Thật bất ngờ khi đọc bài “Chi tiền tỉ dạy tiếng Anh cho người dân” vì huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi mà nói theo ngôn ngữ du lịch là “Ngục tù ngày xưa - Thiên đường hôm nay”, là địa phương “vùng sâu vùng xa” nhưng đã chi tiền nhà nước nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người dân, cán bộ, công chức để phát triển du lịch, ở đây là khách quốc tế.
Xét trong lĩnh vực du lịch, khi nhận thức của lãnh đạo chính quyền ngày càng hoàn thiện thông qua các quyết sách đúng đắn chắc chắn giúp trình độ, ý thức của người dân ngày càng nâng lên, du khách được hưởng lợi và quan trọng hơn sẽ gia tăng giá trị cạnh tranh của địa phương, góp phần gia tăng giá trị cạnh tranh thương hiệu du lịch Việt Nam.
Cái lợi sẽ mang lại cho nhiều phía, nhất là cư dân địa phương, cả trước mắt và lâu dài.
Thực tế rất nhiều địa phương tự thấy rằng nhờ thiên nhiên ưu đãi nên có được những danh lam thắng cảnh đẹp, có tiềm năng lớn về du lịch. Nhưng đó chỉ là tài nguyên, muốn khai thác cần rất nhiều thứ, trong đó cũng cần phải có “tài nguyên con người”. Mà nhân lực thì không thể tự nhiên mà có, phải đào tạo, cần thời gian, phải bền bỉ huấn luyện...
Đề án chi tiền tỉ dạy tiếng Anh tại Côn Đảo có ý nghĩa không chỉ dành riêng cho đối tượng nguồn nhân lực trực tiếp trong hoạt động du lịch, mà còn cho cả nguồn nhân lực từ cộng đồng, những cá nhân mang lại sự thân thiện, mến khách của một vùng đất, một tuyến điểm. Côn Đảo đã thực thi theo định hướng xem nhân lực là một nguồn tài nguyên.
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2015: Việt Nam xếp hạng 33/141 quốc gia và vùng lãnh thổ về các nguồn lực phát triển du lịch, trong đó tự nhiên xếp 40/141, văn hóa 33/141. Chỉ số cạnh tranh nhân lực và lao động du lịch xếp 55/141. Nếu xếp hạng khu vực ASEAN về chỉ số cạnh tranh nhân lực và lao động du lịch thì nước ta đứng vị trí số 5.
Điều này cho thấy với tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, văn hóa, chúng ta không thua kém bất cứ quốc gia nào trong ASEAN nhưng chất lượng nguồn nhân lực có phần bị hạn chế, hiện chỉ ở mức trung bình, trong đó có yếu tố kỹ năng mềm, ngoại ngữ.
Tất nhiên không thể có cảnh đẹp, ngoại ngữ giỏi là đã thu hút được du lịch. Bên cạnh sự hỗ trợ ngoại ngữ, nên chăng Côn Đảo, hay địa phương nào khác cũng có ý tưởng này, cũng nên tập trung nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ những dự án khai thác tiêu thụ các sản vật, món ngon vật lạ tại địa phương, kỹ năng giao tiếp với khách du lịch, cách để tạo thái độ thân thiện, nói không với “chặt chém” khách...
Những việc này vừa giúp khai thác tiềm năng du lịch mang lại nguồn thu, vừa bảo tồn được các giá trị bản địa và cũng là phương cách quảng bá hiệu quả nhất du lịch, văn hóa địa phương. Và có ngoại ngữ, giao tiếp tốt với du khách chính là điều kiện tốt để người dân hình thành phong cách phục vụ du lịch thân thiện.
Đề án hỗ trợ cộng đồng học tiếng Anh tại Côn Đảo có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào phương pháp, sự công tâm, quyết tâm của những người triển khai và sự cộng hưởng của người dân, sự đánh giá của du khách quốc tế.
Tuy nhiên, những gì mà người dân được hưởng lợi từ ngân sách (cũng chính từ tiền thuế của dân), mang lại lợi ích thiết thực cho họ, nhất là từ sáng kiến của chính quyền, chắc chắn có ý nghĩa và được tôn vinh, nhân rộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận