02/09/2017 16:53 GMT+7

Du lịch Việt Nam cần ​ý tưởng và sản phẩm mới

PHẠM QUANG VINH
PHẠM QUANG VINH

TTCT - Đã đến lúc phải đặt ra vấn đề nghiêm túc, cho những nỗ lực đầy đủ trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thực sự cạnh tranh của Việt Nam.

Hang Va (Phong Nha, Quảng Bình) mới được đưa vào khai thác gần đây. Địa phương này đã làm một bước nhảy vọt ngoạn mục khi từ ngoài top 10 đã vào vị trí thứ tư được du khách ưa thích. -Ảnh: Phạm Quang Vinh
Hang Va (Phong Nha, Quảng Bình) mới được đưa vào khai thác gần đây. Địa phương này đã làm một bước nhảy vọt ngoạn mục khi từ ngoài top 10 đã vào vị trí thứ tư được du khách ưa thích. - Ảnh: Phạm Quang Vinh

Khi Thủ tướng triệu tập một “hội nghị Diên Hồng” vào đầu tháng 8 năm ngoái ở Hội An, cho dù nhìn thấy quyết tâm của Chính phủ, không nhiều người tin tưởng lắm vào mục tiêu đưa du lịch chiếm 10% GDP.

Nhưng có lẽ, sự quyết liệt và những giải pháp sau đó đã phát huy tác dụng, năm 2016 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 26%, trong khi năm trước đó giảm 0,2% và năm 2014 chỉ tăng 5,1%...

Danh mục biết nói về "kẻ ra, người vào"

Những giải pháp tức thời như triển khai visa điện tử, miễn thị thực ngắn hạn... đã phát huy tác dụng ngay và tạo nên tăng trưởng, nhưng rõ ràng, con đường đi đến 10% GDP còn khá xa và vất vả, khi tổng thu nhập từ khách du lịch quốc tế năm 2016 chỉ đạt khoảng 8,25 tỉ USD so với con số 7,35 tỉ USD năm trước đó, tức là thu nhập từ khách quốc tế chỉ tăng trưởng 12% so với mức tăng 26% của số lượng khách.

Cũng trong năm 2017, đã có những thay đổi khá lớn trong “bảng xếp hạng” của các khách du lịch đến Việt Nam. Trong danh sách những địa danh phổ biến của Việt Nam trên TripAdvisor, một trang mạng và ứng dụng phổ biến của khách du lịch, những địa danh vốn “nổi tiếng” như Huế, Hạ Long, Sa Pa, Phan Thiết đã “tụt hạng”, nhường những vị trí đầu cho Hội An (1), Hà Nội (2), TP.HCM (3) và đặc biệt, Đồng Hới (Quảng Bình) đã đứng ở vị trí thứ 4, đứng trên Huế (5), Đà Nẵng (6), Hạ Long (7), Nha Trang (8), Đà Lạt (9) và Sa Pa (10).

Nếu hiểu rằng bảng xếp hạng này của TripAdvisor hoàn toàn dựa trên đánh giá của khách du lịch, và thể hiện số lượng đánh giá cao nhất (5 sao) của du khách, chúng ta sẽ thấy đáng ngại khi những địa danh nổi tiếng như Hạ Long hay Sa Pa nằm ở nửa cuối của danh sách 10 địa danh phổ biến.

Sự xuất hiện của Đồng Hới từ bên ngoài danh sách 20 địa danh đứng đầu trở thành địa danh đứng thứ 4 có lẽ là một gợi ý đáng quan tâm cho việc phát triển du lịch.

Địa danh này vốn không có nhiều ưu ái của thiên nhiên và kết nối, với một sân bay nhỏ và xa các trung tâm lớn, cơ sở vật chất của ngành du lịch không lớn, nhưng sự hài lòng của khách du lịch lại khá cao.

Sự nổi trội của các sản phẩm du lịch địa phương rõ ràng đã mang lại nhiều trải nghiệm tốt cho du khách, các tour du lịch mạo hiểm, khám phá hang động có lẽ đã trở thành một trải nghiệm đáng nhớ và được đánh giá cao, giúp Đồng Hới đứng phía trên của bảng xếp hạng.

Cũng có thể nhìn thấy khá nhiều bài học khi nhìn vào những câu hỏi và thảo luận của du khách về Hạ Long, và so sánh nó với những sản phẩm du lịch hiện có.

Ví dụ, có một số du khách trẻ đặt ra câu hỏi, là họ muốn có kỳ nghỉ trên vịnh, nhưng đối với những nhóm khách ở lứa tuổi này, thị trường lại không có những sản phẩm riêng cho họ, không lẽ họ sẽ phải chấp nhận “rủi ro” của việc chia sẻ kỳ nghỉ với những người khác biệt về độ tuổi sao? Ở góc độ của một du khách, điều ấy tất nhiên là không thú vị.

Tôi cũng được nghe khá nhiều câu hỏi khác về những yêu cầu trải nghiệm trên vịnh, ví dụ bơi hay kayak, và các vị khách đều khó khăn để hiểu rằng việc ấy là không được phép hoặc hạn chế. Trong khi chúng ta liệt kayak vào loại hình dịch vụ “mạo hiểm” thì khắp thế giới, kayak phổ biến chả kém gì bơi lội, và chắc chắn là an toàn hơn rất nhiều.

Sự đơn điệu của các sản phẩm du lịch rõ ràng đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của du khách, và tôi sẽ không quá ngạc nhiên với việc suy giảm của Hạ Long trong bảng xếp hạng trong thời gian tới.

Ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì - Ảnh: Ngô Trí Thành

Trong khi Sa Pa xếp ở cuối danh sách 10 địa danh phổ biến, mà tôi nghĩ có sự ảnh hưởng lớn của những trải nghiệm không dễ chịu của một Sa Pa đông đúc và nhộn nhịp trái với những gì họ kỳ vọng, các chuyến trekking của Sapa Ochau và Ethos lại vẫn đứng đầu trong những lựa chọn và đánh giá của du khách, có lẽ sự hấp dẫn của văn hóa bản địa mà những chị em hướng dẫn viên Mông, Dao... mang lại cho du khách đã đóng góp quan trọng.

Những sản phẩm du lịch như vậy không chỉ mang lại “điểm tốt” cho địa phương, mà còn hỗ trợ rất lớn cho chính những người thiểu số tham gia vào hoạt động kinh doanh đó. Thu nhập và cả những trải nghiệm của du khách đã và sẽ giúp họ thay đổi cuộc sống của mình.

Một sản phẩm du lịch có thể coi là một ví dụ khá điển hình ở Sa Pa, là cuộc chạy đường rừng Sapa Mountain Marathon. Một tháng trước ngày diễn ra, đơn vị tổ chức đã bán hết các suất chạy cự ly bán marathon (21km) và marathon (42km) và chỉ còn chỗ cho 10 người cuối cùng của các cự ly 70km và 100km.

Có lẽ sẽ khó khăn để giải thích cho khá nhiều người, kể cả các vị chịu trách nhiệm về phát triển du lịch, về sự hấp dẫn của một sản phẩm du lịch “khó nhằn” như Sapa Mountain Marathon, khi khách phải trả 300 đôla Mỹ nếu thuê lều, hoặc 500 đôla Mỹ nếu chia sẻ phòng ở Sapa Ecologde khi tham dự giải chạy này.

Khách du lịch, tuy vậy, không sẵn lòng “hiểu” chúng ta khi phải trả 200.000 để leo lên ngôi chùa ở Ninh Bình, trả tiền cho một chuyến đi bộ trong phố cổ Hội An hay bị chặn lại để mua vé trong chuyến trekking ở Sa Pa, bởi họ, ví dụ, không hề phải trả đồng nào cho chuyến đi trekking ở một trong mười con đường trekking đẹp nhất thế giới do National Geographic bình chọn lên đá lưỡi quỷ ở Tyssedal (Na Uy) chẳng hạn.

Dưới gốc của cây cổ thụ có lẽ là lớn nhất ở Sa Pa này có hơn 180 người Mông trong cùng một dòng họ đang sinh sống, một
Dưới gốc của cây cổ thụ có lẽ là lớn nhất ở Sa Pa này có hơn 180 người Mông trong cùng một dòng họ đang sinh sống, một "bí mật" thú vị trong chuyến trekking với các phụ nữ Mông của Ethos Sapa - Ảnh: Phạm Quang Vinh

Tìm một diện mạo mới

Với những gợi ý và thông tin “dài dòng” trên đây, tôi nghĩ đã đến lúc phải đặt ra vấn đề nghiêm túc, cho những nỗ lực đầy đủ trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Rõ ràng, Sapa Mountain Marathon hay những chuyến trekking với các phụ nữ Mông thông thạo văn hóa bản địa là những sản phẩm có tính cạnh tranh và hấp dẫn lớn.

Những sản phẩm du lịch mạo hiểm của Oxalis ở Quảng Bình cũng đã giới thiệu một “diện mạo” khác cho một tầng lớp khách du lịch sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm.

Những ý tưởng và sản phẩm mới sẽ rất quan trọng, để thật sự có thể đạt được mục tiêu 10% GDP như Thủ tướng và Chính phủ đặt ra, bởi ngay trong tăng trưởng của năm 2016, như được nhắc đến đầu bài viết này, tăng trưởng của doanh số chỉ đạt 12% trong khi tăng trưởng du khách là 26%.

Để so sánh, ngay bên cạnh chúng ta, Thái Lan đạt được mức tăng trưởng về số lượng khách quốc tế 8,9% trong năm 2016, nhưng tăng trưởng về doanh số là 11%, cao hơn mức độ tăng trưởng du khách.

Con số tuyệt đối cũng khá đáng suy nghĩ: năm 2010, khi chúng ta nhận 5 triệu khách quốc tế và thu được 4,45 tỉ đôla, Thái Lan “chỉ có” 15,9 triệu khách và thu được 20,1 tỉ đôla. Đến năm 2016, Thái Lan có 32,5 triệu khách quốc tế và thu nhập 49,87 tỉ đôla, con số tương tự ở Việt Nam là 10 triệu khách và 8,25 tỉ đôla.

Một khoảng cách thật sự lớn và cũng có nghĩa là một đối thủ cạnh tranh rất lớn đang ở ngay bên cạnh. Thái Lan không chỉ vượt trội bởi ngành công nghiệp du lịch có nhiều sản phẩm và kinh nghiệm phát triển, họ còn có khá nhiều sản phẩm tương tự Việt Nam và có sẵn tiếng tăm quốc tế. Điều ấy rõ ràng càng đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn về tạo dựng sản phẩm.

Tôi chợt nghĩ, bao nhiêu năm nay chúng ta nói về những thành tựu đáng kể về giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đều là nhờ dựa vào nhân dân, chiến tranh nhân dân đã trở thành ưu thế lớn của đất nước này, thì trong “cuộc chiến” mới này, có lẽ cũng cần những giải pháp từ nhân dân.

Sản phẩm du lịch mạo hiểm ở Quảng Bình, giải chạy đường dài ở Sa Pa, hay những chuyến trekking với những phụ nữ Mông ở Sa Pa, đều là những “sản phẩm nhân dân”.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta thật sự và cần thiết phải nghĩ đến việc phát triển những dư địa như vậy cho sản phẩm, biến các sản phẩm du lịch trở thành những sáng kiến cộng đồng, góp phần tạo nên một ngành du lịch thật sự hấp dẫn.

Dư địa phát triển du lịch Việt Nam, hẳn là nằm ở những thành tố như vậy.

(Các số liệu trong bài viết này được lấy từ báo cáo năm 2017 của Tổ chức Du lịch thế giới - UNWTO Tourism Highlights 2017 Edition).

PHẠM QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên