Nhiều ý kiến đề xuất chọn khu phố Tây trên đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) quy hoạch thành phố đi bộ và cho các quán bar ở đây hoạt động cả đêm. Trong ảnh: du khách uống bia trên đường Bùi Viện lúc 2g sáng 4-11 - Ảnh: Hữu Thuận |
Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến:
* Matthew D. Edward (người Mỹ, giáo viên tại TP.HCM):
Anh Matthew D. Edward - Ảnh: NVCC |
Quán bar tại các thành phố du lịch mở cửa rất muộn
Theo tôi, tình trạng “chặt chém” vô lý hay khả năng giao tiếp tiếng Anh của người dân bản địa chưa cao, gây trở ngại trong dịch vụ du lịch tại Việt Nam khiến du khách thích đến Thái Lan hay Myanmar hơn.
Còn việc bắt đóng cửa các quán bar vào 12g đêm không khiến tình hình khá khẩm hơn mà còn khiến du lịch càng kém hấp dẫn trong mắt khách nước ngoài. Có rất nhiều nơi quy định giờ giới nghiêm đối với các quán bar, nhưng ngay cả hai TP lớn, cổ kính là Washington và Boston cũng cho phép các quán bar mở cửa đến 2g sáng hoặc trễ hơn.
Tại bang New Orleans, các cửa hàng hoạt động ở khu Bourbon và các khu vực lân cận (khu vực giải trí, thu hút khách du lịch - pv) thường được phép mở cửa đến tận 6g sáng. Vì vậy, tôi nghĩ chính quyền TP.HCM cũng nên áp dụng phương pháp này đối với một số khu thường thu hút khách du lịch như Bùi Viện hay Phạm Ngũ Lão.
Tuy nhiên, về lâu dài, TP.HCM nên có những biện pháp toàn diện hơn bởi hiện nay người nước ngoài sống rải rác ở nhiều khu vực chứ không chỉ tập trung tại Q.1 như trước kia. Họ có thể có nhu cầu đến vui chơi ở những địa điểm ngoài khu trung tâm như Q.2, nơi có nhiều quán bar với khung cảnh rất đẹp... Nếu những nơi này bị buộc phải đóng cửa lúc 12g đêm trong khi các địa điểm khác được phép mở cửa thì sẽ thiệt thòi cho họ.
Năm 2009, tôi từng sống ở Bồ Đào Nha và hầu như không thấy vấn đề gì xảy ra dù các quán bar được phép mở cửa đến 4g sáng. Quốc gia này là một trong các địa điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu.
Để quản lý an ninh, chính quyền tăng cường cảnh sát tại những khu vực đông người, đặc biệt là cảnh sát biết nói tiếng Anh. Ngoài ra, các khu dành cho du lịch ở Mỹ cũng thường cho phép hàng quán mở cửa rất muộn.
Tuy nhiên, người chủ hoặc quản lý phải chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự và tránh để xảy ra các vụ ồn ào, xô xát, nếu không sẽ bị phạt và buộc phải tạm đóng cửa quán. Ví dụ, một quán bar để khách đánh nhau có thể bị đóng cửa 30 ngày và nộp phạt 10.000 USD.
Những quán liên tục vi phạm và để khách ẩu đả sẽ bị tước giấy phép kinh doanh và đóng cửa vĩnh viễn. Vì vậy, những nơi này hiếm khi xảy ra các vụ lộn xộn ngay cả vào những ngày cuối tuần.
Hơn nữa, việc đóng cửa các quán bar sớm còn có thể gây ra một vài tác dụng ngược. Thay vì đến quán, mọi người sẽ chuyển địa điểm tổ chức tiệc tùng về nhà riêng hoặc các khu dân cư, thậm chí là các quán bar “ngầm”.
Nếu khách du lịch tham gia giải trí ở các địa điểm xa lạ này, họ có thể dễ dàng bị cướp, quấy rối hoặc vướng vào các vụ rắc rối khác vì không biết ngôn ngữ bản địa và cũng không rành đường đi nước bước. Ngoài ra, cảnh sát cũng sẽ chật vật hơn vì phải truy tìm các địa điểm phát sinh ồn ào ngoài ý muốn này, thay vì tập trung vào quản lý một khu vực với các quán bar mà họ đã quen thuộc.
Theo tôi, một trong những đặc điểm khiến cuộc sống về đêm tại TP.HCM thú vị chính là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa. Tôi từng làm việc ở châu Phi và thấy các quán bar toàn là người nước ngoài. Người dân bản địa quá nghèo nên không thể đến giải trí ở những nơi xa xỉ. Trong khi đó, ở TP.HCM có thể dễ dàng tìm thấy những người bạn Việt Nam tại các quán bar ở phố Tây để gặp gỡ, trò chuyện.
* Jackie Yap (người Malaysia, khách du lịch):
Anh Jackie Yap - Ảnh: B.M. |
Tăng thuế, thay vì cấm
Tôi đã từng đến TP.HCM trong vòng một tuần. Theo tôi, việc áp dụng lệnh cấm quán bar hoạt động sau 12g đêm ở một TP đang phát triển như TP.HCM không phải là ý tưởng hay. Hơn nữa, tôi nghĩ chính quyền nên có các giải pháp xử lý tình huống chứ không nên đưa ra lệnh cấm giờ, bởi đi bar là một hình thức giải trí phổ biến về đêm đối với du khách.
Khi đến một TP nào đó, khách du lịch có xu hướng ra ngoài vào ban đêm để tìm hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống của người dân. Tôi nghĩ người châu Á thường thích ngắm cảnh, nhưng khách từ phương Tây sẽ thích tập trung ở quán bar.
Theo tôi, thay vì cấm, có thể để chủ quán bar tự mình quyết định. Nếu muốn mở cửa sau 12g đêm, họ sẽ phải xin giấy phép kinh doanh riêng và có trách nhiệm trong việc quản lý để quán bar của mình vừa an toàn và vừa thu hút khách. Ngoài ra, có thể tăng thuế ở các khu vực cho phép quán bar mở cửa quá 12g.
Tại Malaysia, chúng tôi ít khi gặp phải tình huống bị chính quyền áp lệnh giới nghiêm về giờ giấc. Họ chủ yếu sẽ tăng thuế. Tôi nghĩ chính quyền TP.HCM nên cân nhắc đến khả năng đóng góp cho doanh thu và du lịch từ các quán bar để đề xuất thay đổi lệnh cấm quán bar mở cửa sau 12g đêm. Nếu số lượng khách nước ngoài đến quán bar quá ít, việc đóng cửa sớm sẽ không gây trở ngại gì mấy. Tuy nhiên, nếu quán bar hiện là nơi thu hút nhiều du khách thì cần có giải pháp khác thay vì đưa ra lệnh cấm như hiện nay.
* Pawel G. (người Phần Lan, nhân viên tại TP.HCM): Bắt “ngủ” sớm, du khách sẽ rời đi Khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ thường thích đến vui chơi ở bar khi đêm đã về khuya. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này ở các quán bar ngay khu Bùi Viện. Vì vậy, tôi nghĩ việc yêu cầu đóng cửa bar vào 12g đêm sẽ khiến TP.HCM bớt hấp dẫn với du khách, cùng lắm họ chỉ ở vài ngày để tham quan các danh thắng quan trọng rồi rời đi. Bên cạnh đó, theo tôi, khách du lịch thường không phải đối tượng gây rối hoặc tham gia vào những tệ nạn ở quán bar. Vì vậy, thay vì đóng cửa sớm, tôi nghĩ chính quyền nên bố trí nhiều cảnh sát hơn để bảo vệ trật tự của khu phố vào ban đêm. Ví dụ, Amsterdam (Hà Lan) có một khu phố đèn đỏ hợp pháp, nơi các cô gái mại dâm được quyền công khai hành nghề. Tại nơi này, họ cũng cho phép các bar hoạt động. Tuy nhiên, nơi đây cũng chính là nơi an toàn ở Amsterdam vì có rất nhiều cảnh sát bảo vệ. Ngoài ra, những người vi phạm sẽ bị phạt rất nặng nên gần như không có ai dám hành xử thiếu cân nhắc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận