14/01/2014 06:34 GMT+7

Đưa công nghệ sinh học vào nông nghiệp

LÊ THANH ghi
LÊ THANH ghi

TT - Trong thông điệp của Thủ tướng có nêu đến việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, đây là điều hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế VN.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN):

Nông nghiệp nước ta đã có nhiều mặt hàng có sản lượng vượt rất nhiều nước. Cái rất hay của VN là chúng ta sở hữu đặc sản nông nghiệp nhiệt đới gió mùa có giá trị. Nếu được xử lý bằng công nghệ thì sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng rất cao.

BFTG8L9q.jpg
Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Ảnh: Việt Dũng

Tuy nhiên, thực tế ngành nông nghiệp của chúng ta bao năm nay là chạy theo sản lượng, năng suất mà không quan tâm nhiều đến chất lượng, trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tốn kém. Chính vì vậy, nông dân VN vẫn rất nghèo. Có thể nói năng suất gạo, cà phê... của ta rất cao nhưng chi phí rất nhiều cho nước, phân bón, thuốc trừ sâu, vận tải, xay xát... trong khi giá bán lại thấp. Đặc biệt là phương thức sản xuất của chúng ta rất lạc hậu nên nông dân không thể giàu được, chỉ nghèo đi. So sánh giữa giá gạo trồng ở VN với ở Nhật Bản thấy chênh lệch một trời một vực. Một ký gạo của VN có giá 10.000 đồng, trong khi ở Nhật Bản bán 25 USD/kg gạo, tương đương 500.000 đồng, đắt hơn ta gấp 50 lần. Như vậy, làm thế nào người nông dân VN có thể trồng ra loại gạo chỉ cần đắt gấp 10 lần hiện nay?

Tôi thấy rất cần thiết phải thay đổi phương thức phát triển nông nghiệp. Đó là đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Ưu điểm vượt trội của việc áp dụng công nghệ sinh học là bất chấp thời tiết.

Việc áp dụng công nghệ sinh học để trồng hoa ở Đà Lạt là một ví dụ. Một cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn cung cấp nếu dùng công nghệ Israel thì 1ha có thể thu được giá trị gấp 10 lần so với cách trồng truyền thống. Cách trồng mía của một doanh nhân VN trên nước Lào, rồi mô hình nuôi bò sữa ở Nghệ An của Công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH cũng cho thấy hiệu quả vượt trội so với những gì mà ta đang làm. Cụ thể, với việc áp dụng công nghệ sinh học của Israel, năng suất 1ha mía trồng ở Lào vượt gần gấp ba lần của ta. Còn nếu tính cả hàm lượng đường của mía trồng ở Lào thì mang lại giá trị cao hơn nhiều so với mía trồng ở VN. Mía trồng ở Lào tưới nước rất ít, còn ở ta thì hao phí nhiều tài nguyên này.

Để đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Vì hình thức tổ chức, kinh tế hộ nhỏ quá, sản xuất manh mún như hiện nay sẽ không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Nhất là chúng ta đã hội nhập rồi, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xuất khẩu sang các thị trường lớn, nếu không kiểm soát chất lượng, ham năng suất mà bón nhiều phân bón, thuốc trừ sâu là chết.

Để thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn như trong bài Thủ tướng nhấn mạnh, tôi cho rằng cần phải xem xét chế độ chính sách vì hiện nay doanh nghiệp không muốn về nông thôn. Mô hình kết hợp Nhà nước - nông dân theo nguyên tắc thị trường cần phải được đẩy mạnh. Theo đó, mỗi xã là một tổ hợp có công nghệ chế biến, có thương mại và sản xuất nông sản, có sự tham gia của nông dân và doanh nghiệp..

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM):

Để dân lựa chọn lãnh đạo

IoEfTYVn.jpg

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: Tự Trung

Một trong các điểm sáng nhất trong thông điệp năm mới của Thủ tướng là “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển”. Từ những năm 1980, nhà nước ở các nước phát triển đã thật sự chuyển từ vai trò nhà thống trị ban phát sang vai trò là người bảo vệ (bằng pháp luật và các thiết chế), hỗ trợ (bằng chính sách), tạo điều kiện (vật chất và tinh thần) cho xã hội phát triển. Vì thế khi Thủ tướng phát biểu: “Nhà nước không làm thay nhân dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội” cho thấy một nhận thức đúng hướng và phù hợp với quy luật phát triển của xã hội hiện đại là “Nhà nước nhỏ, nhân dân lớn”.

Để hiện thực hóa tư tưởng đổi mới này, phải nhanh chóng thay đổi mạnh mẽ sức ỳ vốn có của bộ máy nhà nước bao cấp trong tư duy và hành động. Một cơ quan công quyền cho dù là cấp cao nhất đến cấp thấp nhất tự mình phải chuyển từ chỗ được cho là cơ quan “quản lý nhân dân” sang là cơ quan “phục vụ nhân dân”. Bất kỳ ai trong cơ quan công quyền phải hiểu mình hưởng lương từ thuế của người dân và được nhân dân cho phép sử dụng quyền để phục vụ nhân dân chứ không phải sinh ra để lãnh đạo, trừng phạt nhân dân.

Bên cạnh đó, cần kiên quyết hình thành được một đội ngũ “nhà kiến tạo” có đủ năng lực và dũng khí để bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy cho tất cả người dân, các thành phần kinh tế cùng phát triển. Một điều thú vị là trong thông điệp của mình, Thủ tướng đã nhìn thấy và đặt trọng tâm của toàn bộ sự nghiệp đổi mới là ở yếu tố con người, cho nên trong thông điệp nhấn mạnh “Nhà nước không thay nhân dân”, “Nhà nước phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”; “phải đặt người nông dân vào vị trung tâm”, “Thế hệ thanh niên đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước”.

Thông điệp cũng chỉ ra được một điểm mà tôi tán đồng và cho đó là quan trọng nhất cần thực hiện càng nhanh, càng sớm càng tốt, đó là “quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình”. Rõ ràng đã đến lúc phải quyết liệt thay đổi cách thức lựa chọn người lãnh đạo ở tất cả các cấp, người dân cần có quyền đầy đủ trong việc “chọn mặt gửi vàng”. Bằng cơ chế dân chủ trực tiếp, tranh cử công khai, cơ chế minh bạch, người dân sẽ chọn ra được vị xã trưởng, huyện trưởng, tỉnh trưởng, thị trưởng tốt nhất, và chính bằng cơ chế này người dân cũng sẽ có quyền loại bỏ những lãnh đạo xấu. Một khi nhân dân có quyền tuyển lựa ra được bộ máy lãnh đạo tốt thì tự nhiên “một bộ phận tiêu cực không nhỏ” sẽ không có đất để sống, những kẻ tham nhũng sẽ giảm hẳn và nếu có cũng không thể ăn bám lâu được. Như thế chỉ cần tác động vào một phần cơ chế thì đất nước không cần đến các ban bệ chống tham nhũng cồng kềnh, không cần phát động các phong trào rầm rộ mà ít hiệu quả, không làm cho niềm tin của nhân dân liên tục giảm sút. Năm nay Thủ tướng mới quyết tâm triển khai bầu thí điểm UBND cấp xã, hi vọng những năm tiếp theo sẽ là ở các cấp cao hơn.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Phải xây dựng lại nền nông nghiệpĐổi mới để thị trường vận hành tốt hơnGiảm thủ tục, tạo bình đẳng cho doanh nghiệpChính sách phải kịp thời, phù hợpĐổi mới thể chế: đừng khoanh tay chờ

LÊ THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên