30/05/2012 23:40 GMT+7

Đón xem sao Kim đi qua Mặt trời

TUẤN DUY (CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)
TUẤN DUY (CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)

TTO - Sáng 6-6, người dân VN cùng nhiều nước trên thế giới sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng sao Kim đi qua Mặt trời (Venus transit). Đây được xem là sự kiện thiên văn thế kỷ vì đến tháng 12-2117 mới diễn ra lần nữa.

4Y2zRljy.jpgPhóng to
Sao Kim như một đốm đen nhỏ trên đĩa Mặt trời - Ảnh: AP

Các nước Trung Á, Ấn Độ và Tây Âu có thể quan sát hiện tượng này từ lúc Mặt trời mọc sáng 6-6, còn Bắc Trung Mỹ có thể quan sát được lúc Mặt trời lặn ngày 5-6.

Tại Việt Nam, người xem có thể quan sát được gần như toàn bộ diễn biến sao Kim đi qua Mặt trời, từ lúc Mặt trời mọc khoảng 5g30 tới gần 11g44. Trong thời gian này, sao Kim sẽ xuất hiện như một đốm đen nhỏ di chuyển chậm cắt ngang Mặt trời.

Sao Kim còn được gọi bằng hai cái tên quen thuộc là sao Hôm và sao Mai. Do sự di chuyển quay quanh Mặt trời của sao Kim mà có lúc ta nhìn thấy nó ở phía tây khi Mặt trời vừa lặn, đó là lúc nó có tên gọi là sao Hôm. Ngược lại vài tháng sau sao Kim sẽ xuất hiện khi Mặt trời mọc ở hướng đông, khi đó nó có tên gọi là sao Mai.

Hiện tượng này có thể không rực rỡ như nhật thực, nhưng lại gây “sốt” trong giới thiên văn vì sự hiếm có của nó: đây là lần duy nhất trong cuộc đời mỗi người chúng ta quan sát được, vì mãi đến 105 năm sau nó mới diễn ra lần nữa.

Sao Kim đi qua Mặt trời là hiện tượng có vị trí quan trọng trong lịch sử thiên văn học. Các nhà khoa học đã từng dùng nó để tính toán khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời, khám phá quy mô của hệ Mặt trời…

Sao Kim đi qua Mặt trời thường xảy ra liên tiếp hai lần cách nhau tám năm, nhưng sau đó phải hơn một thế kỷ mới có thể quan sát lại. Lần gần đây nhất là vào năm 2004.

Trong quá khứ, tính từ lúc phát minh ra kính thiên văn (1610), chỉ có bảy lần sao Kim đi qua Mặt trời.

Chúng ta có thể quan sát trực tiếp bằng mắt thông qua kính chuyên dụng để quan sát nhật thực. Ngoài ra có thể dùng kính thợ hàn có độ tối 14 để quan sát, hoặc một giải pháp rẻ tiền là để một tấm gương nhỏ trong chậu nước pha mực đen và quan sát bóng Mặt trời được phản chiếu.

Các nhà thiên văn khuyến cáo không dùng phim X- quang, kính râm, giấy nhôm gói quà, các thiết bị tự chế để làm giảm ánh sáng của Mặt trời... khi quan sát, vì sẽ không đảm bảo lọc được các tia tử ngoại, hồng ngoại, gây tổn hại cho mắt, có thể dẫn đến giảm thị lực vĩnh viễn.

Đối với những người có kính thiên văn hoặc ống nhòm có thể hướng kính về phía Mặt trời và chiếu ảnh qua một tấm bìa đặt ở phía sau, và chỉ có thể quan sát trực tiếp khi có thiết bị lọc Mặt trời chuyên dụng che ở vật kính.

TUẤN DUY (CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên