07/02/2015 14:53 GMT+7

​Trò nghịch ngợm của tạo hóa

HUY TƯỞNG
HUY TƯỞNG

TT - Công việc chụp hình 360 của dòng sông, ghi âm tiếng của chim, của dòng nước róc rách... tốn khá nhiều thời gian. Khi vừa chụp xong, đoàn mới phát hiện rằng họ có thể chậm hơn dự kiến ban đầu.

Đoàn NatGeo đi vào hang Én - Ảnh: Huy Tường

Martin cùng hai cộng sự vội vàng đi trước để tới hang Én khi ánh sáng vẫn còn.

Vào hang Én

Sau hàng loạt khúc sông, miệng trên của hang Én hiện ra trên dãy núi đá vôi. Tuy nhiên đấy không phải là nơi để chúng tôi vào hang. Băng qua khúc sông chảy ra từ hang, chúng tôi vào hang Én từ miệng dưới.

Miệng hang không quá cao nhưng dài về chiều ngang, ở gần giữa có một trụ đá. Đứng từ trong hang nhìn ra, miệng hang như hai cánh cửa khổng lồ mở ra một thế giới khác, đón lấy ánh sáng chiếu vào.

Ở đây, bức ảnh 360 thứ ba được chụp. Để chụp được tấm ảnh này, mọi người phải đứng yên trong khoảng 10 phút. Martin nhờ tôi làm “người mẫu” (chỉ lấy hình bóng) nhằm tạo nên một sự so sánh giữa con người nhỏ nhoi với hang Én hùng vĩ.

Không có tiếng động di chuyển của con người, tiếng nước róc rách nghe rõ mồn một, phía bên kia hang tiếng chim én rộn ràng vang sang.

“Thức ăn Việt Nam thật tuyệt vời”

Trên bãi cát gần lều, giữa tấm bạt xanh, thức ăn vừa nấu đã được bày biện thịnh soạn với bò xào bông cải, thịt gà nướng, đậu hủ với cà chua, rau xào, canh bầu và nồi cơm thơm phức nóng hổi.

Đũa gắp, miệng nhai, thức ăn đã ngon, nhưng còn ngon hơn vì một ngày làm việc vất vả. Martin, lần đầu tiên đến Việt Nam, thốt lên: “Thức ăn Việt Nam thật tuyệt vời”.

Riêng Sebastian không ngừng tấm tắc món nước chấm gọi là cheo, đặc trưng cho vùng Phong Nha. Cheo cay nồng, được giã ra từ ớt, gừng, chanh và một thứ lá rừng mà chỉ có những người đi rừng ở đây mới biết. Tất cả mọi người đều đồng thanh lên tiếng cảm ơn các porter Việt về bữa ăn tuyệt vời này.

Lội qua khúc sông, chúng tôi tới một bãi đá. Leo qua ngọn đồi đá nhỏ, chúng tôi thấy nơi cắm trại của đêm đầu tiên hiện ra.

Đó là một bãi cát nằm bên cạnh một hồ nước được tạo ra bởi con sông chảy vào động, dưới một mái vòm cao ước đến 100m. Ánh sáng luồn vào từ cửa trên hang Én rọi sáng hồ nước màu xanh ngọc lấp lánh. Trên bãi cắm trại lều đã được dựng sẵn sàng.

Cách đó vài mét khói bay lên ấm áp. Các porter đã đến đây từ sớm để chuẩn bị mọi việc. Trên đống lửa, một nồi nước đang sôi sùng sục, sẵn sàng cho những tách cà phê và trà.

Tiếng người cười nói, tiếng nước sôi, tiếng trầm trồ của những ai vừa đến, tiếng én ríu rít. Không gian trong hang Én rộn ràng: một bầu không khí hiếm hoi khi con người và thiên nhiên hòa làm một...

Trong khi chờ đến giờ ăn tối, tranh thủ những giờ phút có ánh nắng cuối cùng trong ngày, đoàn nhiếp ảnh NatGeo đi về hướng cửa ra của hang Én - nơi đã trở nên nổi tiếng nhờ bàn tay của nhiếp ảnh gia người Đức Carsten Peter.

Nơi chụp tấm ảnh này được thực hiện trên đỉnh một ngọn đồi ngay trước cửa hang. Từ đỉnh ngọn đồi có thể thấy hết cửa hang. Bóng người đứng dưới cửa hang nhỏ bé như những con kiến di chuyển dọc theo dòng nước đổ vào sông Rào Thương.

Một hình ảnh khác trong hang Én mà không ai không xuýt xoa, đó là trên một bãi cát thấy mọc lô nhô những cây cát cao thấp khác nhau chừng vài tấc. Trên đầu mỗi cây cát lại có một hòn sỏi hoặc một mảnh gỗ nhỏ khiến nó thật sự mang hình hài của một cây nấm.

Chúng tôi gọi nó là “nấm cát”! Ai đã nghịch ngợm làm nên bãi “nấm cát” này? Không ai ngoài tạo hóa. Chính những giọt nước trên trần hang tí tách nhỏ xuống bãi cát bên dưới qua hàng triệu năm đã tạo nên những cây “nấm cát” (những giọt nước rơi xuống đã “gọt” cát thành hình thù cây nấm. Phần thân “nấm cát” được bảo vệ bởi “đầu nấm” là những hòn sỏi, mảnh gỗ).

Ngỡ ngàng trước bãi “nấm cát” - một trò nghịch mất hàng trăm ngàn năm của tạo hóa - Ảnh: Huy Tường

Thành quả đầu tiên

7g tối, ánh sáng vào hang đã tắt. Mùa này mây vẫn còn nhiều, cửa hang vẫn chưa thấy sao. Sang tới mùa hè, trời trong có khi cả miệng hang tràn ngập ánh sao. Mùa hè ở vùng miền Trung này rất nóng nhưng hồ nước trong hang vẫn luôn giữ đúng 19OC, theo như lời của Howard.

Bữa ăn kết thúc cũng là lúc đoàn National Geographic bắt tay vào làm việc, nối lại những bức hình mà họ đã chụp trong ngày. Để thực hiện dự án chụp 360, hai phương thức chính đã được sử dụng: phương thức thứ nhất sử dụng ống kính mắt cá và phương thức thứ hai sử dụng các ống kính góc rộng bình thường.

Cái khó của chụp 360 là không giống như quay phim hay chụp ảnh bình thường (đoạn quay hay bức ảnh chụp có thể được kiểm tra ngay trên màn hình), ảnh 360 chỉ biết được thành công hay không sau khi tất cả các bức ảnh được ghép lại hoàn hảo. Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong ánh sáng khi chụp thì tất cả phải chụp lại ngày hôm sau.

Tiếng máy phát điện nhỏ bắt đầu vang lên trong hang. Đèn xanh đèn đỏ của pin sạc chớp tắt như đèn Giáng sinh. Hai chiếc máy tính chuyên dụng bắt đầu vào hoạt động. Hình ảnh chụp trong ngày được tải vào máy, chỉnh sửa ánh sáng, sắc độ và cuối cùng, phần mà ai cũng hồi hộp chờ đợi: ghép ảnh 360.

Những ảnh này chỉ là bản ghép với độ phân giải thấp, cốt để kiểm tra hình ảnh vừa chụp. 10%, 20%... 50% rồi 90%, bầu không khí vỡ òa trong sự nhẹ nhõm khi những bức ảnh 360 đầu tiên của dự án SonDong 360 thành công. Qua ảnh, tôi lập tức nhận ra con suối, nhánh sông ấy mà mình đã lội qua trong ngày.

Hình ảnh rõ đến từng chiếc lá, làn nước trong vắt, rõ tới mức những hòn đá cuội nằm dưới đáy suối cũng nhìn thấy được. Howard đứng cạnh bên cũng đã tỏ ra hài lòng: chỉ mới ngày thứ nhất nhưng mọi thứ dường như diễn ra thật trôi chảy, hứa hẹn một chuyến đi thành công. Katja ngồi một bên Martin, liên tục ghi chú cho những hình ảnh, đồng thời lên lịch chuẩn bị cho ngày hôm sau.

11g đêm, công việc cuối cùng của đoàn là chuẩn bị chân máy và máy ảnh, đặt cố định máy trên đồi cát để chụp time lapse vào sáng sớm hôm sau khi những tia nắng mặt trời rọi sáng hang (chụp time lapse là cài chương trình chụp hẹn giờ trên máy, cứ 30 giây hoặc 1 phút là máy tự động chụp.

Những bức ảnh này khi ghép lại để thành phim sẽ tạo ra những hiệu ứng rất thú vị, kiểu như các đoạn phim quay cảnh một bông hoa từ lúc còn nụ cho đến mãn khai).

11g30, không gian yên tĩnh dần, ánh đèn ngớt đi, ai nấy đều trở về lều để sẵn sàng cho sáng thứ hai của cuộc hành trình. Phía xa xa, những anh bạn porter chỉ dùng chiếu và mền. Hỏi ông Hồ Khanh sao mọi người không ngủ lều thì ông cười bảo anh em đi rừng ngủ với mền chiếu quen rồi.

Tôi cũng kịp học một câu chào buổi sáng trong tiếng Thụy Điển, để sáng mai thức giấc và ngả mình chào với thiên nhiên hùng vĩ: “God Moron!”.

______________

Nằm lấp ló gần bên cửa hang Khe Ri là một miệng hang khác. Ai cũng hỏi đấy là hang gì? Howard bảo rằng nó chưa có tên bởi vì chưa được khám phá. Một câu hỏi tiếp từ Martin: Còn bao nhiêu hang động trong Phong Nha chưa được khám phá? Howard trả lời:”Đó thật sự là một ẩn số”.

Kỳ tới: Ẩn số Phong Nha

 

HUY TƯỞNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên