19/06/2017 11:55 GMT+7

Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi mạnh ngành du lịch

ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - Mục tiêu đóng góp 10% GDP, thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020 cho thấy du lịch là một ngành trụ cột của kinh tế Việt Nam và đang thay đổi mạnh nhờ cách mạng 4.0.

Đại diện các nền kinh tế thành viên APEC tham dự đối thoại - Ảnh: ĐỨC HIẾU
Đại diện các nền kinh tế thành viên APEC tham dự đối thoại - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) được dự báo sẽ tạo nên những thay đổi lớn đối với thế giới nói chung, ngành du lịch nói riêng. Vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để phát triển du lịch bền vững về kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.

Đây là nhận định của Bộ trưởng Du lịch - Thể thao và Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện tại “Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững” diễn ra vào ngày 19-6, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Chương trình này là một trong những sáng kiến nằm trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017, với sự tham gia của khoảng 150 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cùng một số các tổ chức khác.

Bộ trưởng Thiện cho biết du lịch Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đón 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP vào năm 2020.

Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển để đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Thiện khẳng định chương trình đối thoại lần này là cơ hội tốt để các nền kinh tế APEC xác định thực trạng, đề ra hành động và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, góp phần triển khai thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển 2017.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giới thiệu những nỗ lực cải thiện môi trường du lịch với các đại biểu đến từ các quốc gia khác - Ảnh: ĐỨC HIẾU
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giới thiệu những nỗ lực cải thiện môi trường du lịch với các đại biểu đến từ các quốc gia khác - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, năm 2016, ngành du lịch đã đóng góp 1.300 tỷ USD cho GDP của khu vực APEC, tạo 67 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực.

Các diễn giả cho rằng các nền kinh tế APEC cần hợp tác nhằm bảo đảm các lợi ích kinh tế, xã hội cho tất cả mọi người dân về việc làm ổn định, cơ hội thu nhập, góp phần giảm nghèo, gìn giữ các giá trị văn hóa và tăng cường giao lưu, hiểu biết văn hóa lẫn nhau cũng như bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học.

Tẩn Thị Su, giám đốc doanh nghiệp xã hội Sapa O’Chau – một trong những doanh nghiệp hướng tới phát triển du lịch bền vững giới thiệu văn hóa Việt Nam với một đại biểu đến từ Peru - Ảnh: ĐỨC HIẾU
Tẩn Thị Su, giám đốc doanh nghiệp xã hội Sapa O’Chau – một trong những doanh nghiệp hướng tới phát triển du lịch bền vững giới thiệu văn hóa Việt Nam với một đại biểu đến từ Peru - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với những thách thức chung là một yêu cầu tất yếu, theo các diễn giả, để bảo đảm đạt được phát triển bền vững và bao trùm vì người dân và doanh nghiệp.

Theo dự kiến, chiều nay (19-6), các bộ trưởng, trưởng đoàn thành viên tham dự đối thoại sẽ thông qua Tuyên bố cao cấp APEC về du lịch bền vững.

Hợp tác du lịch trong APEC chính thức được khởi đầu từ năm 1991 cùng sự hình thành của Nhóm Công tác Du lịch APEC (TWG).

Năm 2000, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ nhất tổ chức tại Hàn Quốc đã thông qua Hiến chương Du lịch APEC, một văn kiện quan trọng mang tính định hướng và tạo nền tảng cho hợp tác du lịch APEC.

Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC họp 2 năm/lần luôn đưa ra Tuyên bố thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo du lịch APEC nhằm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, là công cụ tăng cường giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định, tạo điều kiện phát triển.

 

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên