nhận hối lộ cụ thể. Tuy nhiên, tất cả những người này đều không bị truy cứu về tội nhận hối lộ.
Tòa án cấp sơ thẩm nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng vẫn "khuyết" người nhận do những người này không thừa nhận đã nhận hối lộ.
Bên cạnh những vụ án "khuyết" người đưa, người nhận, trong một số vụ án, tội phạm này vẫn được cơ quan điều tra xử lý triệt để. Điển hình là vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị truy tố, xét xử về tội nhận hối lộ.
Lời khai không phải "bảo bối"
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), trên thực tế nhiều vụ việc có dấu hiệu của cả hai tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Song vì nhiều lý do, cơ quan có thẩm quyền chỉ điều tra, truy tố, xét xử một trong hai tội.
Cũng có trường hợp xử lý được cả hai, nhưng cũng có trường hợp không xử lý được tội nào. Bởi tuy pháp luật đã quy định khá chặt chẽ, nhưng việc chứng minh tội phạm trên thực tế lại không dễ dàng.
Chẳng hạn như đối với tội "đưa hối lộ", việc đưa hối lộ có thể diễn ra dưới nhiều hình thức như: đưa tận tay, chuyển khoản, thanh toán theo hợp đồng khống... Ngoài ra, người đưa hối lộ có thể không đưa hối lộ trực tiếp cho người có chức vụ, quyền hạn, mà đưa cho người thân của họ.
Không chỉ vậy, việc chứng minh mục đích, ý thức chủ quan của người phạm tội rất khó. Bên cạnh đó, khi vụ việc bị phát giác, người đưa/nhận hối lộ thường không thừa nhận hành vi nên rất khó xử lý.
Tuy nhiên, theo luật sư Trạch, lời khai nhận tội hoặc chối tội của người có dấu hiệu phạm tội không được xem là chứng cứ duy nhất. Lời khai này phải xem xét có phù hợp với những lời khai, chứng cứ khác trong vụ án như lời khai của người liên quan, người làm chứng... hay không? Và hơn hết, cơ quan tố tụng phải có thái độ kiên quyết, kiên trì đấu tranh với tội phạm này.
Những năm qua, số vụ án đưa, nhận hối lộ được xử lý ngày càng nhiều, cho thấy nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đấu tranh với loại tội phạm này. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khiến dư luận không ngừng đặt ra câu hỏi: liệu cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Vì sao có vụ việc được xử lý triệt để, có vụ thì bỏ ngỏ? Liệu có sự bao che, can thiệp để không xử lý hay không?...
Cần biện pháp điều tra đặc biệt
Theo một thẩm phán tại TP.HCM, tội đưa, nhận và môi giới hối lộ là những tội danh độc lập với nhau trong Bộ luật hình sự, mặc dù trên thực tế các hành vi này có mối quan hệ mật thiết với nhau, có người đưa thì có người nhận và ngược lại.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp người đưa nhầm tưởng người nhận là người có chức vụ, quyền hạn nhưng thực tế không phải vậy. Khi đó, người đưa đã cấu thành tội đưa hối lộ, còn người nhận có thể bị xử lý về tội danh khác.
Do đó, không nhất thiết phải chứng minh tội này đồng thời với tội kia. Song song đó, điều này cũng dẫn tới trường hợp vô lý là có người đưa hối lộ, có người môi giới nhưng không có người nhận hối lộ. Trong đó, một số vụ án cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào lời khai không thừa nhận đã đưa/nhận hối lộ để kết luận không đủ căn cứ xử lý là đã không làm đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự đã có quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như: ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt trong việc thu thập lời khai, chứng cứ, đối chất giữa các bên... để đấu tranh, tránh bỏ lọt tội phạm.
Phải quyết liệt mới đi tới tận cùng sự thật
Theo luật sư Trương Nguyễn Công Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM), cơ quan chức năng không phải chỉ căn cứ vào lời khai của những người được cho là đưa, nhận hối lộ mà còn điều tra bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau.
Ví dụ, để diễn ra hành vi đưa - nhận hối lộ chắc hẳn những người này phải liên lạc với nhau trong thời gian dài, đã để lại nhiều chứng cứ khác như tin nhắn, cuộc điện thoại, những lần rút tiền, địa điểm giao nhận tiền...
Thông thường rất ít người nhận mình đã đưa, nhận hối lộ. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, xét xử được. Và thực tế qua các vụ án gần đây đã minh chứng nếu quyết liệt đi tới cùng sự thật thì vẫn có thể khởi tố, truy tố, xét xử được các hành vi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận