03/11/2011 14:00 GMT+7

Du học sinh Việt = "sứ giả văn hóa"?

VÕ XUÂN HOÀI - tổng thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp 
VÕ XUÂN HOÀI - tổng thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp 

TTO - Không dừng lại ở những biểu hiện Tây hóa, các ý kiến tham gia diễn đàn Đi học nước ngoài làm sao giữ chất Việt? đã bắt đầu hướng đến trách nhiệm "sứ giả văn hóa" của du học sinh.

Làm sao du học thành công mà không bị mất đi bản sắc văn hóa Việt Nam? Liệu có quá lời khi dùng cụm từ "sứ giả văn hóa" cho mỗi bạn trẻ Việt có dịp ra biển lớn? Và nếu đúng là phù hợp thì liệu các du học sinh đã ý thức điều này không chỉ bằng trí tuệ mà còn cả trái tim?

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết tâm huyết của anh Võ Xuân Hoài - thạc sĩ kinh tế - tài chính, Đại học Paris 1 Pantheon Sorbonne, Pháp, tổng thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp.

Mời bạn đọc theo dõi và cùng chia sẻ quan điểm.

Đi học nước ngoài làm sao giữ chất Việt?"Tây hóa" đến mức quên tiếng mẹ đẻ?Chỉ "ba xạo" mới quên tiếng Việt?

hkcMF5WZ.jpgPhóng to

Các bạn trẻ Việt Nam tại Pháp giới thiệu các sản phẩm truyền thống của Việt Nam tại Hội Báo nhân đạo vào tháng 9-2011 tại công viên La Courneuve, ngoại ô thủ đô Paris - Ảnh: UEVF

Du học sinh - một vai hai gánh

Để học tập thành công, du học sinh phải hòa nhập thành công nền văn hóa của nước sở tại. Việc hòa nhập văn hóa này có hai yếu tố chính: hòa nhập ngôn ngữ và hòa nhập đời sống văn hóa.

Với du học sinh, trở ngại lớn nhất có lẽ là ngôn ngữ. Có đủ năng lực ngôn ngữ cho những sinh hoạt thường ngày đã khó, cho việc học tập còn khó hơn nhiều. Bởi thế hội nhập ngôn ngữ là nhiệm vụ đầu tiên và cấp bách nhất.

Nhiệm vụ kế tiếp là hội nhập đời sống văn hóa bản địa từ nếp sinh hoạt, cách cư xử, tình làng nghĩa xóm, cách ăn mặc… Làm sao trở thành một thành viên thật sự của xã hội mình đang sống?

Du học sinh Việt Nam tại Pháp bởi lo thực hành tiếng Pháp, dần dần có thói quen nói chuyện tiếng Việt pha tiếng Tây. Thậm chí có người khi điện thoại về nước nói chuyện với bố mẹ mà cũng nói tiếng Việt pha Tây, trong khi bố mẹ chẳng hề biết tiếng Tây.

Trên các phương tiện giao thông công cộng ở Pháp, đôi khi có cặp tình nhân là du học sinh người Việt Nam 100% đứng ôm hôn môi say đắm. Đối với văn hóa Pháp đó là chuyện bình thường, nhưng đối với người Việt có lẽ cảnh đó không khỏi khiến người khó chịu.

Ngoại trừ những buổi lễ do người Việt tổ chức, còn trong đời thường hay khi đến trường, chưa từng thấy nữ sinh Việt Nam mặc áo dài. Còn với các nam sinh, chưa bao giờ thấy họ mặc áo dài khăn đóng dù trong các buổi lễ lớn.

Trong khi cố gắng hội nhập ngôn ngữ và đời sống văn hóa của nước bản địa, du học sinh có nhiều nguy cơ vô tình dần đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Ở thời đại “va chạm của các nền văn minh”, việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc bổng nhiên trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi quốc gia - dân tộc. Bởi nếu không cố gắng giữ cái riêng của mình thì tất yếu sẽ bị hòa tan trong dòng chảy đa văn hóa.

Trong bối cảnh đó, du học sinh cần xác định rõ mình phải góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc, mà việc cụ thể đầu tiên là giữ được chất Việt Nam trên đất khách. Làm sao để người ngoại quốc thấy được cái riêng của mình, nhận ra sự khác biệt trong văn hóa của mình với người nước khác, thậm chí với những người có nền văn hóa gần gũi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Như vậy, du học sinh phải gánh trên vai hai nhiệm vụ có vẻ đối lập nhau: hội nhập thành công trong khi phải giữ gìn cho được bản sắc văn hóa Việt Nam.

Hiện có gần 7.000 du học sinh Việt Nam ở Pháp. Các bạn phải đặt hết tâm lực để hội nhập văn hóa Pháp, và trong thực tế nguy cơ biến “hòa nhập” thành “hòa tan” không phải là không hiện hữu.

Đã có những trường hợp cho thấy sự bào mòn của bản sắc dân tộc trên đất khách ở một số du học sinh, có những du học sinh mang nặng cảm giác tự ti dân tộc. Họ tự thấy dân tộc mình bé nhỏ, lạc hậu, thấy cái gì của Tây cũng văn minh.

Làm sao giữ bản sắc văn hóa dân tộc?

1. Trước hết, du học sinh cần xác định dứt khoát: giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ của mỗi người Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa để làm sao Việt Nam hội nhập thành công với thế giới mà không bị hòa tan.

Trên đất khách, trước nhu cầu hội nhập văn hóa bản địa để phục vụ việc học, dĩ nhiên việc giữ gìn bản sắc hết sức khó khăn. Thế nhưng, khó khăn không có nghĩa là không làm được, hơn nữa đây là việc bắt buộc phải làm.

Du học là để học cái hay, cái mới về phục vụ đất nước chứ không phải học để đánh mất bản sắc dân tộc, bởi nếu đánh mất bản sắc dân tộc chính là đánh mất chính mình.

2. Không nên có phức cảm tự ti dân tộc, hãy tìm cách giúp những du học sinh nào có mặc cảm này thoát khỏi nó. Chúng ta nên nhớ rằng mọi dân tộc là bình đẳng. Xem tất cả các dân tộc là bình đẳng là thể hiện tư duy hiện đại, nhân văn.

Dân tộc Việt Nam có mấy ngàn năm văn hiến. Lịch sử Việt Nam hào hùng không thua bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Tinh thần bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của người Việt Nam luôn ghi đậm dấu ấn trong lịch sử thế giới. Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới, kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố. Việt Nam đang phát triển rất năng động trong mọi lĩnh vực.

Du học sinh không nên tự ti còn bởi hiện nay việc du học sinh các nước qua lại học hỏi nhau là chuyện bình thường. Học sinh một nước đến nước khác du học không hẳn chỉ để học cái hay hơn, hiện đại hơn mà còn để tìm hiểu văn hóa lẫn nhau, trao đổi học thuật hay nghiên cứu những chuyên ngành liên quan trực tiếp đến nước đó.

3. Du học sinh nên dành thời gian tham gia các hoạt động hướng về dân tộc như hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam trong các lễ lớn, hoạt động của Hội Người Việt ở nước sở tại, hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam ở nước sở tại, theo dõi tin tức trong nước thường xuyên qua báo đài trong nước…

Làm sứ giả văn hóa

Không chỉ có nhiệm vụ giữ gìn bản sắc dân tộc, du học sinh còn có trách nhiệm quảng bá văn hóa Việt Nam ra trường quốc tế. Du học sinh có điều kiện tiếp xúc không chỉ người của nước đó mà có cả du học sinh từ nhiều nước khác. Đó là điều kiện vàng để quảng bá văn hóa Việt Nam. Nhiệm vụ này là rất to lớn, thiêng liêng.

Để làm được điều đó du học sinh phải am hiểu văn hóa dân tộc mình. Văn hóa dân tộc ở đây rút gọn lại là lịch sử, phong tục tập quán. Có những du học sinh không hiểu rõ lịch sử, không rành đời sống văn hóa Việt Nam, đến khi bạn bè quốc tế hỏi về Việt Nam thì không trả lời được.

Du học sinh cũng cần hiểu rằng trước bạn bè quốc tế, khi mình tỏ ra am hiểu lịch sử và văn hóa nước mình thì không chỉ mình làm tròn nhiệm vụ quảng bá văn hóa cho đất nước, mà còn để khẳng định mình khiến người đối diện nể trọng.

Toàn cầu hóa ví như bão táp, luôn chực chờ cuốn đi mọi bản sắc. Du học sinh không chỉ bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa của nước sở tại mà còn của các nước khác thông qua các du học sinh khác. Bởi thế, họ cần ý thức rằng mình giống như những cây nhỏ bé giữa bầu trời dông bão mà bản sắc văn hóa dân tộc chính là cội rễ. Nếu rễ càng sâu thì cây càng vững, nếu rễ cạn và ít, dĩ nhiên sẽ bị cuốn đi bởi bão táp của các nền văn hóa khác, và khi ấy họ sẽ tự đánh mất chính mình. Đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, tức đánh mất cái giúp họ phân biệt được mình với “phần còn lại của thế giới”.

an0Ys4tC.jpgPhóng to

Các bạn trẻ Việt Nam quảng bá văn hóa dân tộc tại Pháp - Ảnh: UEVF

Tôi đang sống năm thứ sáu ở Nhật Bản. Bạn bè ở đây gặp nhau cũng chỉ toàn nói tiếng Việt. Tuy nhiên, tình trạng nói nửa nạc nửa mỡ xuất hiện nhiều ở những bạn vừa qua được vài tháng cho tới 1-2 năm (điều này thể hiện ngay tại bản xứ và càng rõ nét hơn khi những bạn đó về thăm nhà). Tôi rút ra được một điều: những bạn đi du học về nói nửa tiếng Việt - nửa tiếng nước ngoài hay chêm tiếng nước ngoài vào trong câu nói là những bạn rất dở về ngoại ngữ đó!

Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ nên không thể nào quên được. Có những người xa quê hương từ năm 10 tuổi, nhưng họ vẫn nói chuyện bằng tiếng Việt thì không lý do gì những người 18 tuổi mới bắt đầu xa quê được vài năm lại quên tiếng Việt!

Đừng lấy "văn hóa ảo" hù thiên hạ

Tôi rời Việt Nam từ năm 13 tuổi, sống ở Mỹ hơn 30 năm nay nhưng tiếng Việt của tôi rất lưu loát trong cả văn nói, văn viết. Tôi thấy nhiều người Việt đã ngộ nhận về yếu tố du học. Dù rằng có một số học sinh đã ra nước ngoài được mấy năm nhưng thời gian ngắn ngủi đó không thể thay đổi gì nhiều. Với cái cơ hội "cưỡi ngựa xem hoa" đó mà về Việt Nam "ba xạo" đủ điều quả là lố lịch.

Thú thật những tinh hoa, vẻ đẹp của nền văn hóa phương Tây các bạn ấy đã chưa từng có cơ hội tiếp cận. Họ chỉ giỏi ngụy trang và thêu dệt một thứ "văn hóa ảo" để hù dọa thiên hạ.

Tôi rất tự hào là người Việt Nam và vốn tiếng Việt. Tuy tôi có rất nhiều yếu tố tây (bên ngoài) nhưng cái nguồn gốc Việt Nam trong tôi sẽ mãi mãi tồn tại đến hết cuộc đời. Các bạn trẻ cần học tập nhiều hơn những đức tính, văn hóa tốt của dân tộc ta. Phải vun bồi và tự hào về nó.

Ý kiến của bạn như thế nào về hiện tượng một bộ phận thanh niên bị "Tây hóa" dễ dàng sau khi tiếp cận với những nền văn hóa nước ngoài? Bạn có thể chia sẻ ý kiến theo công cụ dưới bài.

Đi học nước ngoài làm sao giữ chất Việt?"Tây hóa" đến mức quên tiếng mẹ đẻ?Chỉ "ba xạo" mới quên tiếng Việt?

VÕ XUÂN HOÀI - tổng thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên