Quốc hội giám sát việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật
Phóng to |
Đây là một trong những điều khoản mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiếp thu, bổ sung vào dự án Luật đấu thầu trình QH hôm qua 22-11.
Cha mẹ, vợ hoặc chồng, con, dâu, rể… bị cấm dự thầu?
Làm thế nào để ngăn chặn việc chủ đầu tư đưa các “công ty gia đình” vào tham gia hoạt động đấu thầu? Vấn đề khá “nóng” này đã được tiếp thu, đưa vào dự án luật - ông Nguyễn Đức Kiên, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách, giải trình trước QH.
Theo đó, ngoài những đối tượng “cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh chị em ruột”, Ủy ban TVQH nhất trí bổ sung thêm đối tượng “con nuôi, con dâu, con rể” cũng thuộc diện cấm tham gia các gói thầu mà “nhân vật chính” làm bên mời thầu hoặc là thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, tổ chuyên gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu...
Mặc dù đã có nhiều tiếp thu xung quanh dự án luật này, nhưng vẫn còn không ít đại biểu (ĐB) tỏ ra băn khoăn về một số điều khoản trong dự luật. Theo ĐB Trần Việt Hùng (Hải Phòng), dự án luật qui định áp dụng chỉ định thầu trong các “dự án cấp bách” là rất dễ bị lợi dụng, làm thất thoát tiền của Nhà nước.
“Với những công trình chống lũ, mùa nắng không xây dựng và chờ đến trước mùa mưa lũ mới lập kế hoạch triển khai thì đương nhiên công trình này trở thành cấp bách và được thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu. Đây chính là chỗ để kẻ xấu... “lách” luật” - ông Hùng dẫn chứng.
Về tiêu chí “giá thấp nhất” sẽ được xét trúng thầu, ĐB Đinh La Thăng (Thừa Thiên - Huế) cho rằng điều này là không phù hợp trong việc lựa chọn nhà thầu trong xây dựng cơ bản. Đặc biệt, qui định như vậy sẽ không khắc phục được tình trạng nhà thầu sẽ bỏ giá thấp “thê thảm” nhằm trúng thầu, nhưng sau đó sẽ ăn bớt, làm ẩu và gây ra nhiều tiêu cực trong hoạt động xây dựng.
“Hiện nay trên thị trường đã có không ít doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản cũng chỉ vì bỏ thầu thấp, do đó tiêu chí này cần phải được xem xét và qui định lại” - ông Thăng đề nghị.
Luật làm xong rồi... bỏ đó!
“Bộ luật hình sự có hiệu lực từ 1-7-2000, tính đến nay đã được năm năm nhưng mới ban hành được 14/24 văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ luật dân sự có hiệu lực từ 1-7-1996, đã gần 10 năm nhưng mới ban hành được 50 văn bản, còn 20 văn bản chưa được hướng dẫn thi hành.
Trong khi đó, đến nay bộ luật này (dân sự) đã được sửa đổi cơ bản và được QH thông qua tại kỳ họp thứ 7” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển nêu bật những điểm “bất ổn” về việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật (từ đầu QH khóa XI đến nay) của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan tư pháp.
Ông báo cáo trước QH: ở tất cả các cấp, nơi nào cũng có tình trạng “nợ” văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật. Điều đó nghĩa là một lượng nội dung khá lớn của luật được ban hành ra nhưng rồi... bỏ đó, không đi vào cuộc sống. “Nợ” văn bản hướng dẫn cũng có nghĩa là ở một số lĩnh vực Chính phủ đã điều hành “không luật”, người dân và cuộc sống bị “treo” bởi luật không được thực thi.
Trong lĩnh vực tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu nhìn nhận còn tới 39% số văn bản qui phạm pháp luật chưa được ban hành. Song ngay trong chính số văn bản được ban hành, cũng còn một số lớn văn bản “có vấn đề”, ban hành trái luật hoặc sai thẩm quyền. Kiểm tra 169 văn bản do 31 địa phương ban hành, Bộ Tư pháp đã phát hiện có tới... 91 văn bản sai nhiều nội dung và trái luật (!)
Hôm nay 23-11, theo chương trình, QH sẽ thảo luận và giám sát việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật; nghe Ủy ban TVQH báo cáo giám sát về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận