Phóng to |
Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 2.200 cán bộ công chức (CBCC) ở chính quyền cấp xã. Trong đó khoảng 10% chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, tức là không đạt chuẩn.
Đó là chưa kể có hơn 8% cán bộ đang giữ các chức vụ lãnh đạo cấp xã chưa qua đào tạo, gần 2% chỉ đạt trình độ sơ cấp. Tính chung có tới 20% CBCC và cán bộ lãnh đạo xã không đạt chuẩn.
Nhiều người không nắm rõ chức năng, nhiệm vụ
Theo ông Lê Văn Trung - trưởng phòng xây dựng chính quyền Sở Nội vụ Đồng Tháp, nguyên nhân dẫn đến việc có nhiều CBCC cấp xã không đủ chuẩn là do trước đây chưa có quy định rõ ràng về chuẩn cán bộ và cũng chưa thi tuyển, chỉ xét tuyển.
Hình thức xét tuyển cũng ít được thông báo rộng rãi nên đối tượng dự tuyển thường là những người quen, con em của CBCC ở xã giới thiệu vào.
Ông Trần Phước Hừng, trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, cho biết hằng năm sở thường thành lập các tổ đi kiểm tra công vụ ở xã. Lần nào đi cũng phát hiện một số trường hợp vi phạm về giờ giấc làm việc, lề lối, tác phong hoặc làm sai quy định...
Ông Hừng nói điều đáng lo ngại là nhiều CBCC cập nhật văn bản quy phạm pháp luật quá chậm, không ít văn bản đã hết hiệu lực vẫn được áp dụng hoặc văn bản có hiệu lực thì không biết để áp dụng, phổ biến nhất là lĩnh vực địa chính.
Theo ông Hừng, để chuẩn bị cho đề án nâng cao năng lực CBCC sắp trình HĐND trong kỳ họp sắp tới, ông đã đi kiểm tra ở 40 xã, phường trong tỉnh. Nội dung kiểm tra gồm: kiến thức chung về tin học, soạn thảo văn bản, cải cách hành chính...
Qua đó phát hiện rất nhiều CBCC không đạt yêu cầu. Ngay cả khi được hỏi nhiệm vụ chính của mình ở xã là gì, có người không biết hoặc hiểu mù mờ.
Theo ông Phùng Thanh Hải - chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, cán bộ cơ sở có những biểu hiện sách nhiễu, không tuân thủ giờ giấc, có lời lẽ không hay với dân thì có thể khắc phục được, nhưng sai sót về mặt nghiệp vụ thì hậu quả rất lớn.
Mười năm trước, ở huyện này có hàng loạt cán bộ địa chính của các xã như Tân Phước, Tân Thành A, Bình Phú, thị trấn Sa Rài... làm sai quy định, đến nay một số vụ việc mà huyện và tỉnh vẫn chưa giải quyết xong hậu quả.
Phóng to |
Đồ họa: Vĩ Cường |
Tuyển cán bộ trẻ cho cấp xã
Hiện tại tỉnh Đồng Tháp có hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Những sinh viên này chỉ cần thi tuyển và đào tạo về quản lý nhà nước, chính trị một thời gian là có thể đưa về các xã thay thế bộ máy yếu kém.
Bà Trần Thị Thái, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết chính từ nguồn sinh viên đang dôi dư này nên UBND tỉnh mới nảy sinh ý tưởng thực hiện đề án “Nâng cao năng lực CBCC chính quyền xã, phường, thị trấn”. Sắp tới, tỉnh lập tiêu chí cụ thể để đánh giá năng lực cán bộ, tránh để thay thế hàng loạt và “oan sai”.
Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp cho biết Ban thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt coi trọng việc phải nâng cao trình độ đội ngũ CBCC cấp xã. Biện pháp hàng đầu mà tỉnh sẽ làm là mạnh dạn thay thế những CBCC trì trệ, năng lực yếu và ít có uy tín ở địa phương.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 sẽ loại 100 người thuộc diện không đủ trình độ, năng lực và không đủ tuổi tái nhiệm. Đề án còn chú trọng đẩy mạnh việc luân chuyển cán bộ, trong ba năm tới sẽ có 50% chủ tịch xã phải sang xã khác làm việc, khi đó sẽ đánh giá được năng lực điều hành của cán bộ này để làm cơ sở xem xét giữ lại hay cho “về vườn”.
Quyết tâm của tỉnh Đồng Tháp là toàn bộ CBCC phải có trình độ đại học, đặc biệt CBCC của 30% xã nông thôn mới phải đạt chuẩn đại học vào năm 2015.
Ông Lê Văn Trung cho biết theo quy định, công chức chỉ cần có bằng chuyên môn trung cấp được đào tạo thêm về chính trị, kỹ năng là có thể đảm nhiệm công việc ở xã. Riêng đối tượng là cán bộ, ngoài trình độ chuyên môn phải có trình độ cao cấp chính trị, được học qua khóa đào tạo hành chính nhà nước và kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tổ chức...
Những CBCC bị loại lần này là người chưa đạt chuẩn nêu trên. Những trường hợp tiếp theo là dôi dư do kiện toàn tổ chức, không tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, người không bố trí được vị trí công tác mới, không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp.
Tỉnh dự kiến chi 31 tỉ đồng thực hiện việc sắp xếp bộ máy cấp xã, trong đó chi trợ cấp thôi việc khoảng 12,5 tỉ đồng.
Trong khi đó ông Phan Văn Lâm, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, lo ngại đề án khó thực hiện đối với những người đang giữ những chức vụ như chủ tịch, phó chủ tịch UBND; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND.
Về vấn đề này, một cán bộ cho biết những người được dân bầu thì tiếp tục duy trì nhiệm vụ đến hết nhiệm kỳ, sau đó sẽ không giới thiệu ứng cử tiếp.
Phải làm ngay, nhưng làm thận trọng
Đề cập đến đề án nâng cao chất lượng CBCC cấp xã, ông Lê Vĩnh Tân - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho rằng việc thay thế đội ngũ yếu kém là việc phải làm ngay.
Trước mắt, tỉnh kiên quyết “thay máu” CBCC ở khối chính quyền cấp xã. Sau đó sẽ tới lượt cán bộ ở khối đảng, đoàn thể.
Ông Lê Vĩnh Tân còn khẳng định tới đây sẽ không chấp nhận cho CBCC đi học cao đẳng, đại học để hợp thức hóa bằng cấp chuyên môn, chỉ cho học nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Việc đi học tại chức để hợp thức hóa rõ ràng không đem lại hiệu quả cao, ngược lại còn làm mất thời gian của Nhà nước, của dân. Biện pháp mà tỉnh Đồng Tháp sẽ làm là thi tuyển CBCC, kể cả cấp xã.
Ông Trần Anh Dũng, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, cũng nói chuẩn hóa cán bộ do Chính phủ quy định, tỉnh nào cũng phải làm.
Tỉnh Đồng Tháp làm nhưng thận trọng, có tình có lý. Nếu CBCC không đạt chuẩn mà quyết tâm học bổ sung bằng cấp thì tỉnh vẫn tạo điều kiện cho học. Nếu không học nổi hoặc thi rớt thì phải nghỉ.
Thực tế hiện nay nhiều người không học nổi và tự xin nghỉ, nếu tự xin nghỉ việc thì được hỗ trợ chế độ khá lớn. Mỗi năm làm việc được hỗ trợ 1,5 tháng lương, một người có thâm niên làm việc 20-30 năm sẽ được hỗ trợ gần 100 triệu đồng khi nghỉ việc.
Đua nhau đi học đại học Rất khó khăn mới tiếp cận được một số CBCC trong diện không đạt chuẩn, phần vì UBND xã giấu, phần vì chính đối tượng này không muốn bị nêu tên cho thiên hạ biết. Thuyết phục khá lâu, ông Nguyễn Thanh Oai - phó chủ tịch UBND xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh - mới chịu kể sơ sơ về mình. Ông nói có 12 năm làm xã đội trưởng. Sau đó được cán bộ và người dân tín nhiệm bầu làm phó chủ tịch phụ trách khối văn hóa - xã hội từ năm 2006 đến nay. Dù công việc của chức danh này rất nhiều nhưng nhờ cấp dưới tham mưu tốt nên thời gian qua đều ổn. Ông Oai được cho đi học đại học quản lý hành chính để có bằng hợp thức hóa nhưng ông thi rớt tốt nghiệp. “Bây giờ lãnh đạo sắp xếp sao mình chịu vậy” - ông Oai tâm sự. Bên cạnh những cán bộ chấp nhận “số phận” thì hiện có rất nhiều người “chạy” đi học bằng mọi giá để kịp có bằng đại học. Ông Nguyễn Văn Thảo, chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, thừa nhận cấp trên đánh giá đây là xã có nhiều CBCC chưa đạt chuẩn. Tuy nhiên, ông cho rằng muốn tuyển dụng được cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ không phải dễ. Liên tiếp hai năm 2011, 2012 xã từng thông báo tuyển dụng CBCC có trình độ chuyên môn đại học nhưng không ai đăng ký. Xã phải chấp nhận phương án xét tuyển đủ người trước rồi cho họ đi học bổ sung trình độ sau. Hiện xã có 23 cán bộ, nhưng 10 người thường xuyên đi học đại học, cao đẳng để hợp thức hóa bằng cấp. Ông Trần Phước Hừng, trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ Đồng Tháp, thừa nhận có chuyện nhiều CBCC cấp xã đi học cao đẳng, đại học hệ vừa học vừa làm để hi vọng thoát đợt thanh lọc quy mô lớn lần này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận