21/05/2015 06:05 GMT+7

Thám hiểm Sơn Đoòng qua ảnh 360 độ của NatGeo

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO - Cả thế giới có thể thưởng lãm mọi góc độ của hang Sơn Đoòng qua những hình ảnh 360 độ tuyệt đẹp mà tạp chí National Geographic (NatGeo) vừa giới thiệu rạng sáng 21-5 (giờ VN).

Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Với phóng sự ảnh Fly through a colossal cave: Son Doong in 360º (Bay xuyên qua một hang động khổng lồ: Sơn Đoòng 360 độ), tạp chí National Geographic muốn tái dựng một phiên bản điện tử của hang Sơn Đoòng, để bất cứ độc giả nào cũng có cơ hội khám phá hang động lớn nhất thế giới tại Quảng Bình, Việt Nam. Như thể họ có mặt ở đó và trực tiếp trải nghiệm vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ của Sơn Đoòng.

Son Doong in 360º khởi đầu bằng hình ảnh con sông dẫn vào hang Sơn Đoòng. Trên màn hình vi tính, phía dưới là thanh công cụ với các chức năng phóng to, thu nhỏ, trang chủ, âm thanh, giấu bản đồ… 

Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Tất cả các bức ảnh của Son Doong in 360º đều có dung lượng rất lớn, do đó độc giả hoàn toàn có thể phóng to chúng để xem từng chi tiết. Ngoài ra, độc giả cũng có thể dùng chuột (hoặc màn hình cảm ứng) để xoay ảnh tròn 360º. Ngoài hình ảnh, độc giả còn có thể nghe thấy những âm thanh của rừng núi như tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc…

Vẻ đẹp nín thở

Đi kèm các bức ảnh chụp đường vào hang Sơn Đoòng là thông tin giới thiệu sơ lược về hang động hùng vĩ nằm trong công viên quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ước tính chiều dài của hệ thống hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng lên tới hơn 200km. Cửa vào hang Sơn Đoòng là một dốc thoải trơn trượt chui vào bóng tối.

Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Khám phá hang Sơn Đoòng mà không có đèn là nhiệm vụ bất khả thi. Khi bật ánh đèn trong hang Sơn Đoòng, ngay lập tức độc giả có thể quan sát thấy một động cao tới 50m với những khối thạch nhũ nguyên sơ, được hình thành từ cách đây hàng triệu năm, đẹp đến nín thở.

Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Ở bức hình kế tiếp, chúng ta có thể quan sát thấy một con sông lớn và chảy mạnh xuyên qua hang Sơn Đoòng. Đây chính là dòng nước giúp tạo thành hang trong khoảng thời gian lên tới hàng trăm nghìn năm.

Trong mùa mưa, nước dâng cao và hoàn toàn không thể đi qua khu vực này. Địa điểm kế tiếp là thạch nhũ với cái tên độc đáo Bàn tay chó, cao hơn 70m. Đoạn đường đi vào khu vực này đủ rộng để một chiếc máy bay Boeing 747 có thể bay lọt qua. Ở trên đỉnh thạch nhũ Bàn tay chó mới có thể thấy hết được toàn bộ kích cỡ khổng lồ của hang động.

Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Tiếp theo là đường lên hố sụt 1 (Doline 1). Phía trên trần hang là một lỗ thủng lớn, cho phép ánh nắng lọt vào bên trong. Nhờ đó, cây cối có thể sinh trưởng được trong hang. Đây là một điểm độc đáo của hang Sơn Đoòng so với các hang động khác trên thế giới.

Ở hố sụt 1 có một ngọn đồi xanh mướt với cái tên cũng rất lạ là “Coi chừng khủng long”. Theo các chuyên gia địa chất, hố sụt này hình thành trong vòng 500.000 năm trước. Thảm thực vật trong hang hoàn toàn tương tự với cánh rừng phía trên, bởi chúng kết nối với nhau bằng gió và nước.

Được chụp ảnh ở tư thế đứng trên thạch nhũ tại khu “Coi chừng khủng long” có lẽ là một trải nghiệm mà bất kỳ người yêu thiên nhiên, thích thám hiểm nào cũng mơ ước. Đoạn đường tiếp theo là khoảng giữa hai hố sụt bao gồm toàn hóa thạch tuyệt đẹp.

Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Đoạn đường từ hố sụt 1 đến hố sụt 2 chỉ dài vài trăm mét, hoàn toàn không có ánh sáng mặt trời. Tiếp theo đó là một vùng không gian kỳ lạ, giống như một cánh đồng đá vôi phytokarst trông như thể hướng về phía ánh sáng. Phía bên phải là một hóa thạch khoáng chất khổng lồ.

Rừng cây trong hang động

Điều thú vị là từ bức ảnh chụp cánh đồng đá vôi, chúng ta có thể nghe thấy bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên.

Có lẽ khó có thể tìm thấy những lời thơ ý nhạc nào phù hợp hơn với vẻ đẹp kỳ vĩ, phi thường ở miền Trung đất nước Việt Nam. Rõ ràng National Geographic đã rất tinh tế và công phu khi thực hiện phóng sự ảnh này.

Đến gần hố sụt 2 chúng ta gặp một thảm cây dương xỉ xanh mướt. Tại hố sụt 2, do trần hang bị sụp, một khoảng rừng nhỏ đã hình thành, rộng hơn nhiều so với khu “Coi chừng khủng long”. Khu rừng này được các nhà thám hiểm Anh gọi là “Vườn Edam”.

Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Cây cối ở đây khá cao, lên tới 30m, côn trùng và chim sóc sinh sống đông đảo. Thậm chí các nhà thám hiểm từng quan sát thấy cả khỉ và rắn. Càng đi sâu vào “Vườn Edam”, càng khó tưởng tượng rằng chúng ta đang ở trong một hang động. Nếu không cẩn thận, bạn hoàn toàn có thể đi lạc đường.

Tiếp theo đó là khu vực thấp hơn, tối hơn của hang Sơn Đoòng. Từ đây, các nhà thám hiểm buộc phải dùng hệ thống đèn công suất cao để di chuyển, nếu không sẽ chìm hoàn toàn trong bóng tối. Thiếu ánh sáng, một số loại bọ đã phải tự thích nghi. Các nhà thám hiểm đã quan sát thấy một loài mối mới ở đây.

Ở cuối hang Sơn Đoòng là một hồ nhỏ. Các nhà thám hiểm vẫn thắc mắc về nguồn gốc của dòng nước chảy qua khu vực được gọi là Passchendaele. Phải chăng nó bắt nguồn từ một hang động khác còn lớn hơn? Dù đã đặt chân đến hang Sơn Đoòng hay mới chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của nó qua hình ảnh, chắc chắn bất cứ ai cũng phải băn khoăn và háo hức với câu hỏi này.

Cuối hang Sơn Đoòng còn có một vách thạch nhũ khổng lồ, cao khoảng 70m, được các nhà thám hiểm Anh đặt tên là “Great wall of Vietnam” (Bức tường Việt Nam). Cái tên này xuất phát từ tên “Great wall of China” (Vạn lý trường thành) của Trung Quốc. Và cái tên “Great wall of Vietnam” thể hiện sự kỳ vĩ chẳng khác gì Vạn lý trường thành. Đáng tiếc là phóng sự ảnh của National Geographic không có bức ảnh nào về “Bức tường Việt Nam”.

Sau khi xem xong phóng sự ảnh SonDoong360 tuyệt vời của nhà báo Martin Edstrom trên National Geographic, chắc chắn bất cứ ai chưa đến nơi này do điều kiện về sức khỏe, kinh tế… cũng sẽ thấy thỏa mãn.

Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic
Ảnh chụp lại từ National Geographic

Phóng sự ảnh Son Doong in 360º  là tác phẩm của nhà báo - phóng viên ảnh Thụy Điển Martin Edstrom và các đồng nghiệp của anh. Edstrom là phó chủ tịch tổ chức Phóng viên không biên giới (RWB) ở Thụy Điển.

Anh nổi tiếng với các phóng sự ảnh 360º về môi trường cũng như các di sản văn hóa và tự nhiên. Anh đã cùng các cộng sự đến Phong Nha, Quảng Bình để thực hiện dự án này hồi cuối tháng 1-2015.

Đầu tháng 2-2015, chúng tôi đã có loạt bài 7 kỳ về chuyến đi thực hiện dự án này của Martin, mang tên: Vào Sơn Đoòng cùng National Geographic.

Mời các bạn cùng xem lại loạt bài này:

Từ Petra 360 đến Sơn Đoòng 360

Vì sao NatGeo đồng ý Sơn Đoòng 360?

Đẹp không thể tả xiết

Trò nghịch ngợm của tạo hóa

Ẩn số Phong Nha

Có thể xem chi tiết tại đây

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên