28/05/2020 08:08 GMT+7

Du lịch chỉ phát triển nếu du khách yên tâm, doanh nghiệp phải 'hi sinh'

T.B.D. thực hiện
T.B.D. thực hiện

TTO - Ông Vũ Thế Bình - chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - khẳng định như vậy khi đề cập về chương trình kích cầu du lịch hậu COVID-19.

Du lịch chỉ phát triển nếu du khách yên tâm, doanh nghiệp phải hi sinh - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cần chủ động nâng chất lượng dịch vụ để thu hút du khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Vũ Thế Bình nói:

- Chương trình kích cầu nội địa hiện nay đang hướng đến việc tạo ra những cái gì hấp dẫn nhất, thuận lợi nhất để làm sao người dân có thể sắp xếp và lên đường ngay. Người dân đã có dự định, kế hoạch rồi mà nay sau dịch thì thấy dịch vụ hay quá, rẻ quá, dễ quá nên họ quyết định tận hưởng kỳ nghỉ sớm.

* Hiện nay chương trình kích cầu nhằm đạt mục tiêu lớn nhất là kéo khách để có doanh thu hay là giúp các điểm du lịch "có hơi ấm con người"?

- Doanh thu luôn là vấn đề sống còn của tất cả các lĩnh vực. Nhưng du lịch là một ngành dịch vụ, khác với các ngành khác, ngành này liên quan đến con người. Cho nên vấn đề là phải thu hút được người ta quan tâm, đồng hành cùng mình thì ngành kinh tế này mới sống được.

Bối cảnh hiện nay, sự an toàn của người dân mới là quan trọng, người dân trước khi quyết định có đi du lịch hay không thì họ nghĩ ngay đến việc nơi họ đến đó có an toàn không. Cho nên không dễ để thu hút người dân đi du lịch.

* Vậy kích cầu thì "kích" bằng cách nào?

- Thu hút bằng giá cả thấp, dịch vụ tốt, sự nhiệt tình chăm sóc khách.

Du lịch chỉ phát triển nếu du khách yên tâm, doanh nghiệp phải hi sinh - Ảnh 2.

Ông Vũ Thế Bình - chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

"Phải kích cầu hoặc là ngồi im chờ phá sản"

* Nhưng nhiều doanh nghiệp hiện nay đã "khô máu, kiệt quệ" rồi, thưa ông?

- Chỉ còn cách là các doanh nghiệp chia sẻ cho một hệ thống các chuỗi sản phẩm. Các chuỗi dịch vụ này ngồi lại rồi cùng nhau đồng cam cộng khổ, phải chia sẻ mức giảm với nhau mỗi nơi một chút, cùng khổ với nhau. 

Thứ hai là ngành du lịch muốn thành công thì phải lôi kéo được khách đồng hành. Mà muốn có khách thì chúng ta phải chấp nhận hi sinh thôi. Lúc này là lúc cần tinh thần dấn thân, chấp nhận hi sinh, chứ không ai có thể giúp được chính mình.

Đã khó rồi thì khó hơn một chút nữa, đôi khi phải nhịn ăn để đãi khách. Lúc này chúng ta vừa muốn có khách, lại vừa không muốn thiệt thì không thể được. Giữa hai yếu tố này bắt buộc phải chọn lựa. 

Tại sao không phải mọi doanh nghiệp đều tham gia kích cầu? Đó là vì chỉ có những ai hiểu tầm quan trọng của kích cầu và họ có đủ sức lực, còn chịu đựng, còn giảm hơn chút nữa, chấp nhận hi sinh thì mới tham gia.

* Doanh nghiệp lúc này đang rất cần những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước?

- Chúng ta không thể dựa vào sự giúp đỡ của người khác được. Các chính sách của Nhà nước cũng phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục chặt chẽ mới tới được doanh nghiệp. 

Lúc này không thể ngồi đợi chính sách, mà phải liên kết với nhau. Lúc này là lúc đau khổ, khó khăn vô cùng, nhưng đã đi theo ngành này, đam mê ngành này thì phải chấp nhận khó khăn. Thậm chí có những lúc không có thu nhập, chúng ta phải bỏ tiền ra để hút khách thì đó cũng là lẽ thường tình của ngành này.

"Cơ hội tái cơ cấu ngành du lịch"

* Nhiều doanh nghiệp lâu nay tổ chức các dịch vụ cao ngất ngưởng, nhưng nay thậm chí hạ về mức giá "ước lệ". Mục đích của việc này là gì?

- Du lịch chỉ có thể phát triển được nếu du khách thấy yên tâm khi đến nơi họ chọn. Mà muốn họ đến thì phải có những người đã ở đó, có những người đã hưởng thụ dịch vụ đó. Việc một điểm đến, một khu du lịch có khách quan trọng hơn việc mức giá dịch vụ là bao nhiêu. 

Doanh nghiệp buộc phải giảm, phải chấp nhận hi sinh, thậm chí bỏ tiền ra mời khách đến, tạo "bong bóng" du lịch để mục đích là kích cầu. 

Đây là hoạt động đặc biệt của du lịch. Có những khách sạn đang bán giá 50.000 đồng thay vì 500 USD vì họ cần hơi ấm con người, cần không khí hoạt động hiện hữu nơi đó.

* Dường như lâu nay chúng ta quá chạy theo dòng khách quốc tế vốn "bạo chi" mà ít quan tâm tới thị trường nội địa?

- Du lịch nội địa vẫn phát triển tốt. Lúc này cũng cần thay đổi quan điểm rằng chỉ có khách quốc tế mới chi tiêu cao. Thực tế hiện nay nhu cầu đời sống người Việt đã nâng cao, người Việt cũng chi tiêu lớn và họ đi du lịch rất nhiều. Cho nên các cơ sở du lịch phải thay đổi, chuyển hướng để vừa đón được cả khách quốc tế vừa phục vụ chu đáo cho thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Khủng hoảng do dịch lần này cũng đem lại những tích cực, đó là ngành du lịch buộc phải cơ cấu lại, không nghiêng về bên nào cả. Đợt kích cầu lần này tạo cơ hội lớn cho ngành du lịch, nếu biết khai thác tốt những yếu tố tích cực thì sau dịch ngành du lịch sẽ trỗi dậy mạnh mẽ và vững chãi hơn.

* Chương trình kích cầu hiện nay cần được hiểu như thế nào khi đa số doanh nghiệp đang rất khó khăn?

- Mục tiêu lớn nhất của ngành du lịch hiện nay là làm sao hồi phục nhanh nhất, sớm nhất, đưa du khách quay lại các điểm đến. Khi có người đến tham quan thì hoạt động kinh doanh sẽ "sống lại" và tạo động lực lan tỏa qua các ngành khác. Kích cầu không hoàn toàn là giảm giá, mà bao gồm nhiều chính sách tổng hòa để mục đích cuối cùng là đưa các điểm tham quan "sống" trở lại.

Du lịch Quảng Nam an toàn và mến khách

Đó là chủ đề sự kiện mở đầu của Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam được báo Tuổi Trẻ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cùng các doanh nghiệp Vinpearl, Vietjet, Saigontourist tổ chức tại Vinpearl Nam Hội An (Quảng Nam) vào ngày 28-5.

Với hơn 100 khách mời tham dự gồm đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam cùng các doanh nghiệp ngành du lịch. Các đơn vị sẽ cùng cam kết thực hiện chính sách kích cầu du lịch, biện pháp an toàn cho du khách.

Trước đó, ngày 19-5, báo Tuổi Trẻ chính thức phát động Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam nhằm chung tay kích cầu du lịch nội địa, quảng bá hình ảnh du lịch các điểm đến trong nước với du khách.

Bên cạnh đó, cuộc thi Quê hương tôi cũng ghi nhận hàng trăm bài viết dự thi chia sẻ cảnh đẹp, văn hóa, sản vật... mỗi địa phương. Bài vở dự thi, mời bạn đọc tiếp tục gửi về địa chỉ email: antuongvietnam@tuoitre.com.vn.

Du lịch chỉ phát triển nếu du khách yên tâm, doanh nghiệp phải hi sinh - Ảnh 5.
Du lịch sẽ trỗi dậy mạnh mẽ Du lịch sẽ trỗi dậy mạnh mẽ

TTO - "Tôi mơ ước một ngày nào đó Hội An sẽ có những con phố, những khu kinh doanh chăm chút cho người Việt", Ông Lê Ngọc Thuận - chủ chuỗi kinh doanh lưu trú, giải trí ở Hội An, cho hay.

T.B.D. thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên