Một đoạn trong đoạn kè của Kinh thành Huế dài 1km đã bị tu bổ sai từ năm đầu năm 2019 - Ảnh: MINH TỰ
Đó là kè đá của hào nước dưới chân Kinh thành Huế (gọi là "hộ thành hào"), đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài, dài khoảng 1 km, thuộc dự án "Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế" đã bị thi công sai.
Khắc phục phần đã làm sai: nan giải
Đơn vị thi công đã phá bỏ toàn bộ kè đá nguyên gốc, được xây dựng từ gần 200 năm trước dưới thời Minh Mạng, và xây một bờ kè bằng các vật liệu mới có xen lẫn một số viên đá của bờ kè cũ.
Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị chủ dự án - xác nhận có sai sót và yêu cầu đơn vị thi công - Phân viện khoa học - công nghệ xây dựng Miền Trung, thuộc Bộ Xây dựng - khắc phục. Từ đó đến nay đã hơn một năm, nhưng việc khắc phục vẫn diễn ra rất chậm.
Đoạn kè đang chuẩn bị tu bổ thí điểm
Ông Phan Văn Tuấn, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế kiêm giám đốc ban quản lý dự án, cho biết đơn vị thi công đã tháo dỡ một đoạn kè đã xây mới (ở gần cửa Quảng Đức) để thực hiện xếp đá theo kỹ thuật truyền thống, có vữa kết dính ở bên trong, nhưng ngoài bề mặt thì không có vữa kết dính.
Đơn vị thi công đã nạo vét lòng hào và thu gom toàn bộ đá cũ với số lượng rất lớn, sau đó dùng đá đó để thay thế toàn bộ đá mới trên bề mặt kè đã thi công.
Tuy nhiên, chỉ mới làm thử một vài chỗ và không thể tiếp tục được, vì kè đá mới xây đã kết dính chặt, rất khó để gỡ đá mới ra thay lại đá cũ.
Ông Tuấn cho hay việc này quả là nan giải, có thể sẽ không thay thế nữa, vì sau một năm, đá mới cũng đã ngã màu như đá cũ. Tuy nhiên, ông Võ Lê Nhật - giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - không chấp nhận.
Ông Nhật nói phải đợi sau khi làm thí điểm một đoạn kè theo đúng quy định về bảo tồn, tu bổ di tích, sẽ tìm được giải pháp để trở lại khắc phục đoạn kè đã làm sai.
Một đoạn kè xây mới đã tháo ra để xếp lại đá theo kỹ thuật truyền thống (xếp khan, không vữa kết dính)
Tu bổ theo đúng quy định: hóc búa
Đoạn kè sẽ tu bổ thí điểm theo đúng yêu cầu kỹ thuật về bảo tồn di tích là đoạn từ cửa Thể Nhơn (thường gọi cửa Ngăn) đến Nam Xương Đài, ngay trước Kinh thành Huế. Theo hồ sơ thiết kế, đoạn kè này được chia làm 5 đoạn nhỏ theo hiện trạng của di tích.
Đối với đoạn kè còn khá nguyên vẹn, sẽ tu bổ, dặm vá bề mặt và giữ nguyên kè đá nguyên gốc.
Đối với những đoạn đã sạt lở, bề mặt và đỉnh kè đá không còn, thì sẽ hạ giải toàn bộ kè đá, gia cường phần móng kè bằng bê tông để bảo đảm bền vững, sau đó sẽ xếp lại đá cũ bằng kỹ thuật xếp khan, nhưng bên trong có vữa kết dính, bên ngoài không có vữa như diện mạo nguyên gốc.
Ông Phan Văn Tuấn cho biết giải pháp này rất hóc búa vì chưa chọn được phương pháp nào để xếp đá khan mà vẫn giữ được sự bền vững, ổn định của kè đá.
Ông Tuấn cho hay đã đã tham vấn nhiều chuyên gia không chỉ trong ngành trùng tu di tích mà cả ngành xây dựng, thủy lợi... nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp kỹ thuật tối ưu.
Ông Võ Lê Nhật cho biết sau khi làm thí điểm xong đoạn kè này, sẽ tổ chức hội thảo với sự tham gia của chuyên gia nhiều lĩnh vực, để xây dựng phương án tu bổ cho toàn bộ hệ thống kè còn lại của hộ thành hào - Kinh thành Huế, với chiều dài gần 10km.
Ngày 11-4-2019, báo Tuổi Trẻ phản ánh việc bờ kè hộ thành hào Kinh thành Huế đã bị phá bỏ để xây dựng mới.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho dừng thi công, rà soát toàn bộ dự án và xác nhận có sai phạm.
Ngày 22-4-2019, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch báo cáo vụ việc.
Ngày 15-7-2019, phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo đánh giá lại chất lượng và tình trạng kỹ thuật của toàn tuyến kè; đồng thời tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia để điều chỉnh biện pháp thi công; cần có phương án tái sử dụng vật liệu gốc hợp lý, đảm bảo đúng quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Đá cũ vừa thu gom nhưng không thể thay thế đá mới ở bề mặt đoạn kè đã xây xong từ hơn một năm trước.
Đoạn kè đang chuẩn bị tu bổ thí điểm theo đúng quy định về bảo tồn, tu bổ di tích. Ảnh: M. TỰ
Một đoạn kè còn khá nguyên vẹn trong đoạn kè tu bổ thí điểm. Ảnh: M. TỰ
Đơn vị thi công đang đắp đê quai để chuẩn bị thi công đoạn kè thí điểm - Ảnh: M. TỰ
Sau khi đắp xong đê quai, sẽ bơm cạn nước để thi công phần nền móng kè - Ảnh: M. TỰ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận