Phóng to |
Một buổi ôn tập kiến thức môn văn cho học sinh lớp 12A6 Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT (chiều 25-4) - Ảnh: Như Hùng |
Ở những trường có đầu vào thấp, tỉ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm không cao, chỉ một, hai HS “thoát” được nguy cơ rớt tốt nghiệp đã là chuyện đáng ăn mừng. Vào thời điểm này, danh sách những HS đang đứng bên bờ vực rớt tốt nghiệp đã được chia đều cho giáo viên từng bộ môn để có kế hoạch kèm cặp.
Mỗi trường mỗi... cảnh
Khó khăn nằm ở chỗ các HS trung bình, yếu đa số đều bị mất kiến thức căn bản, thường có điều kiện gia đình khó khăn, không có nhiều thời gian để đầu tư cho việc học.
Ví dụ như ở Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - một trong những trường có chất lượng đầu vào thấp, gần 50% HS thuộc diện được miễn giảm học phí, nhiều HS có nguy cơ rớt tốt nghiệp vì hoàn cảnh gia đình. Nếu như các trường trung tâm thường áp dụng các biện pháp truy bài, cấm túc, tăng tiết trước mỗi mùa thi, thì ở Trường THPT Đa Phước thầy cô chỉ có thể tận dụng giờ dạy trên lớp. Lý do là nhà HS quá xa trường và nhiều HS phải làm kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Duy Tuyển, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi xác định năm lớp 12 là cực kỳ quan trọng, là bước ngoặt cuộc đời của các em. Đối tượng cần quan tâm lúc này là HS trung bình và yếu kém, thầy cô giáo chỉ bám điểm trung bình (điểm 5, 6) mà dạy, không tung quá nhiều kiến thức làm các em mệt mỏi và cũng không yêu cầu điểm khá, giỏi. Kể từ sau khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp, nhà trường đã tăng 21 tiết cho cả sáu môn thi và chỉ dám tăng với thời lượng vừa phải, bởi với HS yếu, một số em lười học không thể bắt các em học dồn, học nén”.
Tại Hà Nội, thầy Phan Thanh Tùng, hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, cho biết: “Trong tháng 3 và 4 trường đã lần lượt tổ chức thi vấn đáp sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, kết quả thi được thống kê, phân loại như thi tốt nghiệp. Nhìn vào kết quả, số HS đạt điểm giỏi trong kỳ thi thử này chỉ không đến 20 em”.
Năm nay là năm thứ tư Trường Trần Nhân Tông tổ chức rà soát học sinh qua các kỳ thi thử để tổ chức lớp A0 - lớp của những HS cần kèm cặp đặc biệt. Năm nay lớp A0 học toán, hóa có khoảng 60 em/môn, lớp học các môn còn lại có khoảng 20-40 HS/môn.
Thầy Tùng nhận xét: “Nếu không có biện pháp phân loại HS để phụ đạo theo môn học, theo những phần HS hổng kiến thức, sẽ có trên 30% thi trượt tốt nghiệp. Cùng thời điểm này năm 2011, tỉ lệ HS rơi vào “vòng nguy hiểm” cũng tương tự, nhưng nhà trường đã nỗ lực vực những HS yếu. Để có được tỉ lệ 99% HS đỗ tốt nghiệp là cố gắng vượt bậc của thầy cô giáo”.
Nhiều “chiêu” vực HS yếu
Các trường THPT ở các quận huyện ngoại thành và xét tuyển đầu vào như Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh... tại TP.HCM cũng đau đầu trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp bởi điểm chung là số lượng HS yếu kém đông. Đa số trường này đều dồn sức cho hai môn sử và địa trong tháng cuối cùng với hi vọng sẽ gỡ được điểm từ hai môn này bằng phương pháp... thuộc lòng. Trường THPT Lê Minh Xuân, TP.HCM đã tăng tiết kể từ đầu năm học, hiện nhà trường đã tăng 45 tiết cho các môn thi tốt nghiệp, đặc biệt chú trọng hai môn sử, địa. Từ đầu học kỳ 2, những HS yếu kém đều được tổ chức học phụ đạo không thu tiền, bên cạnh đó giáo viên cũng tích cực gặp gỡ phụ huynh của HS yếu kém để động viên, thuyết phục việc kèm cặp con em học tập.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Tiến, hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong, quận 7, lại cho biết: theo dõi vài năm nay thì tỉ lệ điểm các môn sử, địa ở thành phố khá thấp. Hiện nay đề thi tập trung nhiều vào kỹ năng phân tích, bình luận mà HS yếu lại hạn chế các kỹ năng này. Vì vậy nhà trường tập trung bồi dưỡng từng môn yếu của từng HS chứ không tập trung đầu tư vào sử và địa. Ông Tiến cũng cho biết sau đợt kiểm tra học kỳ 2, kết quả cho thấy HS yếu chiếm khoảng 20%, trong đó có nhiều em “không muốn học” dù nhà trường đã kết hợp với gia đình động viên tham gia các lớp “phụ đạo đặc biệt”.
Mô hình “lớp đặc biệt” năm nay tiếp tục mở rộng ở nhiều trường THPT tại Hà Nội, đặc biệt là các trường tốp dưới. Tại Trường THPT Phan Huy Chú, cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng nhà trường, cho biết “đây là năm thứ ba trường tổ chức lớp học này”. Năm 2011, mặc dù có một số HS hổng kiến thức rất nhiều nhưng kết quả thi rất bất ngờ - 100% HS lớp đặc biệt đều đỗ, có em đỗ khá cao. Lớp này hiện có 22 em với 22 nguyên nhân học yếu khác nhau: hổng kiến thức, gia đình trục trặc, ham chơi... “Không thể gây căng thẳng, dùng những lời lẽ đao to búa lớn với HS yếu, tôi chọn giải pháp nhắn tin. Ngày nào tôi cũng nhắn tin, khi thì nhắn cho lớp trưởng, có khi nhắn cho từng HS. Các em cần điều chỉnh cái gì, có khuyết điểm cần khắc phục thế nào, tôi nhắn tin chia sẻ, khuyên bảo thế đó” - cô Nhiếp cho biết.
Theo một số thầy cô giáo của các Trường THPT Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng (Hà Nội), với các HS yếu, cách củng cố kiến thức phải cực kỳ linh hoạt. Thầy Thành - một giáo viên toán của trường - cho biết: “Đêm tôi hay thức khuya vì các em hỏi bài qua chat. Dù mệt nhưng tôi vui vì các em đã thấy việc học là quan trọng và thể hiện quyết tâm. Giá việc tự học này được duy trì trong cả quá trình thì đỡ cực”.
Ngoài kèm sát HS bằng phương pháp nhắn tin, chat, trò chuyện..., các hình thức truyền thống khác như thi thử, vấn đáp cũng được áp dụng triệt để nhằm vực dậy HS yếu.
Giá như công tác phân luồng tốt hơn Hiệu trưởng một trường THPT tại Bình Tân, TP.HCM có tới 30% HS yếu tâm tư: “Giá như công tác phân luồng tốt hơn để những em không có lực học tìm được hướng đi đúng cho mình ở các trường nghề. Tránh tình trạng mỗi năm trường phổ thông nhận thêm hàng trăm HS nhưng có những em không học nổi, bỏ học, rớt tốt nghiệp. Trong khi đó, áp lực từ trên xuống luôn đặt nhà trường vào tình thế phải hạn chế tối đa số rớt tốt nghiệp. Ai cũng mong con em ở địa phương mình có một tương lai tốt đẹp hơn nên thầy cô cũng cố gắng rất vất vả, nhưng hiệu quả thì... hên xui”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận