Tình trạng thi công dang dở khiến nguy cơ sạt lở hai bên bờ kênh Thanh Đa càng tăng thêm - Ảnh: THU DUNG
Dù vậy, dự án chống sạt lở khu vực này trị giá hàng trăm tỉ đồng triển khai hơn 10 năm nay, được người dân đặt nhiều kỳ vọng nhưng hàng loạt gói thầu đang đình trệ.
Thi công manh mún, đình trệ
Chị Phan Thị Thỉ, người dân ở đây, cho biết dân sống tại đây đang mong ngóng ngày hoàn thành dự án. Thực tế dự án chống sạt lở đã chậm trễ hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu. "TP cần đẩy nhanh tiến độ dự án để có thể đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, người dân yên tâm ổn định cuộc sống, chứ hiện nay thấp thỏm quá khi mùa mưa đang tới gần" - chị Thỉ nói.
Theo ghi nhận, dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa toàn bộ công nhân đã ngừng thi công nhiều ngày nay do không có mặt bằng. Trong lán trại, hàng chục kỹ sư, công nhân bám trụ chờ việc. Còn dọc hai bờ kênh, rất nhiều máy móc, thiết bị thi công, vật liệu xây dựng... nằm ngổn ngang, gỉ sét vì nhiều ngày không hoạt động.
Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa được UBND TP.HCM giao Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất xây dựng từ tháng 8-2003, là một trong những dự án trọng điểm nhằm chống sạt lở trên tuyến sông Sài Gòn.
Đến năm 2006, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, chia thành 4 đoạn chính. Thế nhưng đến nay chỉ có dự án chống sạt lở đoạn 1 kênh Thanh Đa đã hoàn thành. Riêng đoạn 2, 3, 4 với nhiều gói thầu lớn vẫn thi công dang dở, gia tăng nguy cơ sạt lở.
Có mặt bằng, hoàn thành trong 8 tháng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Công Bằng - giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM (chủ đầu tư) - cho biết công tác bồi thường quá chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Cụ thể, ở đoạn 2 (sông Sài Gòn - khu vực khách sạn Sài Gòn Domine) công trình có chiều dài tuyến kè 2.797m, khởi công vào tháng 8-2014, sau 1 năm thi công đã hoàn thành 95% phần thảm đá dưới nước rồi ngưng do vướng mặt bằng.
Gói thầu xây lắp thân kè và đỉnh kè khởi công tháng 6-2018 mới đạt 26%, cũng ngưng do vướng mặt bằng. Hiện đoạn này chỉ mới bàn giao 900m/2.797m mặt bằng. Đoạn 3 (Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa), đoạn 4 (sông Sài Gòn - khu vực biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn) cũng ngưng trệ và chưa thể hoàn thành đúng tiến độ.
Để giải quyết tình trạng trên, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng UBND Q.Bình Thạnh đang khẩn trương lập các thủ tục chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc gửi tiền vào kho bạc theo quy định. Theo dự kiến, thời gian tới tiếp tục bàn giao mặt bằng và quý 4-2019 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng. Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM sẽ đốc thúc thi công, hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng của dự án trong thời gian 8 tháng.
"Các đơn vị thống nhất có mặt bằng đoạn nào sẽ thi công ngay lập tức, không để kéo dài thêm, dù 15m, 20m thì cũng phải làm" - ông Bằng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận