27/07/2016 11:29 GMT+7

“Đóng đường” Mùa hè xanh

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Sau hai tuần chiến dịch về với mặt trận huyện Chợ Lách (Bến Tre), đi đến xã nào cũng nghe chiến sĩ Mùa hè xanh ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhắc đến từ “đóng đường”.

Chiến sĩ Mùa hè xanh ĐH Bách khoa làm đường bêtông theo chuẩn nông thôn mới tại xã Hòa Nghĩa (Chợ Lách, Bến Tre) trong chiến dịch năm 2016 - Ảnh: Q.L.

Những con đường bêtông mới sắp được “đóng đường”, chuẩn bị hoàn thành để tặng lại bà con quê hương Đồng khởi. Những con đường chở nặng ân tình, khi núp bóng giữa hai bên là vườn cây trái xanh um, khi nằm bên dòng kênh lênh láng.

Đường chuẩn nông thôn mới

Trời trưa, cái nắng của mùa hè lên cao bỏng rát. Những tiếng hò “hai, ba” vẫn đều đặn vang lên, lấy đà chuyển từng xô đá, cát, ximăng vào máy trộn. Tiếng máy chạy rè rè, đôi lúc chan chát vì đá va vào thành máy. Từng mẻ bêtông cứ nối tiếp nhau đổ ra đặc sánh. 

Bạn Thiên Vũ (khoa kỹ thuật hóa học) - đóng quân tại xã Long Thới (Chợ Lách) - thuần thục thao tác điều khiển máy trộn bêtông. Đưa tay quệt mồ hôi, Vũ cười: “Lần thứ hai làm chiến sĩ Mùa hè xanh rồi, năm trước mình đi mặt trận Trà Vinh, đã quen nên vận hành máy cũng không khó lắm”.

“Các chiến sĩ rất lăn xả, nhiệt tình và chấp hành kỷ cương rất cao. Chính mỗi chiến sĩ đã là chất men xúc tác, huy động được sức dân để cùng tạo ra những thành quả trong xây dựng nông thôn mới.

Chị NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG (bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre)  

Chỉ huy trưởng Mùa hè xanh ĐH Bách khoa Đào Vũ Hoàng Nam cho biết trường và từng xã đã xác định rất kỹ các nội dung hỗ trợ, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Do đó, những con đường được xây dựng theo chuẩn nông thôn mới, mặt đường hẹp nhất phải rộng 3m, bêtông dày 14-16cm tùy địa hình.

“Trong 11 xã, thị trấn toàn huyện Chợ Lách, có đến nửa số tuyến đường ở các xã được chiến sĩ làm đều có mặt đường rộng đến 3,5m” - anh Nam nói.

Chúng tôi ghé qua công trình đường tại xã Hòa Nghĩa. Con đường nằm ngay bên sông Vàm Lách, là một trong những công trình dài hơn 1km, rộng 3,5m và dày 16cm do các chiến sĩ khoa kỹ thuật xây dựng đảm nhận.

Ngay ngày thứ hai xuống mặt trận, các sinh viên đã chia thành ba nhóm, mỗi nhóm hai tổ máy cùng bà con địa phương làm đường chạy mưa cho kịp tiến độ.

Áo quần lấm lem, vừa hạ hai bao ximăng từ xe xuống, phó chủ tịch UBND xã Hòa Nghĩa Nguyễn Hoàng Viễn khoe: “Tranh thủ giải quyết công việc trên xã, rảnh lúc nào là chạy ra công trình với các bạn liền, cực mà vui”.

Ông Chín Phước - một người dân có nhà sát ngay bên con đường - ngày nào cũng ra phụ làm với các chiến sĩ không giấu được niềm vui: “Con đường nhìn cao vậy chứ trước đây mỗi mùa nước lên ngập, sình lầy là khỏi bước ra đường luôn. Mai mốt đường bêtông xong, cỡ đó xe tải chạy vô tư, trái cây bà con có thể bán tận vườn mà không lo bị ép giá vì tốn phí vận chuyển”.

Trường hỗ trợ một phần ximăng, chất kết dính và công làm đường. Phần ximăng còn lại cùng cát, đá, thợ chính để đảm bảo kỹ thuật do địa phương đối ứng.

Dù có làm đường bên sông, kênh rạch nhưng mỗi lần cần múc nước trộn hồ, các chiến sĩ không được phép chạm nước mà phải nhờ người dân địa phương xuống múc rồi chuyền lên cho chiến sĩ đợi sẵn trên bờ.

Đó là kỷ luật tuyệt đối của trường để đảm bảo an toàn cho từng người trong số gần 800 chiến sĩ Mùa hè xanh của trường đưa về đóng quân năm nay.

Nơi ấy là ân tình

Năm đầu tiên ĐH Bách khoa đưa quân về Chợ Lách (dự kiến đóng quân tại đây ba năm liên tiếp), việc phối hợp rất ăn ý. Ngay khi chiến sĩ còn chưa về, bà con đã sắp xếp chỗ chứa vật tư đúng yêu cầu của nhà cung cấp. 

Thầy Võ Tấn Thông - ban chỉ đạo chiến dịch của trường - cho biết tất cả 11 xã, thị trấn đều hoàn thành san lấp, chuẩn bị cốt nền đường đúng chuẩn nông thôn mới từ trước nên ổn định nơi ăn ở xong là ngay ngày thứ hai xuống địa bàn nhiều tổ máy đã khởi động làm ngay.

Mỗi xã trung bình 60 chiến sĩ, chia thành nhóm ở cùng dân. Không phiền bà con, các bạn tự nấu ăn.

Vậy chứ nay nhà này nhận ít trái cây, mai nhà khác được tặng mớ bánh, mốt nhà kia có người mang thức ăn qua cho. Bạn Bảo Nam (khoa kỹ thuật xây dựng) - đóng quân xã Hòa Nghĩa - kể tếu táo: “Từ lúc xuống đến nay hầu như sinh viên chỉ lo nấu ăn sáng chứ trưa và chiều các cô, các chị trong hội phụ nữ giành nấu hết rồi. Tụi tôi nói nhau chắc phải tranh thủ làm cho xong sớm chứ ở hoài, phiền mấy chị riết”.

Là chiến sĩ nói vậy chứ mấy cô, mấy chị cười xuề xòa kêu tụi nó sinh viên thành phố, không nghỉ hè về đây “mần lộ lớn” cho bà con thì nấu cho tụi nhỏ bữa cơm đáng gì đâu.

Do lịch học nên ĐH Bách khoa ra quân sớm hơn chiến dịch toàn thành phố, loanh quanh mà còn có hơn tuần là kết thúc.

Chạy ra chạy vô tiếp nước uống cho chiến sĩ, bà Sáu Ửng (xã Hòa Nghĩa) nhìn ra con đường đang hiện rõ từng ngày chép miệng: “Mai mốt mấy đứa mùa hè xanh làm xong về rồi cái xóm này buồn cũng mất một thời gian là cái chắc. Hai nhỏ con gái tui tối ngủ nói ngày chia tay chắc khóc quá má ơi, chứ một tháng mấy anh chị ở đây, không nhớ mới lạ”!

Thăm và kết nạp Đảng chiến sĩ Mùa hè xanh Bình Phước

Ngày 26-7, bà Thân Thị Thư - ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM - cùng đoàn công tác đã đi thăm, tặng quà các chiến sĩ Mùa hè xanh mặt trận Bình Phước.

Dịp này, Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM cũng tổ chức kết nạp Đảng cho ba sinh viên tại xã Lộc Khánh. Bà Thân Thị Thư nhắn nhủ:

“Các bạn được kết nạp Đảng ở một vùng đất anh hùng, nơi khi xưa máu xương ông cha đã đổ xuống, lại đúng dịp kỷ niệm ngày 27-7 là một vinh dự lớn. Con đường phía trước còn dài, tôi hi vọng các bạn sẽ phấn đấu nhiều hơn để bước vào một hành trình mới”.

Bà Thân Thị Thư thăm hỏi, tặng quà động viên các chiến sĩ Mùa hè
xanh - Ảnh: C.TIÊN
Bà Thân Thị Thư thăm hỏi, tặng quà động viên các chiến sĩ Mùa hè xanh - Ảnh: C.TIÊN

Đến thăm chiến sĩ Mùa hè xanh cùng các công trình cầu bêtông tại ấp 5, xã An Khương, huyện Hớn Quản (Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) và công trình nhà tình thương tại xã Thanh Lương, TX Bình Long (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM), bà Thư nhắn nhủ:

“Tôi rất vui vì những người trẻ đã đem sức trẻ của mình đến với những vùng sâu vùng xa, trải nghiệm những ngày hè đáng nhớ của thời sinh viên”. Đoàn cũng đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Thị Ché (sinh năm 1932, ấp 5, xã An Khương, huyện Hớn Quản).

CẨM TIÊN

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên