24/06/2015 20:17 GMT+7

Vì sao Hà Nội thiếu máu điều trị?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Hàng trăm bạn đọc đã phản hồi sau khi đọc thông tin Viện Huyết học truyền máu trung ương cạn kiệt nhóm máu A và O và viện này đang kêu gọi hiến máu khẩn cấp.

Thanh niên hiến máu cứu người

Hiến máu ở đâu? Vì sao Hà Nội thiếu máu trong khi TP.HCM tổ chức hiến máu rất tốt? Vì sao nhận máu hiến tình nguyện mà bệnh viện lại thu tiền khi có người bệnh cần máu?... là những vấn đề bạn đọc Tuổi Trẻ đặc biệt quan tâm.

Ông Trần Quý Tường - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện - cho biết lý do chủ yếu của việc thiếu máu trong thời gian này liên quan đến người hiến máu.

Ở Hà Nội, người hiến máu chính là học sinh, sinh viên, dịp hè khi học sinh, sinh viên nghỉ hè thì lượng máu hiến tặng có giảm đi. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm. Chính vì lý do này mà từ vài năm gần đây, Viện Huyết học truyền máu trung ương đã có sáng tạo tổ chức Hành trình đỏ, kêu gọi hiến máu từ Cà Mau đến Lạng Sơn. Hành trình năm nay sẽ diễn ra từ đầu tháng 7 tới.

Chi phí xử lý, bảo quản máu còn cao hơn viện phí mỗi đơn vị máu

 

* Thưa ông, có những ý kiến lo ngại rằng hiện trên 90% lượng máu thu được do người tình nguyện hiến tặng, trong khi người bệnh cần máu thì họ phải trả tiền. Vì sao lại có sự trái khoáy như vậy?

- Những người trong độ tuổi 18-60, đủ cân nặng, không mắc bệnh truyền nhiễm đều có thể hiến máu cứu người. Trước đây, người hiến máu được nhận một phần tiền nhỏ sau khi hiến, nhưng gần 10 năm trở lại đây thì quy định thay đổi, người hiến máu chỉ được nhận những phần quà tinh thần, như chứng nhận hiến máu, quà tặng bằng hiện vật và sau này khi bị mắc bệnh lý cần máu, người hiến máu sẽ được bồi hoàn máu tương đương với lượng máu đã hiến, số máu bồi hoàn đó sẽ không thu tiền.

Tuy nhiên, bệnh viện lại thu tiền của người bệnh cần truyền máu, đó là vì sau khi thu gom máu sẽ cần rất nhiều xét nghiệm sàng lọc để đảm bảo đơn vị máu được hiến tặng hoàn toàn an toàn khi truyền cho người bệnh.

Tôi được biết cần phải sàng lọc viêm gan B, HIV và nhiều bệnh lý khác, bên cạnh đảm bảo hệ thống dự trữ, bảo quản, vận chuyển máu được thông suốt. Hiện phí thu từ người bệnh là chưa đủ cho chi phí sàng lọc, bảo quản này, do viện phí hiện nay chưa tính lương, tiền đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị...

Vì sao việc hiến máu không được như mong muốn?

 

* Có một vấn đề là dù lượng máu hiến tặng chiếm phần lớn máu thu gom được trong khi trước đây phần lớn máu cho điều trị là từ người bán máu chuyên nghiệp nhưng thực tế vẫn thiếu máu rất nhiều và số người hiến máu tình nguyện chủ yếu trông chờ vào học sinh, sinh viên. Lý do vì sao phong trào này vẫn chưa thật sự đi vào đời sống như mong muốn?

- Theo Tổ chức Y tế thế giới, máu nhận của người hiến tặng tình nguyện an toàn hơn của người bán máu chuyên nghiệp. Trong khi thực tế, Ban chỉ đạo cuộc vận động hiến máu nhân đạo quốc gia và các đơn vị thực hiện cuộc vận động này đã có nhiều hình thức để tôn vinh người hiến máu, như ngày 14-6 vừa qua có hành trình tôn vinh 100 người hiến máu nhiều nhất trong năm và hành trình này đã được tổ chức gần 10 năm nay.

Ngay tại buổi tôn vinh, có ý kiến cho rằng cần có hình thức khen thưởng cao hơn đối với người tình nguyện hiến máu, như tặng họ Huân chương Lao động cũng rất xứng đáng, trong khi hiện nay phần thưởng cao nhất là bằng khen thôi.

Một lý do nữa là do nhận thức của cộng đồng, người ta lo ngại hiến máu sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Thực tế có ảnh hưởng nhưng ít thôi, ảnh hưởng không đáng kể nếu người hiến đủ cân nặng, đủ sức khỏe. Một vấn đề nữa là ở các nước, những người tham gia công tác xã hội, hiến máu tình nguyện luôn có “lợi thế” khi đi xin học bổng, xin việc làm... nhưng ở Việt Nam thì những điều này chưa được tính đến nhiều.

Vẫn đang rất thiếu máu nhóm A

Trước đó, Viện Huyết học và truyền máu trung ương phát đi lời kêu gọi khẩn thiết cho biết hiện kho máu của viện này đang thiếu nghiêm trọng máu nhóm A và O.

Theo đó, tổng kho máu dự trữ của viện chỉ còn 5.000 đơn vị, tương đương lượng sử dụng trong một tuần. Trong đó, máu nhóm A chỉ còn 230 đơn vị, dưới ngưỡng an toàn 7 lần và chỉ đủ sử dụng trong một ngày, máu nhóm O chỉ còn tương đương 80% ngưỡng an toàn và vẫn đang trong xu hướng giảm mạnh.

Viện Huyết học và truyền máu trung ương là “ngân hàng” máu lớn nhất miền Bắc, đang cung cấp máu cho 120 bệnh viện tỉnh, thành khu vực miền Bắc.

Bác sĩ Phạm Tuấn Dương, phó viện trưởng viện này, cho biết do lượng máu nhóm A hiến tặng thiếu nghiêm trọng nên chỉ cung ứng được 10% nhu cầu nhận máu nhóm này.

Thông tin từ Viện Huyết học truyền máu trung ương cho biết sáng 24-6, mặc dù mưa to nhưng vẫn có rất đông người đến viện này hiến máu, cán bộ nhân viên của viện cũng đã tham gia hiến máu trong ngày này.

Sau khi rà soát tổng lượng máu dự trữ, viện đã điều phối máu từ Đắk Nông ra để đảm bảo lượng máu cần thiết cho những ngày tới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất thiếu máu nhóm A do hai ngày trước đây, lượng máu nhóm A còn trong kho chỉ đủ sử dụng trong một ngày.

Những ngày thiếu máu vừa qua, bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh đã phải chờ năm ngày mới được truyền máu.

Viện Huyết học truyền máu trung ương cho biết điểm tiếp nhận máu tại viện mở cửa tất cả các ngày trong tuần, từ 7g30-22g.

Người tình nguyện cũng có thể đến các điểm hiến máu gần nhất, thuận tiện nhất để hiến máu (tra cứu trên Internet hoặc gọi đường dây nóng 0982.666028 hoặc 043.8686008).

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên