04/04/2007 07:01 GMT+7

Đồng chí Lê Duẩn - anh Ba của một thời lửa đạn

VÕ VĂN KIỆT
VÕ VĂN KIỆT

TT - Anh Ba là tên gọi thân thương mà đồng bào và đồng chí cả nước dành cho Tổng bí thư Lê Duẩn - một trong những học trò tiêu biểu, xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một nhà chiến lược sáng tạo, một trí tuệ lớn của cách mạng VN trong thế kỷ 20.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 – 7-4-2007)

Đồng chí Lê Duẩn - nhà lãnh đạo kiệt xuất

QAd640yu.jpgPhóng to
Đồng chí Lê Duẩn báo cáo tình hình cách mạng miền Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1957
TT - Anh Ba là tên gọi thân thương mà đồng bào và đồng chí cả nước dành cho Tổng bí thư Lê Duẩn - một trong những học trò tiêu biểu, xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một nhà chiến lược sáng tạo, một trí tuệ lớn của cách mạng VN trong thế kỷ 20.

Cuối năm 1949, tôi được cử đi dự hội nghị Xứ ủy Nam bộ mở rộng, tổ chức tại Đồng Tháp Mười. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với anh Ba. Tôi có ấn tượng mạnh về anh - một con người hoạt động đầy sức sống và tính nguyên tắc. Anh như một nguồn năng lượng lớn luôn bừng tỏa.

Dồn hết tâm lực cho đất nước

Năm 1952, anh Ba được Trung ương gọi ra Bắc. Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, anh Ba từ Quảng Ngãi trở lại chiến trường Nam bộ. Lần đó, một hội nghị cán bộ chủ chốt mở rộng đủ quân, dân, chính, đảng ở Nam bộ được tổ chức để nghe anh thông báo tình hình. Hội nghị đón anh với tất cả sự hồ hởi và cả những băn khoăn về hiệp định chờ được anh giải đáp. Suốt mấy ngày, hàng trăm vấn đề được đặt ra: cơ sở nào để lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời? Tại sao theo hiệp định chỉ hai năm sau là tổng tuyển cử mà phải tập kết triệt để cả quân đội và vũ khí? Liệu có chắc địch sẽ thi hành hiệp định không? Nếu địch phá hiệp định thì ta xử lý thế nào?... Chưa bao giờ tôi thấy anh Ba phải vất vả đến như vậy mới giải thích hết được những thắc mắc của mọi người.

Mấy năm gắn bó sống chết với chiến trường Nam bộ sau Hiệp nghị Geneva đã giúp anh Ba tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn xương máu, làm tiền đề hình thành đường lối đấu tranh của cách mạng miền Nam mà anh thể hiện trong dự thảo “Đường lối cách mạng VN ở miền Nam”. Trước khi ra Bắc, anh Ba đã đưa những nội dung của tài liệu đó ra bàn bạc, thảo luận cả tháng trời trong lãnh đạo Xứ ủy mở rộng. Sau này, tài liệu đó được quen gọi là Đề cương cách mạng miền Nam và tư tưởng của nó được thể hiện đầy đủ trong nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa II.

uunNchJr.jpgPhóng to
Đồng chí Lê Duẩn thời kỳ làm thư ký cho Công ty hỏa xa Bắc Kỳ - Hà Nội năm 1927 - Ảnh tư liệu
Mấy năm sau hiệp định cũng là thời kỳ đầy thách thức, nguy hiểm đối với anh Ba. Tình hình hết sức căng thẳng, phức tạp. Lúc đầu anh Ba ở Cà Mau. Tới cuối năm 1955, anh chuyển qua Bến Tre để tiện làm việc với các anh ở thường vụ Xứ ủy. Giữa năm 1956, anh quyết định lên Sài Gòn để có thể trực tiếp nắm tình hình ở đó. Bố trí nơi ăn ở, làm việc và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho anh Ba là việc lớn. Chúng tôi rất lo bởi sự sống, cái chết lúc bấy giờ chỉ cách nhau gang tấc. Khi anh an toàn ra Hà Nội (vào giữa năm 1957) tất cả chúng tôi mới thật sự thấy nhẹ nhõm, mặc dù biết vắng anh công việc sẽ nặng nề hơn. Điều lý thú, mỗi khi nhớ lại, là cả bộ máy CIA của Mỹ và mạng lưới mật vụ dày đặc của chính quyền Sài Gòn đều không thể ngờ người sau này trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng ta vẫn ở lại miền Nam, có lúc lại ở ngay trung tâm đầu não của họ, và tại đó bản Đề cương cách mạng miền Nam nổi tiếng được soạn thảo.

Giữa năm 1957, anh Ba trở ra Bắc, được Trung ương Đảng giao trách nhiệm quyền tổng bí thư, và tại Đại hội III được bầu làm bí thư thứ nhất Ban Chấp hành trung ương. Sau khi Bác Hồ qua đời, anh trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta. Tuy ở xa trung ương, nhưng chúng tôi vẫn như thấy anh Ba rất gần và anh luôn dồn hết tâm lực vào lãnh đạo Đảng, chỉ đạo Quân ủy trung ương với một quyết tâm sắt đá. Từ những cán bộ cao cấp của Đảng cho đến anh em các cấp mà tôi có dịp tiếp xúc, ai ai cũng tin tưởng, khâm phục anh Ba và đều khẳng định công lao đặc biệt to lớn của anh đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi cho rằng những đánh giá đó là hoàn toàn công bằng, chính xác.

“Vui sao nước mắt lại trào”

Cách một vài hôm sau ngày Sài Gòn giải phóng, anh Ba đi chuyến bay đầu tiên cùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ thủ đô vào thành phố mang tên Bác. Lần đón anh Ba - người thật sự kế tục Bác Hồ trở thành vị chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc - trở lại miền Nam, trở lại Sài Gòn thật xúc động. Bao kỷ niệm sâu sắc trỗi dậy. Mọi người ôm chầm lấy nhau, “vui sao nước mắt lại trào”.

Tôi còn nhớ mãi câu nói đầu tiên của anh Ba khi vừa bước xuống cầu thang máy bay: “Thắng lợi này là thắng lợi của cả dân tộc VN chứ không của riêng ai”. Tôi nhận thức được ý tứ sâu sắc của anh Ba trong câu nói ấy. Anh không chỉ muốn khẳng định truyền thống, niềm tự hào của cả dân tộc ta mà còn có ý ngăn ngừa những suy nghĩ so bì về công lao sau chiến thắng. Lời căn dặn hoàn toàn chính xác trong giờ phút huy hoàng đó càng cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của anh Ba.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đã được nghe anh Ba phát biểu về một số vấn đề kinh tế rất gần so với những chính sách trong đổi mới. Anh nói tới sự cần thiết phải duy trì nhiều thành phần kinh tế ở miền Nam, không thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp như miền Bắc, coi trọng vai trò của trung nông... Thời kỳ thực hiện cải tạo công thương nghiệp miền Nam, tôi cũng không thấy anh thúc giục mà rất quan tâm đến đời sống của những người làm ăn, buôn bán nhỏ. Một lần, vừa vào tới thành phố, anh Ba gọi tôi lại bảo: Nghe nói thành phố cải tạo công thương nghiệp, dẹp cả buôn gánh bán bưng có đúng không?

356LUyjF.jpgPhóng to
Đồng chí Lê Duẩn đứng trên mảnh đất Vĩnh Linh nhìn sang bên kia bờ sông Bến Hải ngày 2-2-1973 (30 Tết Quí Sửu) - Ảnh tư liệu
Thực tế khi đó, một số anh em bên dưới có làm quá mức nhưng Thành ủy đã chấn chỉnh. Vừa may hôm trước, tôi tới khu chợ ở Thị Nghè, nghe kể về một chị bốn con nhỏ đang tính phải về quê Bến Tre dù biết rằng về đó không làm gì cho đủ ăn. Tôi đề nghị anh em phường, quận nói với chị cứ ở lại tiếp tục buôn bán nuôi con, lo đời sống gia đình. Tôi cũng nhắc nhở anh em nên tạo điều kiện cho những người bỏ sức lao động của mình ra buôn bán kiếm sống. Tôi đem chuyện đó kể lại với anh Ba.

Dường như còn chưa tin hẳn, vài hôm sau, trên đường ra sân bay về Hà Nội, anh Ba gọi anh Trần Tấn, phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách thương nghiệp, lên xe đi cùng. Anh Ba cho xe chạy mấy vòng quanh khu chợ Sài Gòn, An Đông. Khi ra tới máy bay, anh mới bảo anh Tấn: “Anh về nói lại với Sáu Dân là tôi tin sự chỉ đạo của Thành ủy”.

Anh Ba rất khuyến khích TP.HCM tìm tòi, thí điểm tháo gỡ khó khăn. Sau giải phóng mấy năm, TP.HCM kề ngay vựa lúa, vựa cá lớn nhất mà phải chạy ăn từng bữa. Đó là điều lạ lùng chưa từng có. Một số đồng chí ủy viên trung ương ở TP.HCM và mấy tỉnh miền Đông, miền Tây đề nghị tôi báo cáo anh Ba xin trung ương khoán cho mấy tỉnh chúng tôi các chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, cho thí điểm một số cơ chế cụ thể trong lưu thông, xuất khẩu và cho thực hiện khoán và làm “kế hoạch 2, 3” trong công nghiệp. Anh Ba tỏ thái độ đồng tình cho thí điểm và bảo chúng tôi báo cáo một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác. Rất tiếc là đề xuất của chúng tôi không được chấp thuận. Nay nghĩ lại, tôi hiểu rằng với những nhận thức chung lúc bấy giờ thì những đề xuất đó không được chấp thuận cũng là bình thường, không có gì khó hiểu.

(Trích từ Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng VN, NXB Chính Trị Quốc Gia 2002)

Mỗi lần vào thăm TP.HCM, anh Ba đều dành nhiều thời gian đi tìm hiểu thực tế. Anh rất quan tâm tới các cơ sở quốc doanh cũng như ngoài quốc doanh làm ăn tốt. Có lần tới thăm một cơ sở ở Tân Bình chuyên làm hàng cơ khí tiêu dùng (như dao, kéo...), anh Ba rất khen cách tổ chức sản xuất của bà con. Năm sau, một số anh em khác lại dẫn anh Ba tới đó. Thấy không có gì mới so với lần thăm trước, anh không hài lòng và phê bình: đi thực tế là để phát hiện cái mới chứ không phải để tuyên truyền.

Kỳ tới: Căn nhà đặc biệt giữa Sài Gòn 1956

VÕ VĂN KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên