04/11/2011 17:28 GMT+7

Du học sinh: làm sao giữ lòng tự trọng dân tộc?

TUẤN NAM (Nghiên cứu sinh Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật)
TUẤN NAM (Nghiên cứu sinh Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật)

TTO - Hiểu thế nào về lòng tự trọng khi học tập, sinh sống nơi xứ người? Tự trọng có phải là chìa khóa để một bạn trẻ Việt khi ra "biển lớn" được người khác tôn trọng?

Liệu có quá khắt khe, cứng nhắc khi lo ngại trước việc một số du học sinh Việt bị "Tây hóa"?

Mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và tham gia chia sẻ quan điểm.

Du học sinh Việt = "sứ giả văn hóa"?Đi học nước ngoài làm sao giữ chất Việt?"Tây hóa" đến mức quên tiếng mẹ đẻ?Chỉ "ba xạo" mới quên tiếng Việt?

a5sZBcnq.jpgPhóng to
Nhìn nhận đúng năng lực bản thân và chuẩn bị kỹ là cách để tự tin đi du học. Trong ảnh: du học sinh Việt Nam tại Úc - Ảnh: Trung Nghĩa

Giữ gìn lòng tự trọng khi ra "biển lớn"

Du học sinh Việt ở các nước châu Á không tránh khỏi một nhược điểm tương tự như du học sinh ở Tây phương, đó là thói quen chêm từ ngoại quốc trong giao tiếp tiếng Việt.

Điều này không thật sự đáng phê phán, miễn sao đúng lúc đúng chỗ (chẳng hạn như trong phạm vi một cuộc trao đổi giữa bạn bè cùng môi trường học, trên đất nước đó) và không lạm dụng trong giao tiếp hằng ngày. Vì đặc trưng của ngôn ngữ ngoài nội dung còn có sắc thái biểu cảm. Du học sinh ở Nhật thường hay sử dụng câu chào, câu cảm thán tiếng Nhật trong những lần gặp gỡ.

Việc sử dụng ngôn ngữ đúng lúc, đúng chỗ đem lại hiệu quả giao tiếp tốt. Một người thông minh sẽ biết điều chỉnh lời nói và hành vi phù hợp với hoàn cảnh và môi trường xung quanh.

Dĩ nhiên, khi bàn đến yếu tố ảnh hưởng của ngoại cảnh tới du học sinh cần xem xét trên góc độ bản chất cá nhân du học sinh. Có hai loại đối tượng du học sinh, một là du học sinh bậc phổ thông và đại học, hai là du học sinh bậc sau đại học. Đối tượng thứ hai thì đa số trải qua quá trình trưởng thành ở trong nước nên không bị môi trường mới tác động thay đổi rõ rệt. Đáng lo ngại nhất là đối tượng thứ nhất, vì các bạn tiếp xúc với văn hóa ngoại quốc trong giai đoạn hình thành nền tảng tư duy về lối sống. Các bạn dễ để mất đi chất Việt Nam nếu như tự bản thân mình không chú ý quan tâm.

Để làm được điều này trong thời buổi hiện nay thì không mấy khó khăn. Các bạn chỉ cần dành ít thời gian đọc các trang thông tin điện tử chính thống của các tờ báo uy tín để kịp thời cập nhật tình hình trong nước. Làm được điều này, các bạn còn làm thêm được một việc khác nữa là tiếp xúc và gìn giữ vốn tiếng Việt của mình. Các bạn cần chú ý thực hành tư duy lựa chọn trong quá trình sử dụng ngôn ngữ nói, cố gắng Việt hóa tối đa các khái niệm, từ ngữ tiếng nước ngoài sẽ tránh được hiện tượng nói năng "nửa nạc nửa mỡ". Giữ gìn được ngôn ngữ của mình là nền tảng để giữ gìn những chuẩn mực văn hóa khác.

Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, du học sinh nói riêng cũng như bất kỳ thành phần giới trẻ Việt Nam nào khác nói chung cần xác lập và định vị cho mình một tư thế sẵn sàng cùng bản lĩnh vững vàng.

Tư thế sẵn sàng tức là cá nhân có thể thích ứng và phát huy tốt năng lực trong mọi hoàn cảnh. Biết sử dụng đúng chỗ vốn kiến thức văn hóa tiếp thu từ các nước, vốn ngoại ngữ tích lũy trong quá trình học tập để có thể tự tin và không bị bỡ ngỡ khi đặt vào bất kỳ môi trường giao lưu quốc tế nào. Như trên ta đã trang bị được cho mình điều kiện cần.

Còn một điều kiện đủ chính là bản lĩnh vững vàng. Bản lĩnh trong việc tiếp thu có lựa chọn về văn hóa, lối sống; bản lĩnh trong việc hiểu biết, tự hào về lịch sử văn hóa dân tộc, về tiếng nói, chữ viết của quốc gia mình; bản lĩnh trong việc nhìn nhận, đánh giá các sự kiện chính trị xã hội trong nước và quốc tế nói chung... để từ đó cá nhân mình luôn có được lập trường vững chắc và cái nhìn khách quan khoa học.

Có được hai điều này, cá nhân sẽ luôn là mình mà không là ai khác và sẽ giữ được bản sắc riêng của mình, của một người Việt Nam.

Tự trọng là cách để người khác, quốc gia khác tôn trọng bản thân mình, đất nước mình.

Cây tốt chẳng sợ nghiêng

Tôi quen một bạn trai trên mạng, là du học sinh Việt Nam ở Pháp. Do tôi cũng có ý định du học nên tôi thường chia sẻ với anh. Gia đình anh ở TP.HCM. Mỗi năm anh về nước một lần độ ba tuần, còn lại ở Pháp đi học hoặc đi làm.

Khi tôi vào đại học thì anh đã tốt nghiệp đại học và tiếp tục học cao học. Thật ra quen anh gần ba năm nhưng chưa một lần gặp mặt, chỉ chát và điện thoại thôi và mối quan hệ giữa chúng tôi là tình bạn bình thường. Biết tôi ở tỉnh nên anh chủ động bảo tôi đến ở trọ nhà ba mẹ anh.

Tôi ngại nhưng do anh quá nhiệt tình nên tôi cũng tìm đến. Tôi bất ngờ khi biết anh nói rất nhiều với mẹ anh giúp đỡ tôi trong thời gian sinh sống, học tập ở TP.HCM. Và không chỉ tôi mà tại nhà ba mẹ anh đã có hai sinh viên người miền Trung ở trọ đã hai năm. Được biết khi ở chúng tôi chỉ phụ tiền điện nước chứ không phải đóng tiền nhà trọ, đó là... lệnh của anh. Mẹ anh cho biết chính anh thường xuyên nhắc nhở ba mẹ giúp đỡ cho các bạn sinh viên nghèo khó. Mấy ngày thi đại học thì nhà anh luôn rất đông thí sinh từ các tỉnh tá túc, tất cả đều từ "đầu mối" là anh.

Tôi thấy một thanh niên du học hơn năm năm ở Pháp mà vẫn "thuần Việt" như thường. Từ ngôn ngữ chat cho tới điện thoại hoàn toàn không khác một chàng trai Việt, thậm chí là chàng trai Việt "nhà quê" nữa.

Theo tôi, cái chính là anh được thừa hưởng sự giáo dục tốt từ gia đình. Hằng ngày anh và ba mẹ, em trai đều trao đổi điện thoại với nhau. Anh thì kể chuyện sinh sống, học tập..., còn ba mẹ anh thì kể chuyện gia đình, người thân, dòng họ, cả chuyện... chúng tôi.

Có lẽ sự gần gũi, khắng khít đó đã chăm bón, tạo dựng anh thành một thân cây tốt. Mà cây tốt thì vững vàng đâu bao giờ sợ nghiêng.

Thật xấu hổ vì đánh mất bản thân khi du học

Thế giới nay đã hòa nhập, Việt Nam đã hòa nhập vào chung. Nhưng có một câu: "Hòa nhập, không phải hòa tan". Học hỏi cái hay chứ không rập khuôn máy móc. Nhất là với những người có kiến thức (du học sinh, doanh nhân) thì phải càng phải hiểu điều này. Mình phải luôn có một cái tôi trong mình, phải biết tự trọng.

Tôi thật sự thấy xấu hổ thay cho các bạn đi du học về mà làm mất đi chính bản thân mình Gia đình bạn có vui không khi nghe người ta nói: "Con ông đi du học về tôi thấy không còn như xưa, mất chất rồi". Có cần thay đổi hết giống như "Tây" không? Rõ ràng là không nên bạn ạ!

Ý kiến của bạn như thế nào về hiện tượng một bộ phận thanh niên bị "Tây hóa" dễ dàng sau khi tiếp cận với những nền văn hóa nước ngoài? Bạn có thể chia sẻ ý kiến trong phần Ý kiến bạn đọc.

TUẤN NAM (Nghiên cứu sinh Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên