Theo chủ đầu tư, dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đã hoàn thành 88% khối lượng. 12% còn lại chưa hẹn ngày về đích vì vướng giải phóng mặt bằng, vốn... và tiếp tục xin gia hạn.
Sau 5 năm, đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc tiếp tục gia hạn
Thậm chí, đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc chỉ hoạt động được khi dự án khác hoàn thành. Số phận của dự án ngàn tỉ đang phụ thuộc lớn nhất vào dự án hệ thống xử lý nước mưa, nước thải tập trung cho TP Quảng Ngãi.
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo quý 1 vừa qua, ông Trần Hoàng Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh (người được giao điều hành toàn diện UBND tỉnh cho đến khi kiện toàn chức danh chủ tịch UBND tỉnh), cũng thừa nhận điều này.
Ông Tuấn nói Quảng Ngãi hiện đang rất khó khăn, vẫn ưu tiên dự án hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải tập trung TP Quảng Ngãi. Nhưng dự án này đang gặp khó khăn, chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư và xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đang đẩy nhanh tiến độ tư vấn thiết kế.
"Trong đó quan trọng nhất là phương án thoát nước, xử lý nước thải thế nào khi đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đi vào hoạt động. Hiện chủ đầu tư phải làm lại từ đầu, yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu, trả lời những vấn đề này", ông Võ Thành Trung, giám đốc ban quản lý, nói.
Khó khăn trong chính dự án và phụ thuộc vào dự án khác, chủ đầu tư đập dâng là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi thấy rõ, không thể hoàn thành dự án trong năm 2024.
Vì vậy, đã xin UBND tỉnh điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án sang năm 2025 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Như vậy, dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc khởi công năm 2019, hoàn thành năm 2021 đã hai lần xin gia hạn thời gian thực hiện. Kéo dự án chậm lại 4 năm so với kế hoạch ban đầu.
Dự án từ 60 tỉ đồng lên 1.500 tỉ đồng như thế nào?
Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc là dự án cần thiết để tạo cảnh quan, phát triển đô thị đôi bờ và hơn hết dự án về lâu dài sẽ chống hạn, ngăn chặn nhiễm mặn... trên sông Trà Khúc đang diễn biến ngày một nghiêm trọng.
Đập dâng giữ nước cho sông Trà Khúc lần đầu được nhắc đến vào ngày 24-9-2004 với quyết định 2378 của UBND tỉnh Quảng Ngãi thực hiện dự án này.
Thời điểm trên, quy mô dự án rất đơn giản với đập cao su 3 khoang (mỗi khoang dài 100m), phần tràn nước có chiều dài 760m với kết cấu dạng hộp, trong lõi cát, ngoài bọc bê tông cốt thép; cao trình dâng nước (theo hệ cao độ quốc gia) +3,144m.
Với sự "thô sơ" này, dự án có tổng vốn chỉ 60,6 tỉ đồng.
Đến năm 2009, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.
Quy mô dự án cũng thay đổi, thiết kế công trình theo dạng cống hở đóng mở bằng cửa van Clape với chiều dài 324m (chia làm 12 khoang); đập tràn thực dụng mặt cắt ngang hình thang, chiều dài 860,3m với kết cấu lõi bê tông M150 độn đá hộc, bên ngoài bọc bê tông cốt thép M200; cao trình dâng nước (theo hệ cao độ quốc gia): +3,15m.
Dù vậy, dự án chưa một lần thi công thực địa vì ưu tiên của Chính phủ là chống lạm phát do kinh tế duy thoái.
Số phận dự án thay đổi chóng mặt về quy mô và tổng vốn đẩy từ 60 tỉ đồng lên 1.500 tỉ đồng tại nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX (năm 2015) với chủ trương "chỉnh trị sông Trà Khúc gắn với phát triển đô thị hai bên bờ sông".
Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc không chỉ thực hiện mục tiêu giữ nước mà còn "chịu trách nhiệm" cải thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, xử lý hạn mặn; khai thác được quỹ đất đảo Ngọc (cù lao rộng hơn 300ha nằm giữa sông Trà Khúc, được đánh giá là quỹ đất đẹp nhất tỉnh) thành đô thị hiện đại, điểm nhấn của TP Quảng Ngãi; hình thành mạng lưới giao thông, phát triển du lịch...
Để hiện thực hóa, Quảng Ngãi rà soát các điều kiện triển khai. Tháng 7-2019 dự án được khởi công.
Quy mô đập dâng gồm 19 khoang có cửa van phẳng vận hành lên xuống bằng hệ thông xi lanh thủy lực, được điều khiển bằng thiết bị hiện đại, có chức năng xả đáy.
Mặt tràn piano với 4 khoang tràn và đường cá đi để thủy sản di chuyển từ thượng lưu xuống hạ lưu đập và ngược lại.
Quy mô cầu giao thông có chiều dài gần 1,4km, mặt cầu rộng 12m.
Tại các trụ, phần lề bộ hành được mở rộng mỗi bên 1,25m phục vụ ngắm cảnh nên bề rộng mặt cầu tại vị trí này là 14,5m...
Với những mục tiêu đề ra cho dự án, tổng mức đầu tư được đẩy lên 1.498 tỉ đồng.
Từ khi khởi công đập dâng, tỉnh Quảng Ngãi tính toán quy hoạch đảo Ngọc để thu hút nhà đầu tư. Hàng ngàn tỉ đồng thu lại từ phát triển quỹ đất tại đảo Ngọc cũng được tính đến.
Nhưng những "mộng mơ" ấy đang dang dở, số phận đập dâng cũng "treo" qua năm 2025 và có thể kéo dài hơn nữa nếu các dự án khác không "về đích".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận