02/03/2016 13:49 GMT+7

Khó giữ an toàn 
du lịch mạo hiểm?

MAI VINH ghi (maivinh@tuoitre.com.vn)
MAI VINH ghi (maivinh@tuoitre.com.vn)

TT - Sau nhiều vụ tai nạn dẫn đến chết người khi tham gia du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý thiếu sự cảnh báo, kiểm tra và giám sát đối với loại hình du lịch này.

Hiếm có công ty du lịch mạo hiểm trang bị an toàn đầy đủ và đúng chuẩn cho du khách - Ảnh: Mai Vinh
Hiếm có công ty du lịch mạo hiểm trang bị an toàn đầy đủ và đúng chuẩn cho du khách - Ảnh: Mai Vinh

 

Trong khi đó, lãnh đạo ngành du lịch Lâm Đồng cho rằng cơ quan quản lý gặp lúng túng do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể từ Bộ VH-TT&DL.

* Bà Nguyễn Thị Nguyên (giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng):

Cần có tiêu chuẩn về du lịch mạo hiểm

Khi sản phẩm du lịch này có mặt ở Đà Lạt, chúng tôi đã nghĩ đến việc cấm vì rủi ro cao và chưa có những quy định cụ thể để đảm bảo an toàn. Nhưng cấm sao được khi đây là xu thế du lịch của giới trẻ và là sản phẩm hấp dẫn.

Chúng tôi có xây dựng quy định riêng vận dụng với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Lâm Đồng về việc mua trang thiết bị, bảo hộ, huấn luyện viên, các vấn đề bảo hiểm... Nhưng những quy định này chỉ có tính hướng dẫn, còn muốn quản lý cụ thể và chặt chẽ hơn cần phải có bộ quy định chung về loại hình du lịch này do Bộ VH-TT&DL ban hành.

Thực tế khi phát triển loại hình này, nhiều công ty đã cử người đi các nước để đào tạo, nhưng cũng có không ít công ty không chú trọng vấn đề này, hướng dẫn viên chủ yếu tự học hỏi.

Nếu có quy định chung với tiêu chí cụ thể, chúng tôi sẽ có công cụ để kiểm tra, giám sát trình độ chuyên môn của hướng dẫn viên, tiêu chuẩn an toàn đối với du khách khi tham gia du lịch mạo hiểm.

Tuy nhiên trong khi chờ các quy định cụ thể, tới đây chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải thiết lập quy trình đảm bảo an toàn cho du khách. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức về an toàn trong kinh doanh du lịch nói chung, du lịch mạo hiểm nói riêng.

* Bà Ngô Tấn Thủy Tiên (du khách Nha Trang):

Thiếu cảnh báo cho du khách

Không chỉ ở Lâm Đồng mà tại nhiều điểm du lịch khác, những quy định về an toàn trong tham quan, du lịch gần như bỏ trống.

Thiếu hẳn những cảnh báo nguy hiểm và người giám sát sự tuân thủ của du khách. Tại nhiều khu du lịch, dù có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn cho người tham gia nhưng tôi chưa thấy có cảnh báo hoặc có người hướng dẫn. Họ cứ bán vé rồi thả cho du khách vào trong tham quan, đùa giỡn.

Cứ đến một khu du lịch thác nước bất kỳ sẽ thấy đường đi trơn trượt, rào chắn gỉ mục do không được bảo dưỡng và tìm đỏ mắt cũng không thấy người cứu hộ nào xung quanh. Các diễn đàn du lịch đã than chuyện này nhiều, chứ không phải đợi đến khi có tai nạn xảy ra rồi mới nói.

* Ông Nguyễn Văn Mỹ (chủ tịch Công ty Lửa Việt Tours):

Bỏ trống khâu quản lý

Tai nạn trong du lịch bắt đầu từ nhiều phía. Các đơn vị kinh doanh thiếu đạo đức kinh doanh, chăm chăm thu tiền và giành giật khách. Nhà quản lý vô trách nhiệm, bỏ mặc, đùa giỡn với sinh mạng của du khách.

Du khách chủ quan, không rõ địa hình và cả thổ nhưỡng. Khách hàng cũng có phần lỗi, chủ quan khi không lựa chọn tour kỹ càng, vi phạm các quy định an toàn... Đó là câu chuyện chung, còn các trò chơi mạo hiểm hiện chưa có quy chuẩn nào cụ thể.

Quản lý nhà nước gần như bỏ trống hoặc chỉ chung chung, không có căn cứ răn đe xử phạt. Do đó doanh nghiệp mạnh ai nấy làm và rủi ro xuất phát từ đây. Các công ty học lóm nhau cách tổ chức, không đầu tư thiết bị đúng chuẩn quốc tế (cũng không có ai bắt buộc chuyện này), không có hướng dẫn viên được đào tạo nghiệp vụ bài bản.

Ở những nước có quy định chặt chẽ về du lịch mạo hiểm, hướng dẫn viên phải có chứng chỉ hành nghề với đầy đủ thông tin về thời gian hành nghề tích lũy được cũng như độ dày dạn kinh nghiệm. Các nước Thái Lan, Malaysia có hẳn những trung tâm đào tạo rất bài bản.

Ở Việt Nam, thường các trò chơi mạo hiểm có tai nạn do vận hành cẩu thả, lỗi kỹ thuật và chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của trò chơi. Những tai nạn thương tâm ở thác Datanla, thác Pongour (Lâm Đồng), các bãi biển... đều có thể phòng tránh hiệu quả nếu mỗi người có trách nhiệm hơn.

Trước hết là quản lý nhà nước. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải có quy chuẩn tối thiểu từ huấn luyện viên, hướng dẫn viên đến bác sĩ cứu hộ. Thường xuyên giám sát kiểm tra hoạt động các công ty và xử lý nghiêm khắc mọi vi phạm.

Làm được vậy, các doanh nghiệp sẽ không tự tung tự tác. Kiên quyết từ chối những du khách muốn chuốc họa vào thân. Du khách cũng phải có trách nhiệm với chính mình, tôn trọng các quy định của trò chơi.

MAI VINH ghi (maivinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên