Chương trình OCOP là tên viết tắt của cụm từ "One Commune One Product" được hiểu là "Mỗi xã một sản phẩm". Còn OROAP có nghĩa là "Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng" - One Region One Agriculture Product.
Bà Phan Yến Ly - giám đốc Công ty tư vấn truyền thông và sự kiện Cánh Cam - cho rằng hai chương trình này kết hợp với nhau sẽ tạo ra sản phẩm du lịch thành công trong phát triển đặc thù vùng miền thông qua sản phẩm văn hóa.
"Và hơn 10.000 sản phẩm OCOP khắp cả nước, đây là cơ sở để phát triển các tour tuyến du lịch nông thôn, nhưng cần được kể những câu chuyện mới. Muốn vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn lại du lịch nông nghiệp, nông thôn của địa phương mình sâu sát hơn cũng như đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp", bà Yến Ly chia sẻ tại diễn đàn "Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP" tổ chức ngày 22-9 tại TP.HCM.
Diễn đàn còn có hơn 300 điểm cầu, thu hút nhiều bà con làm du lịch cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.
Theo bà Phan Yến Ly, hiện sản phẩm OCOP ở Việt Nam tuy đa dạng nhưng chưa có tính đặc trưng. Trong khi đó, du lịch "xanh" là xu hướng phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân nhưng đáng tiếc là còn nhỏ lẻ, manh mún và có nhiều sự trùng lặp giữa sản phẩm OCOP các xã, huyện.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - giám đốc Công ty Saigon Asset - cũng đồng tình rằng sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù của từng địa phương, nhưng khi đã phát triển hơn 10.000 sản phẩm thì việc trùng lặp các sản phẩm đang diễn ra khá nhiều.
"Ở góc độ làm du lịch các tour tuyến, khi giới thiệu đây là sản phẩm đặc sản của địa phương thì khách hàng nói sản phẩm nơi này nơi kia cũng có, khiến doanh nghiệp du lịch thấy "hơi ngại" với khách hàng, liệu đây có thật sự là sản phẩm đặc sản của địa phương này không?", ông Nghĩa đặt vấn đề.
Có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các chương trình phát triển du lịch địa phương, ông Dương Minh Bình - giám đốc Công ty CBT Travel - cho rằng du lịch cộng đồng phát triển khá mạnh ở Việt Nam và loại hình này đã giúp người dân có thêm sinh kế, bảo tồn văn hóa.
"Tạo khác biệt không quá khó. Bắt đầu từ việc cải tạo, nâng cấp nhà, khu lưu trú, vệ sinh hiện hữu. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ. Nếu đến điểm tham quan mà có thêm một ly nước chè, một chiếc khăn lạnh, và du khách được mặc những bộ trang phục truyền thống, thì họ sẽ cảm nhận được sự khác biệt", ông Bình chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng phát triển sản phẩm OCOP thành công là tiêu biểu cho câu chuyện năng lực nội sinh của địa phương. Thực tế, thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn nhưng chưa được nhìn nhận đúng mực.
Hiện nay bộ đã ký văn bản liên tịch với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển chương trình du lịch nông thôn. Đây là xu hướng của thế giới và lợi thế của Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ của các sản phẩm OCOP, các địa phương mạnh dạn phát triển kinh tế du lịch nông thôn, dần xây dựng thương hiệu riêng của điểm đến.
"Ngoài sản phẩm đặc trưng thì câu chuyện nếp sống của mỗi hộ gia đình tại địa phương, câu chuyện văn hóa văn nghệ bảo tồn nét truyền thống, là những yếu tố cần được gắn với nhau để làm nên sản phẩm du lịch độc đáo", Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận