06/02/2015 11:00 GMT+7

​“Đẹp, không thể tả xiết!”

HUY TƯỜNG
HUY TƯỜNG

TT - Sáng 25-1, mọi vật dụng, hành lý đã được vận chuyển tới Hồ Khanh homestay từ sớm. Hồ Khanh là người đầu tiên tìm ra Sơn Đoòng vào năm 1990...

Hình ảnh đẹp tuyệt trần của hang Sơn Đoòng - Ảnh: Ryan Deboodt
Hình ảnh đẹp tuyệt trần của hang Sơn Đoòng - Ảnh: Ryan Deboodt

Hồ Khanh homestay là một ngôi nhà kiểu truyền thống ở vùng Phong Nha, nổi bật vì nhiều chi tiết gỗ khắc bằng tay được thực hiện bởi chính chủ nhân vốn là một thợ mộc lành nghề, cũng nằm bên bờ sông Son.

Đây đã trở thành nơi lui tới của nhiều khách nước ngoài, không phải chỉ để ở mà còn để nghe những câu chuyện của Hồ Khanh, người sinh ra, lớn lên và gắn bó với rừng núi Phong Nha - Kẻ Bàng này.

Những bạn đồng hành

Bà Đẹp của bản Đoòng

Vừa nhìn thấy bóng Howard ngoài cửa, bọ Tòa niềm nở chạy ra tay bắt mặt mừng. Ông vẫn nói bằng tiếng Việt trong khi khách nói tiếng Anh, thế mà hình như ai cũng hiểu nhau.

Bọ Tòa hỏi Howard: “Bà Đẹp đâu rồi?”. Hóa ra dân bản Đoòng gọi bà Deb, vợ Howard, là bà “Đẹp”.

Đôi vợ chồng người Anh này như đã bám rễ tại vùng đất này. Câu chuyện tiếp theo của vợ chồng Howard với bọ Tòa là về cuộc sống của người dân bản Đoòng.

Đang trong hưng phấn, bọ Tòa hãnh diện khoe rằng ông đã xin và được chính quyền hứa mai mốt đưa giáo viên tiếng Anh về bản dạy cho bọn trẻ để giao tiếp với người nước ngoài, vốn đang ngày càng đổ về đây đông đảo.

Hồ Khanh homestay cũng là trạm trung chuyển hành lý. Sân trước nhộn nhịp với gần 30 anh em porter thoăn thoắt kiểm tra hành lý.

Mỗi người một bao hàng là chiếc bao thức ăn gia súc cũ được chế thành một chiếc balô to đùng. Đặt lên cân, có bao nặng tới gần 50kg. Cả nhóm của NatGeo lẫn tôi đều lắc đầu le lưỡi.

Trong khi chúng tôi được khuyến cáo chỉ mang một balô chứa máy ảnh cá nhân, nước uống... cho bản thân chỉ vài ký để đảm bảo đi đến nơi về đến chốn cho một chuyến đi hơn 50km đường rừng trong năm ngày thì các porter như cõng theo... một người trên lưng!

Tiếng nói, tiếng cười, khói thuốc, tiếng màn trập máy ảnh, tiếng chim sáng sớm, tiếng trẻ em từ trường học nằm gần đấy, tiếng thuyền máy chở khách tới động Phong Nha...

Tất cả tạo nên một không gian sống động của vùng làng quê vốn sống nhờ nghề nông, nay đang cố gắng phát triển du lịch một cách bền vững.

Tất cả hành lý được chất lên chiếc xe tải đang chờ bên đường. Người lái chuyến xe tải này tên Toàn, cũng là một porter. Mười năm về trước, Toàn vốn hành nghề chụp ảnh lưu niệm trong hang Phong Nha. Nhưng rồi nghề nhiếp ảnh ngày được ngày không, khó mà nuôi gia đình với một vợ hai con nhỏ, anh bỏ nghề đi học lái xe tải.

Đúng lúc ấy, Oxalis ra đời, Toàn trở thành porter cho Oxalis kiêm lái xe. Anh đã vào Sơn Đoòng nhiều lần, trong đó có ba lần vào cùng với những đoàn làm phim từ Nhật, Đức và Ý.

Tôi háo hức hỏi Sơn Đoòng như thế nào, anh cười bảo: “Đẹp lắm em ạ! Anh đi không biết bao nhiêu lần rồi mà lần nào vào cũng thấy nó đẹp. Mỗi lần thấy một vẻ đẹp khác nhau, không từ nào tả xiết. Chỉ có vào đấy rồi mới cảm nhận được”.

Hành lý được chuẩn bị xong thì anh em porter vào một chiếc xe buýt và xuất phát. Tiếp đến là xe 16 chỗ chở nhóm của NatGeo cùng chúng tôi. Chuyến vào Sơn Đoòng này gồm 30 porter, bảy người của nhóm Martin, tôi, vợ chồng ông Howard, rồi John và Geraldine cùng hai chuyên gia về an toàn đến từ Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh.

John và Geraldine đều là bạn thân của Howard từ năm 20 tuổi. Cả hai hiện nay đã định cư tại Tasmania (Úc) được 16 năm. Họ đều là những người đã có mặt trong đoàn thám hiểm đầu tiên khảo sát hang Sơn Đoòng. Chuyến này họ trở lại với Sơn Đoòng lần thứ ba.

Lời của anh Toàn nói với tôi đã được chứng thực bởi một đôi vợ chồng lần thứ ba vào Sơn Đoòng: “Đẹp lắm. Mỗi lần đi vào là thấy một vẻ đẹp khác nhau”!

Mỗi ngày đoàn chúng tôi phải lội sông lội suối không dưới 20 lần, nên Martin bảo đây là một hành trình với đôi chân ướt - Ảnh: H.Tường
Mỗi ngày đoàn chúng tôi phải lội sông lội suối không dưới 20 lần, nên Martin bảo đây là một hành trình với đôi chân ướt - Ảnh: H.Tường

Một hành trình với đôi chân ướt

Chiếc xe 16 chỗ rẽ vào vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đi men theo những rặng núi hùng vĩ. Là một di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha - Kẻ Bàng đang được bảo vệ khắt khe. Rừng cây nhiệt đới trải dài bạt ngàn xanh ngắt một vùng trời khiến ai cũng phải trầm trồ. Giữa màu xanh bạt ngàn ấy, thấp thoáng vách núi đá vôi thẳng đứng ẩn chứa những bí mật của tạo hóa.

Đến một sườn núi, hết đường đi, xe dừng lại và thả chúng tôi xuống. Từ đây chúng tôi đi theo con đường đất xuống núi. Hoa ngọc lan mùa này đang nở rộ, hương thơm ngào ngạt một góc rừng.

Một nửa đường xuống chân núi, chúng tôi dừng chân tại hai tảng đá lớn. Ở đây có thể nghe tiếng chim ríu rít vang rừng. Đây là nơi đầu tiên đoàn NatGeo dừng lại, không phải để chụp hình mà là để... thu âm tiếng chim.

Cả đoàn nhẹ nhàng đi xuống, nhường lại sự tĩnh lặng và tiếng chim cho ba người thu âm. Sự yên tĩnh tôn lên tiếng chim hót, tiếng gió thổi nghe như tiếng rì rầm của rừng...

Con đường đất tiếp tục dẫn chúng tôi xuống chân núi. Gần chân núi, con suối nhỏ bắc ngang, mang theo dòng nước róc rách từ trên núi xuống. Đây là con suối đầu tiên, là một trong vô vàn suối và sông mà chúng tôi phải băng qua trên chuyến đi này. Suối, sỏi, đá, rừng cây, tiếng chim, gió, tất cả hòa quyện lại tạo thành một không gian đặc trưng của núi rừng nhiệt đới. Đây là nơi bức ảnh 360 đầu tiên được chụp, mô tả rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, điều kiện thiên nhiên đã góp phần tạo nên hệ thống hang động đa dạng.

Từ con suối ấy, chúng tôi đi dọc theo nó trong khoảng nửa tiếng để đến bản Đoòng, một ngôi làng nhỏ lúp xúp mươi mái nhà nằm giữa rừng núi hoang sơ. Hai bên đường, giữa những lùm cây xanh tươi, hàng tre đầy sức sống, vẫn còn đó dấu vết của mùa lụt trước. Thân cây mục bị cuốn trôi, ngã rạp. Đất đá, lau sậy bị vướng trên những cành cây vẫn còn đấy. Mùa lụt chẳng ai vào được bản Đoòng và cũng chẳng ai ra được khỏi bản.

Trên đường vào bản, Howard chỉ những cây cao nói rằng vào mùa lụt lớn như năm 2010, cả làng phải leo lên tới trên đỉnh cây để né lụt. May mắn thay, năm 2014 lụt nhẹ, mùa màng không bị tàn phá nặng.

Sau khi ghé vào chào ông trưởng bản Đoòng Nguyễn Sỹ Kiều (hay còn gọi là bọ Tòa), chúng tôi tiếp tục hành trình đến hang Én - điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi. Đoạn đường tới hang Én khá bằng phẳng, chỉ phải lội qua sông trên dưới 20 lần.

Mùa này nước sông chỉ ngập tới gối. Vào tầm giữa trưa, chúng tôi vừa băng qua sông thì nhìn thấy tấm giấy bạt với những bánh mì, xúc xích, phômai, quýt, lê, chuối, bánh quy được bày biện gọn gàng.

Ba anh porter đã đến đây từ khi nào để chuẩn bị bữa trưa cho cả đoàn. Kẹp ổ bánh mì với một miếng phômai, một cây xúc xích Vissan và vài miếng dưa leo, cà chua, bữa trưa giữa rừng núi ngon miệng kỳ lạ.

Trong lúc mọi người ăn trưa thì đoàn của Martin băng qua sông. Họ muốn chụp 360 ở khúc sông này. Sông đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành các hang động đá vôi. Vì vậy hình ảnh về con sông là một phần không thể thiếu. Đồng thời Martin bảo đấy cũng để giúp người đọc hiểu hơn về hành trình đến với Sơn Đoòng - một hành trình với đôi chân luôn luôn ướt.

_______

Trên mỗi cây nấm cát lại có một hòn sỏi hay một mảnh gỗ nhỏ. Nhìn đám nấm cát này cứ như do con người khéo tay làm nên. Không, đấy là trò nghịch ngợm của tạo hóa đấy!

Kỳ tới: Trò nghịch ngợm của tạo hóa

HUY TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên