Các bạn trẻ cần có những kỹ năng mềm để thuận lợi hơn khi tìm việc. Trong ảnh: một khóa học kỹ năng mềm tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến này.
Câu chuyện "Tôi không "chạy" việc, sao không tin?" cũng phản ánh một thực tế là đối với thanh niên hiện nay, chuyện xin việc là nỗi trăn trở thường trực.
Khi có đến hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư, kể cả thạc sĩ đang thất nghiệp thì vấn nạn "chạy" xin việc là chuyện thời sự càng trở nên nóng bỏng và nghiệt ngã hơn bao giờ.
"Chỉ có đồng lòng và làm quyết liệt mới xây dựng được văn hóa trung thực, trả lại cho xã hội - nhất là lớp trẻ - những giá trị đích thực chân - thiện - mỹ đang có nguy cơ bị đánh mất, từ đó sẽ tạo dựng niềm tin rằng không phải cứ có được việc làm tốt đều là phải "chạy".
Diệp Văn Sơn
Trong một cuộc thi cách đây mấy năm về sự trung thực của học sinh - sinh viên, có thông tin đưa ra là có đến 38% số thanh niên được hỏi cho rằng họ sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để được nhận vào một trường hoặc một công ty tốt. Tỉ lệ này với những người lớn được hỏi lên đến 43%.
Có một thực tế, trong một đời người từ khi là một em bé còn nằm trong bụng mẹ đến lúc trưởng thành đã phải trải qua nhiều cảnh "chạy", từ "chạy" để được vào một chỗ sinh tốt, trường học tốt, vào đại học tốt..., đến "chạy" chỗ làm tốt khi ra trường.
Đến khi bệnh tật, người ta lại "chạy" bệnh viện, "chạy" bác sĩ, lúc lâm chung thì "chạy" nơi an nghỉ. Do đó, mặc nhiên đã hình thành trong bản thân từng con người thứ "văn hóa chạy" và suốt cuộc đời lại tiếp tục sống với thứ "văn hóa" đó.
Có thể liệt kê vô số hành vi "chạy" trong xã hội, từ "chạy" chức quyền, bằng cấp, học vị, danh hiệu, dự án, chỗ làm..., đến cả "chạy" tội... Ngay cả khi chính sách đối với người nghèo được thực hiện cũng nảy sinh chuyện nực cười là "chạy hộ nghèo"(?)...
Nói chung, cuộc sống có nhu cầu gì thì người ta đều "chạy" cả. "Chạy" đã trở thành thói quen, tập quán, nên nhiều việc đương nhiên được hưởng, không cần cậy cục người ta vẫn cứ "chạy", vì nếu không "chạy" sẽ trở thành "kẻ hâm", "kẻ ngốc"!
Trước hết phải xóa bỏ "văn hóa chạy" nói chung, rồi sau đó mới nói đến xóa bỏ "chạy" xin việc. Muốn xóa bỏ "văn hóa chạy" ta phải có luật lệ rõ ràng, thủ tục minh bạch, phải tạo cho được sự cạnh tranh lành mạnh trong xã hội, chuyển quan niệm về chính quyền từ cai trị sang phục vụ...
Cuối cùng là việc nâng cao đạo đức cán bộ, công chức vì họ là người thiết kế chính, đẻ ra mọi thủ tục và "cầm trịch" ở cơ quan công quyền.
Vấn đề là biện pháp đã có nhiều, nhưng thái độ cương quyết tuyên chiến thì vẫn còn thiếu. Thái độ cương quyết làm trong sạch nội bộ, bịt các "cửa chạy" của mỗi người dù ở bất kỳ cấp nào, tổ chức nào, giờ đây cần được xem là thước đo phẩm chất, nhân cách, lòng trung thành với đất nước.
Sự thờ ơ, tránh né không cương quyết tuyên chiến với "tệ chạy", để nó nghiễm nhiên trở thành chuyện thường ngày của xã hội, cần phải được xem là tội ác.
Chỉ có đồng lòng và làm quyết liệt như vậy mới xây dựng được văn hóa trung thực, trả lại cho xã hội - nhất là lớp trẻ - những giá trị đích thực chân - thiện - mỹ đang có nguy cơ bị đánh mất, từ đó sẽ tạo dựng niềm tin rằng không phải cứ có được việc làm tốt đều là phải "chạy".
Có phải muốn tìm được việc thì phải "chạy"? Tuổi Trẻ mong nhận được chia sẻ về vấn đề này từ các chuyên gia, bạn đọc, nhất là những người đã tìm được công việc bằng chính khả năng của mình mà không "chạy". Bài viết xin gửi về email: tto@tuoitre.com.vn hoặc dandt@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận