24/05/2019 11:30 GMT+7

Dự thảo hướng dẫn xử lý các tội về tình dục: Thiếu và chưa rõ!

Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

TTO - Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của luật sư Kiều Anh Vũ về dự thảo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan tình dục vừa được TAND Tối cao đưa ra lấy ý kiến đóng góp.

Dự thảo hướng dẫn xử lý các tội về tình dục: Thiếu và chưa rõ! - Ảnh 1.

Dự thảo (lần 1) Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn các điều của Bộ luật Hình sự hiện hành (BLHS) về tội phạm tình dụcbao gồm: tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm (Điều 143), tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146) và tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147).

Đây có thể xem là động thái tích cực của TAND Tối cao nhằm hướng dẫn thống nhất trong việc áp dụng pháp luật; tăng cường hiệu quả trong việc phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm về tình dục. 

Tuy vậy, nội dung dự thảo vẫn còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, khó áp dụng; cần được tiếp tục góp ý, hoàn thiện.

Hành vi giao cấu chỉ do nam giới thực hiện?

Khái niệm "giao cấu" trước đây từng được hướng dẫn tại Bản tổng kết của TAND Tối cao số 329/HS2 ngày 11-5-1967. Theo đó, giao cấu là "sự cọ sát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không" và khi đó "tội hiếp dâm được coi là hoàn thành, vì khi đó nhân phẩm danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp".

Theo dự thảo, "giao cấu" (hành vi khách quan trong các tội về hiếp dâm, cưỡng dâm,…) là hành vi của "người phạm tội đưa dương vật vào trong âm đạo, không phân biệt mức độ nông hay sâu, đã xuất tinh hay chưa xuất tinh". 

Như vậy, đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng thu hẹp hành vi là cần phải "vào trong" mới xem là phạm tội, thay vì chỉ cần "sự cọ sát trực tiếp" hay "với ý thức ấn vào trong". Sự thay đổi này có thể không đáp ứng được mục tiêu phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Bên cạnh đó, nội dung của dự thảo vẫn giữ "tinh thần" của hướng dẫn trước đây, vẫn coi chủ thể thực hiện hành vi giao cấu, hiếp dâm, cưỡng dâm là nam ("đưa dương vật vào âm đạo") trong khi quy định của BLHS không giới hạn chủ thể thực hiện hành vi giao cấu trong hiếp dâm hay cưỡng dâm phải là nam.

Khoản 1 các điều 140, 141, 142, 143, 144, 145 đều quy định chủ thể là "người nào", không phân biệt giới tính của người thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, định nghĩa về hành vi giao cấu trong các tội phạm về tình dục trong BLHS cần được quy định phù hợp hơn, thống nhất về mặt chủ thể với quy định của BLHS.

Về hành vi "dâm ô với người dưới 16 tuổi"

Khoản 1 Điều 146 BLHS quy định "người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác" là dấu hiệu định tội của tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Cần lưu ý rằng chủ thể của tội dâm ô này phải là người đủ 18 tuổi và nạn nhân phải là người dưới 16 tuổi (trẻ em).

Rất tiếc rằng BLHS chưa có quy định về tội dâm ô với người từ 16 tuổi trở lên, hay nói cách khác các nhà làm luật Việt Nam vẫn chưa coi hành vi dâm ô đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là khoảng trống pháp lý rất lớn trong việc đấu tranh, phòng ngừa, xử lý đối với "yêu râu xanh". 

Chính vì vậy, trong vụ việc sàm sỡ trong thang máy đối với nữ sinh ở Hà Nội (nạn nhân trên 16 tuổi) thì "kẻ biến thái" chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 200.000 đồng! Trong khi đó, hành vi "nựng" cháu bé trong thang máy của Nguyễn Hữu Linh tại TP.HCM thì đã bị khởi tố, truy tố về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Dự thảo "định nghĩa" dâm ô: "là một trong các hành vi sau đây nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi:

a) Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi;

b) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn... vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác;

c) Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...).

Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (ví dụ: qua lớp quần áo)".

Các hành vi được liệt kê cũng chưa đảm bảo sự bao quát, đầy đủ, rõ ràng, lại trùng lặp (điểm a với điểm c), tạo nên sự vừa thừa vừa thiếu. Chưa kể, dự thảo chưa đưa ra được hướng dẫn thế nào là "nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục". Nếu nghi phạm "thề sống thề chết" rằng không hề có nhu cầu tình dục và không có chứng cứ gì khác thì cơ quan tố tụng buộc tội cách nào?

Theo dự thảo, các dấu hiệu của dâm ô chỉ bị giới hạn trong các hành vi mang tính "đụng chạm" vào "bộ phận, vùng nhạy cảm" của nạn nhân (người dưới 16 tuổi) nhằm "thỏa mãn nhu cầu tình dục". 

Thế thì, những hành vi mang tính "quấy rối tình dục" không mang tính đụng chạm như lời nói, nhìn,… để thỏa mãn nhu cầu tình dục của người thực hiện hành vi thì có phải là dâm ô không?Bên cạnh đó, nên chăng chỉ giới hạn "vùng tác động" phải là "bộ phận, vùng nhạy cảm" của nạn nhân hay cần mở rộng bất kỳ vị trí, bộ phận nào trên cơ thể nạn nhân?

Mặc dù hướng dẫn trên vẫn chưa rõ ràng, đầy đủ và cần phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện trước khi chính thức ban hành nhưng rõ ràng có hướng dẫn (nhưng chưa hoàn thiện) vẫn còn hơn không có bất kỳ hướng dẫn nào! 

Và thực tế, vì không có hướng dẫn mà nhiều vụ việc đã xảy ra không được xử lý nghiêm minh, không đủ sức răn đe, gây bức xúc nhiều trong dư luận, chẳng hạn vụ thầy giáo sờ đùi và mông của học sinh xảy ra tại trường Tiểu học Tiên Sơn, Bắc Giang.

Tình trạng luật chờ hướng dẫn là một trong những bất cập, hạn chế cố hữu trong việc xây dựng pháp luật, làm cho luật không đi vào đời sống, không được thực thi, pháp luật trở nên kém nghiêm minh và nạn nhân vẫn phải chịu thiệt thòi, kẻ thực hiện hành vi xâm hại thì vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật.

Hy vọng rằng Quốc hội, TAND Tối cao, các cơ quan có thẩm quyền sẽ sớm hoàn thiện các quy định của BLHS và các quy định liên quan về các tội phạm liên quan đến tình dục để việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm này hiệu quả hơn, thiết thực hơn, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội, mong mỏi của người dân.

Hôn lên mặt, đầu… trẻ em đều bị xử dâm ô? Hôn lên mặt, đầu… trẻ em đều bị xử dâm ô?

TTO - So với hướng dẫn cũ, trong dự thảo nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ luật hình sự quy định về các tội xâm hại tình dục trẻ em, khái niệm dâm ô mới đã được mở rộng với nhiều hành vi cụ thể được liệt kê.

Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên