Chị Nina Martinez đã hiến quả thận trái cho một người có HIV khác - Ảnh: SARAH MARIE MAYO/CNN
Theo Đài CNN, ca ghép tạng đầu tiên trên thế giới giữa người cho còn sống và người nhận (giấu tên) cùng là những người có HIV đã được thực hiện tại Bệnh viện Johns Hopkins Medicine ở Baltimore. Cả hai người đều đã hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật ngày 25-3.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28-3, chị Martinez, người hiến thận, cho biết chị cảm thấy sức khỏe đã tốt và đang chuẩn bị tham gia tập luyện cho cuộc thi chạy marathon trong tháng 10 tới tại thủ đô Washington, D.C.
Bác sĩ Dorry Segev, giáo sư tại Trường Y khoa Johns Hopkins, và cũng là bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật lấy thận của chị Martinez, ca ngợi lòng dũng cảm của chị, đồng thời cho rằng ca phẫu thuật lịch sử này "thực sự là một điều đáng chúc mừng với công tác chăm sóc điều trị người có HIV và sự thay đổi đột phá của nó".
"Những người có HIV hiện nay không thể hiến máu. Nhưng giờ đây họ đã có thể hiến thận - bác sĩ Dorry Segev nói - Họ mắc một căn bệnh mà 30 năm trước là một án tử hình. Nhưng nay, họ đã đủ sức khỏe để có thể trao sự sống cho người khác".
Chị Nina Martinez là một chuyên viên tư vấn sức khỏe cộng đồng 36 tuổi, từng nhiễm virus HIV từ khi mới 6 tuần tuổi vào năm 1983 trong quá trình truyền máu.
"Tôi thực sự muốn mọi người nên xem xét lại việc sống với HIV là như thế nào", chị Martinez chia sẻ tại bệnh viện sau hai ngày tiến hành phẫu thuật ghép tạng.
"Nếu có ai đó là minh chứng cho việc bạn có thể sống cả đời với HIV, đó chính là tôi. Tôi đã sống với nó 35 năm qua, hầu hết thời gian tồn tại của đại dịch này ở Mỹ", chị nói.
Ca phẫu thuật ghép tạng của chị Martinez cho người nhận được một nhóm bác sĩ phẫu thuật khác thực hiện. Ca phẫu thuật đó do phó giáo sư phẫu thuật tại Hopkins, ông Niraj Desai, tiến hành.
Thành công của ca phẫu thuật ghép tạng giữa những người có HIV thực sự đem lại hi vọng cho những người bệnh này. Tại Mỹ, cho tới năm 2013, nước này vẫn còn chưa cho phép những người có HIV hiến tạng.
Không ai nghĩ các ca ghép thận cho người có HIV khả thi vì có hai lo ngại: Thứ nhất, virus HIV có thể gây tổn hại cho thận và thứ hai, các loại thuốc kháng virus - là thuốc kiểm soát virus HIV - rất độc với thận. "Chúng tôi phải chứng minh rằng những người có HIV vẫn có thể đủ khỏe mạnh để hiến thận và có thể sống chỉ với một quả thận", ông Segev nói.
Theo báo Washington Post, gần đây Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt sự lây nhiễm virus HIV tại Mỹ vào năm 2030, tuy nhiên sự kỳ thị với căn bệnh này vẫn còn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 23-3, trước khi phẫu thuật, chị Martinez chia sẻ: "Xã hội vẫn nhìn nhận tôi, và những người như tôi, là những người mang tới cái chết. Và tôi không thể tìm ra cách nào tốt hơn nữa để chứng minh rằng những người như tôi có thể mang tới sự sống cho người khác".
Theo báo Washington Post, kể từ năm 2016, các bác sĩ đã ghép được 116 tạng từ những người có HIV đã chết cho những người nhận có HIV sau khi luật mới cho phép điều này có hiệu lực.
Cho tới nay, việc để một người có HIV sống chỉ với một quả thận từng được cho là quá nguy hiểm vì tình trạng bệnh và các loại thuốc kiểm soát virus HIV có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về thận.
Tuy nhiên một nghiên cứu năm 2017 với 42.000 người do các nhà nghiên cứu tại Hopkins tiến hành cho thấy với một số người hiến thận có HIV khỏe mạnh, nguy cơ phát triển bệnh thận nguy hiểm không lớn hơn với những người âm tính với HIV, đặc biệt là những người có các thói quen xấu như hút thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận