Treo mình trên những mỏm đá trơn trượt, nguy hiểm để hái rong - Ảnh: BÁ DŨNG
Hơn 3h sáng, chúng tôi chạy xe máy qua làng biển Nam Ô, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Trước ánh đèn xe, thỉnh thoảng lại có vài phụ nữ đầu đội đèn pin, tay cầm túi vải, tay cầm mẩu bánh mì, vừa đi vừa nhai vội để ra bãi biển.
Sáng nay, hai cha con chắc hái được hơn 2kg rong tươi. Lên khỏi bờ sẽ có người tới mua với giá 120.000 đồng/kg. Nhiêu đó cũng đủ chi tiêu cho cả nhà trong một ngày rồi.
Ông Nguyễn Văn Hợi
"Dàn đồng ca" trên ghềnh đá
Chúng tôi bám theo hai phụ nữ lớn tuổi, quấn bộ áo mưa rách bươm để giữ ấm cơ thể. Đó là bà Bùi Thị Sáu (62 tuổi) và người bạn cùng làng tên Dung hướng ra khu vực hái rong mứt ở các ghềnh đá dưới chân đèo Hải Vân. Cận Tết, thời tiết se lạnh kèm những đợt thủy triều lớn làm bãi đá lộ ra dưới nước biển nhiều hơn, và đó cũng là "mỏ vàng" cho người dân vùng biển khai thác rong mứt.
Ánh đèn pin đội trên đầu bà Dung, bà Sáu đan chéo nhau thành hai vệt sáng trong màn đêm. Đường ra ghềnh đá phải đi bộ xuyên lối nhỏ vòng qua khu rừng già. Chưa tới 15 phút, họ đã đặt chân tới vị trí khai thác. Họ buộc lại dây lưng quần, dùng sợi dây thừng buộc túi vải vào hông rồi lom khom mò mẫm theo từng khối đá hướng ra biển.
Càng về rạng sáng, nước triều càng rút ra xa hơn làm lộ ra các bãi đá tuyệt đẹp. Bỗng từ trên bờ tiếng cười nói lao xao. Hàng trăm người dân đã từ các làng túa ra để kiếm rong về bán Tết.
"Rột! Rột! Rột!...". Những âm thanh đồng loạt vang lên át cả tiếng sóng. Đó là tiếng khay nhôm trượt trên các tảng đá dưới bàn tay của người đi hái. Khi rong khô và nhăn túm lại trông như những mẩu nhựa đường bám vào kẽ đá, bà con phải dùng một miếng nhôm tự chế hình dạng giống chiếc đĩa nhỏ để cạo vào mặt đá.
Mặt trời lớn dần rồi nổi lên như quả cầu lửa khổng lồ bừng sáng không gian. Nhiều người vẫn lầm lũi đu mình qua từng khối đá lớn để mưu sinh. Thỉnh thoảng có người bị sóng tràn qua đánh rơi tõm xuống nước.
Ngoài dùng tay vò vào mép đá, người hái rong còn tự chế miếng sắt nhỏ để cạo rong - Ảnh: BÁ DŨNG
Của ngon chỉ một chút này
8h sáng, sau gần 5 tiếng theo chân những người dân miền biển ra ghềnh Nam Ô hái rong mứt, chúng tôi cố gắng tách khỏi đám đông và từng đợt sóng để tìm lại hai người hái rong đã ra biển cùng mình. Nhưng cả bà Dung, bà Sáu đã mất hút. Một người phụ nữ chỉ tay vào một tảng đá lớn nằm sát mép nước và nói rằng hai bà đang ở đó. Thời điểm này thủy triều đã bắt đầu dâng lên lại. Sóng dữ dằn hơn. Bà Dung, bà Sáu chọn cho mình vị trí an toàn dưới một tảng đá để ngồi chắt rong.
Cả bà Dung và bà Sáu cho biết đa số người đi hái rong ở dưới chân đèo Hải Vân đều là bà con trong cùng làng biển Nam Ô. Nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân, Nam Ô là làng cổ trăm năm gắn liền với nhiều mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Nhiều đời qua, người dân nơi đây vẫn sống nghề đi biển và làm ra thứ nước mắm sóng sánh nổi tiếng khắp nước. Ngoài làm cá mắm, người dân vùng này còn coi mùa hái rong mứt cuối năm là mùa ngọt ngào đặc biệt của mẹ thiên nhiên.
Từ khoảng tháng 9 âm lịch trở đi, khi không khí lạnh trườn qua đèo Hải Vân và chạm tới bên kia địa phận Huế cũng là tín hiệu báo mùa hái rong bắt đầu. Rong biển từ lâu là món ăn bổ dưỡng được người ta lùng mua về nấu canh, làm mứt Tết, quà tặng. Rong mọc dưới các ghềnh đá, sinh sôi nảy nở dưới mặt nước và lộ thiên khi thủy triều rút xuống. Mùa rong cũng chỉ diễn ra trong vài tháng ngắn ngủi nên người dân các vùng biển xem đây là một "mùa" đặc biệt của mẹ thiên nhiên, họ túa ra biển dùng tay miết vào đá để chắt lượm đem về bán góp thêm cho cái Tết trong nhà mình đủ đầy.
Đứng trầm mình dưới một mỏm đá, ông Nguyễn Văn Hợi (67 tuổi) cùng cậu con trai 22 tuổi đầu vẫn đội chiếc đèn pin từ rạng sáng để miệt mài hái rong. Bàn tay ông Hợi nhăn nheo, nước biển làm da tay đỏ lựng và chi chít vết chân chim. Sau một buổi dầm mình ôm các tảng đá hái rong, người của ông Hợi ướt sũng, bàn tay sau nhiều giờ cào vào đá nên da bong tróc, nhiều chỗ đỏ ửng như tia máu. Tới 9h sáng, chiếc giỏ đeo bên hông của ông Hợi đã lùm lùm.
Bà con đi hái rong ở Nam Ô cho biết do nước triều lên xuống rất nhanh nên họ chỉ có thể tranh thủ hái trong thời gian từ tảng sáng tới giữa buổi. Sau thời gian này, đa số trên bãi biển chỉ còn lại người già, trẻ con vẫn bám trụ để cạo rong khô sót lại trên các tảng đá nằm gần hơn trong mép bờ.
So với rong ướt được hái ngay khi nước biển vừa rút, thì rong khô hái cực nhọc hơn, người đi hái phải miết bàn tay lần mò gom từng miếng vụn một cách nhẫn nại và mất rất nhiều thời gian. Nhưng bù lại, rong khô về bán có giá hơn, mỗi ký không dưới 500.000 đồng.
Sóng dữ đánh vào những tảng đá rêu trơn nên người hái rong mứt phải rất cẩn thận - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Treo mình trên đầu sóng
12h trưa, chúng tôi đang ngồi ghi hình những doi đất nổi lên trên bãi biển xanh mướt thì trong ống kính bất ngờ xuất hiện một cơ thể động đậy. Tá hỏa zoom kỹ hơn, chúng tôi nhận ra đó là bóng một thanh niên trẻ đang "tàng hình" bằng bộ đồ lặn biển, chỉ lòi ra vùng da mặt.
Trên mỏm đá trồi lên giữa từng cột sóng nằm cách xa bờ, người này dùng một tay bám chặt vào kẽ đá, tay kia đu xuống mép nước để hái rong trông không khác gì con ếch đang đu mình trên tảng đá lớn. Thỉnh thoảng anh lại bị từng đợt sóng lớn chồm lên hất bật ra khỏi kẽ đá. Cứ thế người và sóng đánh vật với nhau để giành từng mẩu rong biển.
Sau khi bơi ngược về bờ, anh nói tên là Lê Văn Cầm - biệt danh "Xỉn dũng cảm", nhà ở Nam Ô. Xỉn cho biết các mỏm đá cheo leo nằm nổi lên ngoài khơi là "mỏ" rong mứt. Nhưng để ra được đây hái cũng chỉ những người giỏi bơi, sức khỏe tốt. "Mình đi biển quen rồi nên bơi ra chỗ này. Đa số phụ nữ, người già thì bám trong bờ để hái" - Xỉn nói.
Chàng trai này rùng mình khi nhắc lại một người dân gần nhà anh trong lúc leo ra vực đá để hái rong đã bị sóng đánh rơi xuống nước, nhồi ra xa. Thi thể được tìm thấy mấy ngày sau. Mùa rong mứt cho bà con miền biển thu nhập dịp cuối năm nhưng cũng không ít rủi ro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận