Ông Hà Văn Siêu - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - phát biểu khai mạc tọa đàm - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Chiều 24-9 tại Hà Nội, tọa đàm "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng các đơn vị tổ chức với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội, đại diện hàng không, doanh nghiệp lữ hành… nhằm thảo luận đưa ra giải pháp kích cầu du lịch trong thời gian cuối năm.
Phát biểu khai mạc, ông Hà Văn Siêu - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - nhấn mạnh trong đợt kích cầu lần hai này, chúng ta đã có kinh nghiệm từ thành công và chưa thành công từ đợt trước.
Ông Đinh Ngọc Đức - vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch - cho biết giai đoạn này tập trung vào chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn" với hai nội dung:
Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đẩy mạnh truyền thông các kênh địa phương. Cùng với gói kích cầu du lịch, truyền thông về du lịch an toàn cần thiết hơn.
Thứ hai, tiếp tục có sự liên kết giữa các ngành cung cấp dịch vụ, có giá cả hấp dẫn để khách đi du lịch nhiều hơn. Các địa phương cần đẩy mạnh hình thức du lịch gần gũi thiên nhiên, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.
Bên cạnh đối tượng khách người Việt Nam, thời gian tới các địa phương cần chú trọng tới khách nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường du lịch nhấn mạnh.
Sắp tới, các hãng hàng không khai thác lại các đường bay quốc tế, đây là cơ hội cho du lịch Việt Nam. Theo ông Dương Hoài Nam - giám đốc văn phòng khu vực miền Bắc Vietjet Air, du lịch nội địa đã có khởi sắc tốt. Ngày 30-9 tới, Vietjet Air sẽ khai thác lại đường bay quốc tế từ Seoul về Việt Nam.
"Trước tiên là các chuyên gia, những người có tay nghề cao... sẽ về nước. Dù họ không phải khách du lịch nhưng từ trải nghiệm ban đầu sẽ khởi động những chuyến bay sau. Bên cạnh đó, họ cũng có thể nảy sinh ý định đi du lịch", ông Nam nói.
Chương trình có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội, đại diện hàng không, doanh nghiệp lữ hành... - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch - cho biết khi dịch xuất hiện, những người làm trong ngành cũng dự đoán dịch chỉ diễn ra vài tháng, song ngày càng thấy rõ hậu quả kinh khủng của dịch bệnh, ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch.
Ông Bình nhận định COVID-19 đã thay đổi du lịch, các doanh nghiệp cần tư duy và tiếp cận khách hàng theo cách mới. Có thể tìm hiểu hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển. Doanh nghiệp cũng nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh.
Đại diện Sở Du lịch TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết thời gian tới TP sẽ phát động cuộc thi "Nhớ Đà Nẵng" với mong muốn các du khách tới điểm du lịch biển này trước khi có dịch hay trong thời gian bị mắc kẹt có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ.
Đà Nẵng cũng sẽ tập trung tạo sản phẩm mới, chiến dịch phát triển sản phẩm về dài hạn. "Chúng ta phải suy nghĩ về tương lai, song song với biện pháp phòng chống dịch kiên quyết và hiệu quả. Với thị trường nội địa, chúng tôi tập trung cho dòng sản phẩm như du lịch thể thao, đính hôn, chương trình liên quan đến sinh thái, hướng về tự nhiên... với đối tượng là nhóm gia đình nhỏ", ông Nguyễn Xuân Bình nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận