07/05/2014 03:40 GMT+7

Đồng đẳng kiểu Bangladesh

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Hoạt động đồng đẳng hỗ trợ các nhóm nguy cơ cao được tổ chức công khai và có bài bản tại Bangladesh đã giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh thế kỷ.

Mỹ phá đường dây môi giới mại dâm trẻ em lớn nhấtThiếu nữ bị bán sang nhà thổ Trung Quốc gần 2 năm Dấu hiệu nhận biết nhiễm HIV/AIDS

wMYWJYyE.jpgPhóng to
Ba trẻ vị thành niên người Bangladesh vừa được cứu thoát khỏi nhà thổ ở Katraj hôm 23-4 - Ảnh: Reuters

Shohagi, 19 tuổi, tự tin bước dọc hành lang dẫn đến khán phòng nằm trong trung tâm trợ giúp phòng chống HIV thuộc Diễn đàn Manobadhikar Sangbadik (BMSF). Hàng chục cô gái hành nghề mại dâm ở huyện Kushtia (Bangladesh) đang chờ đợi nghe hướng dẫn của cô gái trẻ.

Cũng là gái mại dâm, Shohagi được huấn luyện để truyền đạt lại kiến thức phòng chống HIV cho các bạn cùng nghề. Cô dạy họ cách sử dụng bao cao su để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Theo báo Asia Times, Chính phủ Bangladesh đã áp dụng biện pháp “đồng đẳng” này để khống chế hiệu quả sự lan truyền của căn bệnh HIV/AIDS, dù thừa nhận trình độ dân trí của họ vẫn còn rất thấp.

Ngăn chặn HIV/AIDS từ gốc

Nhức nhối mại dâm trẻ em

Ước tính có khoảng 200.000 phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên làm việc trong ngành công nghiệp tình dục của Bangladesh. Mại dâm trẻ em đang là vấn đề nghiêm trọng ở quốc gia này. Các bé gái bị ép buộc vào nghề này khi chưa tròn 12 tuổi do bị chính cha mẹ của mình bán vào nhà thổ. Hiện nay ở Bangladesh có 18 khu vực được mệnh danh là “khu đèn đỏ” hợp pháp.

Cách thủ đô Dhaka khoảng 200km về phía tây nam, huyện Kushtia là một huyện thuần nông nghèo khó của Bangladesh, nhưng nơi này lại có nhiều người hành nghề mại dâm và buôn bán ma túy nhất quốc gia này. Tất cả do cái nghèo và nạn thất nghiệp gây ra. “Mại dâm và nghiện ngập không phải là chuyện mới ở đây nhưng các vấn nạn này đang là mối đe dọa lớn với cả cộng đồng dân cư, nơi mà trình độ dân trí đang rất thấp” - báo Asia Times dẫn lời điều phối viên Mohammad Alamgir Kabir của BMSF ở Kushtia.

Hầu hết phụ nữ trong ngành công nghiệp tình dục ở Bangladesh đều được tiếp cận các trung tâm trợ giúp dạng này mà không hề bị phân biệt đối xử. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) và chương trình ngăn chặn HIV của Bangladesh là những nhà điều hành của các trung tâm dạng này.

“Đây là cách mà bạn bảo vệ mình trước những căn bệnh lây lan qua đường tình dục. Không có nó, bạn có thể sẽ mắc bệnh rất nhiều” - Shohagi say sưa nói trong khi các bạn nghề lắng nghe và thoải mái trao đổi với cô về những điều mà họ chưa hề biết trước đó.

Rabeya Khatun (21 tuổi) và Kohinoor Begum (27 tuổi) là thính giả thường xuyên tại Trung tâm BMSF. Cả hai cho rằng trung tâm này đã giúp họ rất nhiều trong việc tự bảo vệ mình trước những hiểm họa tiềm ẩn từ nghề nghiệp đang làm. Kohinoor, hiện có hai con đang trong độ tuổi đi học, thành thật: “Chúng tôi được phát bao cao su, tư vấn và kiểm tra sức khỏe miễn phí. Trung tâm đã cho chúng tôi quyền được học rất đúng lúc”.

BMSF là một NGO đang hoạt động ngăn chặn sự lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác ở Bangladesh. Họ nhắm vào nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao là giới hành nghề mại dâm. Nhân viên của trung tâm này có vai trò là “chất xúc tác”, huấn luyện và truyền đạt kiến thức cho các cô gái mại dâm ở đây, sau đó chính những cô gái này sẽ trở thành “chất xúc tác” để giúp các bạn nghề khác biết cách tự vệ an toàn cho bản thân.

Can thiệp sớm

Theo Tổ chức Phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS), Bangladesh là một trong những nước tham gia sớm vào cuộc chiến chống HIV/AIDS, từ giữa thập niên 1990. Tiến sĩ Hussain Sarwar, giám đốc chương trình phòng chống AIDS quốc gia của Bangladesh, cho biết nhiều quốc gia đã không nhận ra sự lan tràn nguy hiểm của HIV/AIDS dù tỉ lệ lây nhiễm đang ngày một tăng. “Dù trình độ dân trí còn rất thấp nhưng Bangladesh đã có sự chuẩn bị và đã giảm thiểu được ảnh hưởng của dịch HIV/AIDS. Tạo điều kiện để những đối tượng hành nghề mại dâm tham gia cuộc chiến chống HIV/AIDS là cách làm hiệu quả ở nước tôi” - ông Hussain giải thích.

Nhờ vào những cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ Bangladesh và sự ủng hộ trợ giúp đúng lúc của các NGO, Bangladesh đang từng bước thành công với cuộc chiến chống HIV. Với dân số khoảng 150 triệu người, Bangladesh tuy vậy chỉ có khoảng 3.000 ca nhiễm HIV dương tính, dù tỉ lệ người mắc bệnh lây qua đường tình dục khá cao.

Đó là kết quả đáng khích lệ từ sự tổ chức có bài bản. Bangladesh hiện đang có 309 trung tâm trợ giúp phòng chống HIV/AIDS, 61 trung tâm tư vấn miễn phí và 98 trung tâm xét nghiệm máu nhiễm HIV đang hoạt động. Chính phủ Bangladesh cho biết nước này vẫn đang cần thêm những trung tâm tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS nhằm chống lại căn bệnh này hiệu quả hơn.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên