13/04/2018 10:50 GMT+7

Dự án Gami Hội An đã 'hồi sinh' bất thường ra sao?

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Từng bị thu hồi giấy phép do nhiều nguyên nhân, trong đó có lo ngại ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị phố cổ Hội An, nhưng dự án Gami Hội An đã bất ngờ “sống lại” với nhiều chỉ tiêu thoáng hơn giấy phép cũ.

Dự án Gami Hội An đã hồi sinh bất thường ra sao?  - Ảnh 1.

Khu nhà hát trong nhà và công trình khán đài ngoài trời tại cồn Gami, Hội An được chụp ngày 10-4 - Ảnh: Cam Hội

Dự án trung tâm hội nghị - làng du lịch sinh thái Gami Hội An (Quảng Nam) do Công ty CP đầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An làm chủ đầu tư, khởi động từ trước 2004.

Trong năm 2015, dự án đã bị thu hồi giấy phép nhưng lại "hồi sinh" vào năm 2016 bất chấp phản ứng của Hội An.

Bị thu hồi do ảnh hưởng phố cổ

Dự án Gami Hội An tại cồn nổi, còn gọi là cồn bắp (phường Cẩm Nam, Hội An) được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho triển khai vào năm 2004 với tổng diện tích khoảng 113.000m2, gồm các phân khu chức năng như trung tâm hội nghị (hơn 10.000m2 sàn) với chiều cao tối đa là 2,5 tầng (tương đương 13,5m), nhà hàng (sức chứa 1.000 khách) với chiều cao 2 tầng, khu thương mại dịch vụ, khu resort...

Ông Nguyễn Sự - cựu bí thư Thành ủy Hội An - cho rằng với quy hoạch như quyết định vào ngày 2-12-2005 của tỉnh Quảng Nam, môi trường và cảnh quan phố cổ sẽ không bị ảnh hưởng nên UBND TP Hội An đã đồng ý cho phép dự án triển khai.

Trong tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An cho biết chỉ chấp thuận dự án với điều kiện chủ đầu tư cam kết làm đúng như trong tờ trình, không được làm sai lệch so với phê duyệt.

Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết và cấp phép, tiến độ dự án diễn ra rất ì ạch và chủ đầu tư xin tiếp tục điều chỉnh dự án.

Đến năm 2013, do dự án triển khai không đúng tiến độ cùng những lo ngại nguy cơ về cảnh quan và môi trường, UBND TP Hội An đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi.

Thường trực Thành ủy Hội An cũng chỉ đạo UBND TP Hội An tiếp tục gửi văn bản đề nghị tỉnh Quảng Nam chấm dứt dự án.

Trong một văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An cho biết qua theo dõi các đợt lũ cho thấy việc xây dựng hệ thống bờ kè trên tuyến sông Hội An của một số dự án, trong đó có dự án Gami đã gây sạt lở nghiêm trọng cho vùng hạ lưu sông của Hội An.

Do đó, Hội An đề nghị UBND tỉnh "không cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án để địa phương có thể chuyển đổi khu đất thành công viên cây xanh, góp phần tôn tạo sinh thái cảnh quan lân cận phố cổ Hội An".

Sau nhiều lần bị Hội An thúc giục, đến cuối năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định thu hồi đất tại dự án Gami và đến giữa năm 2015, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Gami Hội An cũng bị thu hồi.

Dự án Gami Hội An đã hồi sinh bất thường ra sao?  - Ảnh 2.

Công trình tại dự án Gami Hội An bị lũ trên sông Thu Bồn về bất ngờ, nước tràn vào làm 131 công nhân mắc kẹt trong đợt lũ cuối năm 2017 - Ảnh: B.D.

"Hồi sinh" bất thường

Thế nhưng, dự án này đã được "hồi sinh" với nhiều chỉ tiêu quy hoạch thậm chí còn thoáng hơn so với thiết kế ban đầu.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong thông báo kết luận của ông Đinh Văn Thu - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - vào tháng 3-2016, Công ty Gami Hội An được thống nhất về nguyên tắc cho tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án "Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An" trên cơ sở kế thừa dự án cũ.

Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 (ngày 2-8-2017), dự án được yêu cầu xây không quá 2 tầng, chiều cao không quá 10,5m nhưng cho phép xây dựng các công trình điểm nhấn theo thiết kế cao tới... 16,5m, một khu nhà hát quy mô 1.000 chỗ với chiều cao tối đa là 16,5m, nhà hát 2.000 chỗ ngoài trời chiều cao tối đa 14,5m.

Ngày 16-3-2018, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản cho điều chỉnh chiều cao nhà hát trong nhà cao tối đa 14,5m, công trình khán đài ngoài trời với chiều cao 16,3m, cao hơn 3m so với thiết kế được duyệt ban đầu.

Trong văn bản phúc đáp về các thủ tục cấp phép của dự án vào ngày 10-4, Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết hồ sơ pháp lý của dự án đã có đầy đủ, "được các sở ngành và TP Hội An thông qua".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, TP Hội An đã không "thông qua", thậm chí phản đối quyết liệt dự án mới này.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam ngày 31-5-2016, UBND TP Hội An khẳng định các dự án du lịch tại phường Cẩm Nam, trong đó có dự án Gami Hội An nằm ở vị trí rất nhạy cảm về môi trường.

Nếu không nghiên cứu kỹ sẽ tác động rất lớn đến hệ sinh thái tự nhiên, dòng chảy, đa dạng sinh học khu dự trữ Cù Lao Chàm.

Đặc biệt, so với thiết kế của dự án ban đầu là làng du lịch sinh thái Gami Hội An, một số chỉ tiêu xây dựng lần mới chưa phù hợp với định hướng của Hội An, đó là chỉ cho phép các công trình xây tối đa cao 10,5m.

"Để đảm bảo cảnh quan chung, đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh các hạng mục trên dự án cồn Gami xây không quá 2,5 tầng, cao không quá 13,5m. Các công trình còn lại xây tối đa 2 tầng, cao không quá 10,5m", văn bản của Hội An từng nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Thanh Hường (trưởng ban văn hóa Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội):

Phá vỡ cảnh quan, thay đổi dòng chảy tự nhiên

002

Ảnh: Đức Hiếu

Các tác động và nguy cơ từ dự án kè cứng và xây dựng quy mô trên cồn bãi tự nhiên tại Hội An, khu vực hạ lưu sông Thu Bồn đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu.

Lãnh đạo Hội An cũng nhấn mạnh tầm nhìn phát triển bền vững và những dự án với mật độ xây dựng cao ở khu vực này cần phải được xem xét lại. Bởi khu vực cồn bắp nằm trong khu vực tiếp giáp giữa di sản thế giới này và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Quan điểm của UNESCO là không ủng hộ một dự án cứng hóa, mật độ xây dựng lớn bởi sẽ làm biến đổi cảnh quan, thay đổi dòng chảy, nhất là mùa lũ.

Điều này có thể dẫn tới xói lở hai bên bờ sông, mà một bên bờ chính là phố cổ Hội An, khiến cho nỗ lực bảo tồn khu phố cổ này trở nên khó khăn hơn.

Ông Kiều Cư (bí thư Thành ủy TP Hội An):

Sẽ lập tổ công tác kiểm tra

001

Ảnh: Minh Hải

Khi dự án tái khởi động vào năm 2016, chúng tôi vẫn cứ nghĩ chủ đầu tư sẽ giữ nguyên thiết kế cũ, không đổ đất nâng cốt nền trên cồn Gami cao hơn khu dân cư như hiện nay, hệ thống kè bao quanh công trình là kè mềm, nước có thể tràn qua để không dồn ứ về hai bên bờ... Thế nhưng, thiết kế đã được điều chỉnh lại khác hoàn toàn.

Đứng trên cầu nhìn về cồn Gami, thấy đất được đổ khá cao, kè bằng bêtông kiên cố rất khó coi, trong khi trước đó cam kết làm kè mềm. Chúng tôi phải lập một tổ công tác để đối chiếu, kiểm tra lại hồ sơ xem dự án có làm đúng không, nếu không đúng thì mình biết để mà tính.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên