Với điều kiện địa hình lý tưởng như vậy nhưng Cô Tô vẫn còn xa lạ với số đông du khách.
Phóng to |
Thám hiểm mũi Con Chuột - Ảnh: Thái A |
Cho tới nay Cô Tô vẫn chỉ dừng ở một địa danh nổi tiếng với nghề bắt và chế biến sứa. Do không có những đội thuyền lớn để đánh bắt xa bờ, không có những ngư trường phong phú hải sản, cuộc sống của người dân trên đảo vẫn nghèo nàn. Những năm gần đây, Cô Tô hấp dẫn giới trẻ du lịch bụi tự phát bởi những bãi tắm sạch trong veo và nước biển xanh như ngọc bích.
Trong số hơn 50 hòn đảo lớn nhỏ của quần đảo Cô Tô, chỉ ở các đảo Cô Tô Lớn, đảo Trần, đảo Thanh Lân… mới có dân sinh sống, còn lại là những đơn vị bộ đội biên phòng và một số cơ sở nuôi cấy ngọc trai. Do đảo chưa có đội tàu phục vụ du lịch, du khách muốn rong ruổi từ đảo này sang đảo khác phải thuê tàu cá, tự mua thực phẩm, nước uống… cho hành trình.
Muốn ở lại mấy ngày trên vài hòn đảo, khách sẽ khó kiếm phòng ngủ, phương tiện đi lại và đừng mơ sẽ được chén hải sản thỏa thích. Bất chấp những khó khăn đó, với dân “phượt”, Cô Tô là nơi lý tưởng để vẫy vùng trong làn nước mát, cắm trại trên những bãi hoang vu và thử sức qua các trò chơi mạo hiểm.
Đi đầu tổ chức tour mạo hiểm trên đảo Cô Tô là chàng trai Vũ Thanh Minh, dân Quảng Ninh, từng là thành viên của đoàn VN leo đỉnh Everest lần đầu tiên. Với sự hợp tác của những người bạn địa phương, Minh đã đem đến Cô Tô các hoạt động du lịch mạo hiểm như leo vách núi, chèo thuyền kayak, lặn biển...
Ban đầu tour của Minh vướng rất nhiều thủ tục mà khó khăn chính là do vùng đảo thuộc địa giới biên phòng, do quân đội quản lý, nhưng rồi dần dà các hoạt động du lịch nhận được sự hỗ trợ của bộ đội và chính quyền địa phương. Hiện nay hành trình đến với mũi Con Chuột trên đảo Cô Tô Lớn phải băng qua một thao trường huấn luyện của quân đội trước khi tới một đỉnh núi có vách đá tuyệt đẹp, nơi tầm mắt được mở bung ra với trời biển bao la xanh ngắt.
Phóng to |
Mũi Con Chuột cũng là nơi lý tưởng cho hoạt động leo vách núi đầy mạo hiểm với vách đá cao 70m thẳng tuột xuống vụng biển nhấp nhô sóng tràn đá tảng, hoặc tổ chức loại hình thể thao ba môn phối hợp (leo núi - chèo thuyền kayak - đua xe đạp địa hình).
Tương tự là bờ cát và dải đá chồng chất ở hòn Dê, cách Cô Tô Lớn hơn 40 phút đi thuyền máy, một điểm đến tuyệt vời của du lịch dã ngoại với hàng ngàn khối đá thiên hình vạn sắc. Nhưng cũng như đảo Cô Tô Con, trên hòn Dê không kiếm đâu ra nước ngọt, chẳng có cư dân sinh sống nên các nhóm dã ngoại ra đây thường chỉ bơi lội thỏa thích rồi lên tàu về đảo Cô Tô Lớn, nơi bắt đầu xuất hiện vài khách sạn mini và nhà hàng.
Song để Cô Tô Lớn nói riêng và cả quần đảo Cô Tô nói chung đạt được vị thế cần có trong bản đồ du lịch VN cần nhiều thời gian và nỗ lực, tiên quyết là Cô Tô phải có điện lưới quốc gia (như lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh từng khẳng định), đi cùng sự chuyển đổi nhận thức của người dân và cả chính quyền địa phương.
Thay vì dùng chất nổ để đánh bắt hải sản khiến các rạn san hô bị hủy diệt, thậm chí còn dùng chất độc cyanua để bắt cá từ nhiều năm qua, ngư dân sẽ bảo vệ biển đảo tươi đẹp để làm du lịch, bảo vệ những gì mà nhà văn Nguyễn Tuân đã ghi lại bằng những dòng tuyệt bút ở bài ký Đảo Cô Tô.
Phóng to |
Phóng to |
“Cái màu xanh luôn biến đổi của màu nước bể chiều nay trên biển Cô Tô như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa tôi đang nổi gió trong lòng. Biển xanh như gì nhỉ? Xanh như chuối non? Xanh như chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng? Nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết thanh minh? Đúng một phần thôi. Bởi con sóng đang đội lên kia đã gia giảm thêm một chút gì, đã pha biển sang màu khác. Thế thì nước biển xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư Mã nghe đàn trên con sóng Giang Châu có đúng không? Chưa được ư? Thế thì nó xanh như một màu áo cưới, được không? Hay là nói thế này, nước biển chiều nay xanh như một trang sử loài người, lúc con người phải víu vào thân tre? Nghe hơi trừu tượng quá phải không? Mà kìa, nhìn cho kỹ mà xem, nước biển đang xanh như cái màu xanh dầu xăng của những người thiếu quê hương. Cũng không phải, sợ lai căng, nhưng nghe có vẻ vẫn chưa trúng, chưa ổn phải không? Sóng vẫn kế tiếp cái màu xanh muôn vẻ mới, và nắng chiều nay luôn thay màu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào tuôn ra kịp với nhịp sóng...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận