Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trên MXH - Ảnh: T. HÀ
Đó là một nội dung trong Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội (MXH) ở Việt Nam đang được Bộ Thông tin và Truyền thông dự thảo và lấy ý kiến đóng góp.
Quy định nào nên, phải, và không được thực hiện?
Theo ông Đỗ Quỹ Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thông tin và Truyền thông, đơn vị chủ trì xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho biết: Bộ quy tắc bao gồm quy tắc ứng xử cho các đối tượng là Nhà cung cấp dịch vụ MXH, cơ quan Nhà nước sử dụng MXH, tổ chức sử dụng dịch vụ MXH, người dân sử dụng MXH và công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước dùng MXH.
Tuy khẳng định Bộ Quy tắc sẽ không phải là một văn bản pháp quy do cơ quan nhà nước ban hành, nhưng theo ông Vũ, trong dự thảo, các quy tắc ứng xử trên MXH được chia thành các quy định Nên, Phải và Không được.
Trong đó, đối với người sử dụng MXH là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước, Bộ quy tắc đề xuất: "công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác".
Cũng nằm trong nhóm quy tắc phải thực hiện, dự thảo quy tắc nêu rõ: "Công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước phải thực hiện ứng xử trên mạng xã hội về các vấn đề chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với vai trò, nguyên tắc, quyền hạn của cá nhân và của cơ quan chủ quản.
Trong đó, phải thông báo rõ ràng về việc các ứng xử trên mạng xã hội là việc làm mang tính cá nhân, không đại diện cho cơ quan chủ quản hay được ủy quyền bởi cơ quan chủ quản"
Về những hành vi không được phép, Bộ Quy tắc đề xuất công chức, viên chức, người lao động không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên mạng xã hội, không được ứng xử thuận chiều với những thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội;
Không được ứng xử trên mạng xã hội trái với các chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp đồng thời không được cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan nhà nước dùng mạng xã hội phải đăng ký
Với cơ quan Nhà nước sử dụng dịch vụ mạng xã hội, Bộ quy tắc đề xuất các đơn vị này phải đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu và địa chỉ trang mạng xã hội (dấu tick xanh).
Người đứng đầu cơ quan hoặc người được người đứng đầu cơ quan ủy quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chịu trách nhiệm trước những thông tin được đăng tải trên trang mạng xã hội của cơ quan nhà nước.
Cơ quan Nhà nước phải công khai danh tính, đầu mối liên lạc của cá nhân chịu trách nhiệm trước những thông tin được đăng tải và cá nhân có trách nhiệm trực tiếp thực hiện quản trị, đăng tải nội dung thông tin lên trang mạng xã hội.
Nội dung thông tin trên mạng xã hội cần phải nhất quán về nội dung với thông tin được cung cấp trên cổng thông tin điện tử chính thức và trên những phương tiện truyền thông khác.
Cơ quan Nhà nước cũng phải bảo mật thông tin của công dân khi cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua trang mạng xã hội đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân tham gia xây dựng và phản biện một cách tích cực các vấn đề chính sách.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng đã trở thành một không gian truyền bá những thông tin xấu độc, tin tức giả, tông tin không phù hợp về chuẩn mực đạo đức và văn hóa, những phát ngôn gây thù ghét…
"Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế "mềm", để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của nhà nước.
Việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành một bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay" - ông Hoàng Vĩnh Bảo nhìn nhận.
Nhiều người lên mạng xã hội để nói xấu, phỉ báng
Theo khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng MXH tại VN thể hiện tập trung:
Nói xấu, phỉ báng (61,7%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (37,01%), kỳ thị giới tính (29,03%), kỳ thị khuyết tật (21,76%), kỳ thị tôn giáo (15,09%).
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát này, nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng cho rằng MXH là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời, việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý đối với các nền tảng MXH nước ngoài cung cấp dịch vụ tại VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận