06/09/2020 09:54 GMT+7

Du lịch lên kịch bản kích cầu lần 2, chờ đón khách nước ngoài

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Sau đà của dịp lễ Quốc khánh 2-9, nhiều doanh nghiệp và địa phương "rục rịch" kế hoạch quay lại thị trường du lịch. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chờ kịch bản kích cầu mới thích ứng tình hình chống dịch, phát triển kinh doanh từ cơ quan quản lý.

Du lịch lên kịch bản kích cầu lần 2, chờ đón khách nước ngoài - Ảnh 1.

Du khách tham quan TP.HCM trên xe buýt 2 tầng dịp lễ 2-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết đang gấp rút lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về kịch bản kích cầu lần 2. Tuy nhiên, theo các DN, chương trình kích cầu du lịch lần 2 này phải hoàn toàn khác bởi tâm lý, hành vi người dân với du lịch hiện nay đã không còn hồ hởi. Trong khi mục tiêu của các DN cũng chỉ mong duy trì hoạt động, tạo tiền đề phục hồi cho năm sau.

Hồi phục theo cách chống dịch

Ngày cuối tuần ở một điểm đón khách tại trung tâm Q.1, TP.HCM của một khu nghỉ dưỡng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từng nhóm khách đang chờ xe khởi hành. Chiếc xe buýt 30 chỗ gần như kín chỗ ngồi, chủ yếu các gia đình đông trẻ con. Trong mùa dịch, các resort gần TP.HCM vẫn đón một lượng khách kha khá, thậm chí đạt công suất phòng hơn 80% trong đợt nghỉ 2-9 vừa qua.

Ông Nguyễn Châu Á, giám đốc Oxalis, nói du lịch nội địa đang phục hồi theo cách chống dịch. Những địa điểm gần TP, về với thiên nhiên, đi lại bằng ôtô đang được người dân lựa chọn, các tour đều không tập trung quá 20 người... để phòng chống dịch. 

"DN phải tự thay đổi để thích ứng, tự cân đối các sản phẩm chứ không thể trông chờ vào tour khách đoàn, tour theo số đông như trước đây", ông Á nói, đồng thời nhìn nhận hoàn cảnh mới của ngành du lịch có thể là lợi thế với những DN chuyên tổ chức tour đặc thù, nhóm nhỏ, đề cao trải nghiệm cá nhân.

Du lịch lên kịch bản kích cầu lần 2, chờ đón khách nước ngoài - Ảnh 2.

Du khách tắm biển Vũng Tàu vào dịp cuối tuần trong tháng 7 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo các DN, chương trình kích cầu sau đợt dịch lần 2 sẽ khó tạo được hiệu ứng mạnh, bùng nổ như hồi tháng 7. Do đó, phải chọn cách tiếp cận khác, sống chung với "tình hình mới", xóa bỏ tâm lý e ngại lây lan dịch bệnh của khách du lịch và chuẩn bị cho mùa du lịch cuối năm.

Ông Phạm Hà, nhà sáng lập Luxury Travel, cho rằng kích cầu sau dịch lần 2 sẽ khó tạo được hiệu quả như hồi trước do lượng khách đi du lịch cuối năm ít hơn, học sinh phải đến lớp, chưa kể kinh tế ngấm đòn COVID-19... 

Do vậy, ngành du lịch chỉ có thể khai thác những kỳ nghỉ gia đình vào cuối tuần, các kỳ nghỉ ngắn nhiều lần trong năm. Khách chọn phương tiện đi bằng đường bộ, những tour gần gũi thiên nhiên, về với biển đảo và du thuyền sẽ được yêu thích trong thời gian tới.

"Chúng tôi đã thiết kế những tour theo xu hướng này, dù muốn hay không cũng cần những chương trình kích cầu giá tốt nhưng không phải giảm quá sâu. Thay vào đó, DN phải đầu tư sản phẩm, nâng cấp, tập trung vào chiều sâu trải nghiệm hơn, an toàn cao hơn", ông Hà nói. 

Nhiều DN cũng kỳ vọng việc cho mở lại một số đường bay quốc tế sẽ giúp tình hình du khách quốc tế sáng sủa hơn trong những tháng cuối năm nếu dịch được kiểm soát, bởi đây là thời điểm nhiều du khách quốc tế đi du lịch để tránh mùa đông.

Gấp rút hoàn thiện kích cầu lần 2

Ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết kịch bản du lịch lần 2 đang được cơ quan này gấp rút hoàn thiện, lấy ý kiến đóng góp từ các DN.

Theo đó, kịch bản kích cầu lần 2 sẽ không chỉ gói gọn trong quy mô "Người VN đi du lịch VN" nữa mà mở rộng đối tượng hơn, đó là người nước ngoài đang sinh sống tại VN và cả cơ hội từ hơn 5.000 khách quốc tế mỗi tuần đến VN khi các đường bay quốc tế đang được nối lại.

"Tâm lý du khách không còn như trước, mà thận trọng hơn. Bên cạnh việc mở rộng đối tượng đi du lịch, nhiều sản phẩm, cách làm mới đang được nghiên cứu để đưa vào kịch bản kích cầu lần này", ông Khánh nói.

Không phát triển du lịch đại trà

Ông Hoàng Nhân Chính, trưởng ban thư ký của Hội đồng Tư vấn du lịch, cho biết đến nay vẫn chưa có kịch bản hoàn thiện cho thị trường du lịch phục hồi thời gian tới. Tuy nhiên, chủ trương xuyên suốt trong kịch bản kích cầu mà nơi này thảo luận với Tổng cục Du lịch, đại diện hãng hàng không, hãng lữ hành lớn... là sẽ không làm đại trà mà kích cầu theo từng điểm đến, đề cao tiêu chí an toàn nhưng cần tiêu chí cụ thể để xác định một điểm đến an toàn.

"Chúng tôi sẽ hợp tác với hãng hàng không tạo các luồng khách. Điều quan trọng không kém là thời điểm tung ra chương trình kích cầu. Tâm lý tiêu dùng giờ đã khác, không thể giữ cách làm vội vã mà phải chọn thời điểm phù hợp, lúc người dân cảm thấy thật an toàn tin tưởng. 

Chúng tôi đang bàn phải làm nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, thực sự thấu hiểu khách đang trông chờ gì mới kích cầu tốt được", ông Chính chia sẻ.

Cũng theo ông Chính, bên cạnh các sản phẩm mới, cũng đã có vài sáng kiến hướng thu hút du khách đến hiệu quả và an toàn như đề xuất gói bảo hiểm dành riêng cho du khách mùa dịch. Dịch còn lơ lửng, nếu DN trả lời được câu hỏi ai bảo vệ du khách, thị trường sẽ sớm được hồi phục.

Du lịch lên kịch bản kích cầu lần 2, chờ đón khách nước ngoài - Ảnh 4.

Nhân viên khách sạn Như Minh Plaza, đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng, dọn dẹp phòng ốc đón khách trong ngày mở cửa 5-9 - Ảnh: T.LỰC

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel, cũng cho rằng phải giải quyết được tâm lý của khách hàng và thị trường bằng chiến dịch du lịch an toàn, điểm đến an toàn. Các chính sách du lịch trong lúc này cần được ban hành kịp thời, mục tiêu rõ ràng để định hướng cho DN, định hình luồng khách.

Bài học của kích cầu đợt 1 cho thấy các gói kích cầu gần như bị đóng băng ngay tức thì khi dịch quay trở lại, số lượng khách hủy tour tăng đột ngột. Do đó, DN lữ hành không còn tha thiết với dạng tour số lượng lớn, ngay cả với thị trường khách khuyến thưởng (DN tổ chức tour để hội họp, thưởng cho nhân viên, đại lý, khách hàng...).

Theo ông Phước Đặng - CEO Outbox Consulting, với tình hình mới, nhiều khả năng các tour khuyến thưởng sẽ được các DN tổ chức theo hướng cắt giảm thời gian và lịch trình để bảo đảm an toàn, phù hợp với tình hình tài chính hiện tại. 

"Những chuyến du lịch những tháng cuối năm 2020 nhiều khả năng chỉ sẽ dừng ở quy mô nhỏ, việc lựa chọn điểm đến cũng phân hóa hơn trong thời gian tới", ông Phước Đặng nhận định.

* Ông Nguyễn Minh Mẫn (giám đốc marketing Công ty du lịch TST):

Chính phủ cần hỗ trợ chi phí khuyến mãi

Kích cầu du lịch đợt 2 sẽ rất khó khăn, nhưng đây là việc phải làm ngay và làm nhanh để cứu vãn ngành công nghiệp lữ hành đang ở sườn dốc. Chính phủ cần ra quyết định nhanh chóng để hỗ trợ DN, đặc biệt là miễn các loại thuế trong năm 2020, nhằm giúp DN có nguồn lực giữ được hệ thống nhà điều hành, cung ứng dịch vụ chủ lực.

Có một thực tế là sau đợt phục hồi và kích cầu lần thứ nhất, các DN đã cố gắng triển khai chính sách giá tốt nhất cho thị trường để hút khách vào cao điểm hè 2020, nên sẽ vô cùng khó khăn khi thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn nữa trong đợt kích cầu lần 2.

Du khách không nên kỳ vọng DN tự giảm giá nữa mà cần có hỗ trợ từ chính sách vĩ mô. Chẳng hạn, Chính phủ có thể hỗ trợ 50% chi phí khuyến mãi để kích thích tiêu dùng, thay vì DN tự giảm. Trong thời điểm này, Chính phủ phải đóng vai trò tác động và điều phối cung cầu bằng các chính sách đòn bẩy kinh tế.

Du lịch lên kịch bản kích cầu lần 2, chờ đón khách nước ngoài - Ảnh 6.

Du khách ghé thăm đảo khỉ Cần Giờ, TP.HCM sáng 4-9 - Ảnh: T.T.D.

Nhiều nước chi đậm kích cầu du lịch nội địa

Năm 2020, đại dịch COVID-19 buộc nhiều quốc gia trong khu vực phải đóng cửa biên giới với các nước khác và ban hành các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch khắp Đông Nam Á. Dù vậy, khi các hạn chế chống dịch ở một số nước thành viên ASEAN dần nới lỏng, các khách sạn và điểm du lịch hiện đang chạy đua để khởi động lại ngành du lịch, tập trung vào du khách trong nước, theo The ASEAN Post.

Ngoài việc kêu gọi chung tay để đưa ra các kế hoạch mở cửa du lịch trở lại một cách an toàn, chính phủ nhiều nước trong khu vực đã giới thiệu các biện pháp hỗ trợ đặc biệt cho du lịch. Thái Lan đã ban hành gói kích thích du lịch nội địa trị giá 718 triệu USD để phục hồi du lịch trong nước. Trang The Thaiger cho biết gói kích cầu du lịch nội địa của Thái Lan đưa ra các ưu đãi hấp dẫn như phiếu ăn trị giá 900 baht/người từ thứ hai đến thứ năm và 600 baht từ thứ sáu đến chủ nhật, hoàn trả 2.000 baht (khoảng 63 USD) cho những vé máy bay mua từ tháng 9.

Singapore tuyên bố chương trình voucher trị giá 233 triệu USD để kích cầu tiêu dùng nội địa trong ngành du lịch. Đầu tháng 9, như Hãng thông tấn Bernama đưa tin, Bộ Du lịch, văn hóa và nghệ thuật Malaysia đã tung ra một gói kích cầu du lịch đặc biệt dành cho công chức tại thủ đô. Cơ quan này đã huy động được 11 công ty trong ngành bao gồm công ty du lịch, khách sạn và công ty lữ hành tham gia chiến dịch.

Nhóm các công ty này đã đưa ra các chương trình khuyến mãi tại các khách sạn 4 và 5 sao ở Kuala Lumpur và khu vực xung quanh thủ đô với mức giá thấp khoảng 120 RM/người (gần 29 USD) cho một kỳ nghỉ 3 ngày 2 đêm. Ngoài ra còn có một số ưu đãi khác như miễn phí 5.000 vé tham quan bằng xe buýt quanh thành phố Kuala Lumpur. Công chức có thể đặt mua trước gói này đến ngày 30-9 và gói có hiệu lực đến 13-12-2020. (ANH THƯ)

Dự kiến mở lại 6 đường bay quốc tế, hành khách phải cách ly Dự kiến mở lại 6 đường bay quốc tế, hành khách phải cách ly

TTO - Theo phương án khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam vừa được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất, các chuyến bay giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… được thực hiện theo tần suất giới hạn.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: kích cầu Du lịch