16/07/2019 11:21 GMT+7

Du lịch quá tải: Đừng để du khách thiệt thòi

NGUYỄN VĂN MỸ
NGUYỄN VĂN MỸ

TTO - Quá tải du lịch là dấu chỉ tích cực nếu biết chủ động chuẩn bị, đối phó và giải quyết. Nhưng, bằng cách nào?

Du lịch quá tải: Đừng để du khách thiệt thòi - Ảnh 1.

Du khách chen chân nhau tại chợ Đà Lạt - Ảnh: NGUYỄN PHI BẰNG

Đến 19h30 tối chủ nhật 14-7, trên quốc lộ 1 từ miền Trung về TP.HCM nhộn nhịp như mùa hành hương. Các điểm dừng, quán ăn trên đường xe ôtô đậu hàng hàng, lớp lớp.

Vui không trọn

Trong tuần, tôi có đi Đà Nẵng và Phan Thiết, các bãi biển chỗ nào cũng đông nghẹt người. Bạn bè, đồng nghiệp ngành du lịch cho biết khắp nơi trên cả nước chỗ nào cũng quá tải.

Chị Đặng Thị Ngọc Nở - chủ nhà hàng Cơm niêu Cao Phát ở Long Khánh, Đồng Nai - cho biết: "Chúng tôi có hai nhà hàng (1.600 chỗ và 700 chỗ). Chuẩn bị cho hè 2019, chúng tôi mở thêm nhà hàng thứ 3 (600 chỗ), cùng lúc phải tuyển thêm nhân viên thời vụ từ sinh viên và học sinh. Cả nhân viên cũ và mới đều được huấn luyện kỹ để chuẩn bị đón khách mùa cao điểm". 

Trước nhà hàng Cơm niêu Cao Phát 1 (Đồng Nai), hơn 30 xe (một nửa là xe 45 chỗ) đậu kín bãi.

Ngoài những ngày lễ, tết thì mùa hè là cao điểm của du lịch. Trong hè thì tháng 7 là cao điểm của cao điểm. Mấy năm gần đây, du lịch Việt Nam, cả nội địa lẫn quốc tế, năm nào cũng tăng số lượng ở mức hai con số, năm sau cao hơn năm trước. Năm nay, ngoài khách đi theo các công ty thì lượng khách tự tổ chức tour và tự lái xe gia đình đi chơi tăng đột biến.

Các điểm du lịch đông khách, đó là chuyện đáng mừng. Nhưng mừng không trọn khi dưới biển kín người, trên núi rừng kẹt xe, du khách chen chân tại các điểm du lịch. Cảm giác khó chịu, bất tiện đến phát cáu, mệt mỏi sau chuyến đi, kèm theo đó là sự thất vọng, chê bai đủ kiểu về "điểm hẹn du lịch", nơi mình vừa đến, mỗi người góp một phần thêm cho sự "đông nhưng không vui" kia...

Họ đã chọn cách làm khác

Đi du lịch, ai cũng muốn được tận hưởng không gian, thoải mái với dịch vụ tại điểm đến, đó là nhu cầu chính đáng của du khách. Quá tải tại các điểm đến du lịch cũng không phải chuyện chỉ có ở Việt Nam. Vấn đề là giải quyết việc này theo cách nào?

Các nước cũng có nhiều điểm du lịch rất hấp dẫn, họ cũng từng quá tải nhưng họ chọn cách làm khác khi không chạy theo mục tiêu tăng số lượng du khách, thay vào đó hướng đến việc tăng chất lượng dịch vụ, tăng mức thu từ du khách.

Vương quốc Bhutan hạn chế lượng khách bằng chuyến bay và giá cả, mỗi khách tối thiểu phải chi tiêu 200-250 USD/ngày tại Bhutan tùy mùa thấp hay cao điểm. Các điểm tham quan trọng điểm đều quy định chặt chẽ số lượng khách tối đa. 

Quần thể Angkor (Siem Reap, Campuchia), lượng khách lên tầng trên cùng của Angkor Wat không quá 100 người, còn lên đồi Bakheng không quá 300 người. Nhân viên kiểm soát đếm người lên, đủ số lượng thì dừng, chờ khách xuống sẽ mời tiếp lượng khách lên tương ứng. 

Núi Kinabalu (Malaysia, cao nhất Asean) mỗi ngày chỉ cho phép 120 người tham gia leo núi và phải được khám sức khỏe trước. Cách làm này cũng được các điểm cao như tháp Eiffel (Pháp), các tháp truyền hình, sky view, bảo tàng, cáp treo, bến thuyền... nhiều nước thực hiện.

Việt Nam thì gần như ngược lại. Cứ khách đến là nhận, lấy số lượng được đặt lên hàng đầu. Khách tham quan Hạ Long mùa cao điểm phải khổ sở leo thuyền, chen chúc vào động, đông quá thành ra ngột ngạt, cáu gắt và kèm cả nguy hiểm. 

Tình cảnh du khách viếng chùa lớn mùa lễ hội chen lấn, tàu du lịch chở quá tải vẫn diễn ra nhiều nơi. Các điểm du lịch lớn nhỏ, chưa thấy nơi nào từ chối bán vé để đảm bảo dịch vụ tốt nhất cho du khách.

Thay đổi theo hướng nào?

Khi lượng du khách vượt quá khả năng phục vụ (thiếu hướng dẫn viên đủ chuẩn, phòng ốc không đảm bảo...), các công ty uy tín thường tư vấn dời lịch chuyến đi. Cách làm này vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ, vừa được giảm giá. 

Không dời được thì từ chối dịch vụ, không thể đánh cược thương hiệu công ty vì những hạn chế dịch vụ. Làm du lịch là chuyện cả đời chứ không chỉ mấy ngày cao điểm. 

Các công ty làm ăn bài bản đều có kế hoạch chuẩn bị kỹ càng cho mùa cao điểm. Từ phương tiện vận chuyển, lưu trú, hướng dẫn viên cho đến các dịch vụ trọn gói khác.

Làm du lịch, quá tải là chuyện đáng mừng. Nhưng quá tải kèm theo dịch vụ kém như hiện nay du khách sẽ bỏ chạy. Thay đổi được không? Được, nhưng không thể nhanh chóng. Thay đổi cần có tầm nhìn từ quản lý du lịch, từ các công ty du lịch và cả từ du khách cùng thay đổi. Thay đổi vì thuận lợi, thoải mái nhất cho du khách, đó là cách nâng chất lượng du lịch Việt.

Thay đổi từ những chuyện nhỏ như cứu hộ ở biển, điều hành tốt ngay từ khâu bán vé các điểm du lịch, quản lý tốt để giảm thiểu cảnh chen lấn, tranh giành ở các điểm du lịch. 

Du khách cũng phải chủ động. Nếu có thể, tự mình tránh du lịch mùa cao điểm. Muốn đi là đi, thiếu sự tìm hiểu nơi đến vô tình tự chuốc lấy bực mình, dễ bị "chặt chém" và nhiều hệ lụy khác. Mua tour đoàn hay vé lẻ cũng cần có hợp đồng chi tiết về chất lượng dịch vụ.

Liệu cơm gắp mắm

Du lịch quá tải có thể sẽ tiếp diễn ở nhiều nơi. Quan trọng phải có định hướng, dự báo để chủ động chuẩn bị. Cần những cảnh báo khi mới manh nha quá tải ở các điểm du lịch và kèm những giải pháp linh động khi quá tải. Không thể cứ "im lặng là vàng" mặc kệ sự bất tiện và thiệt thòi của du khách.

Các công ty lữ hành, các nhà hàng, nhà xe, điểm đến... cũng phải "liệu cơm gắp mắm". Nỗ lực tối đa theo khả năng chứ không cắm đầu cắm cổ chạy theo số lượng.

Có thể vận dụng chính sách giá linh động và hấp dẫn hơn. Ngoài giá cho mùa thấp điểm, mùa cao điểm thì có giá cuối tuần, giá đầu tuần để giãn bớt lượng khách. Không giảm giá nhưng thêm quà tặng. Các sự kiện nên tổ chức mùa thấp điểm để kéo khách đến thay vì mùa cao điểm.

Bùng nổ du lịch: Thay đổi hay trả giá? Bùng nổ du lịch: Thay đổi hay trả giá?

TTO - Đà Lạt không còn bình yên. Vũng Tàu ken đặc người trên các bãi biển. Du khách xuống biển tắm ở Đà Nẵng chen chúc với dòng xe cộ. Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trở thành 'thấp tốc'.

NGUYỄN VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên