08/08/2022 09:16 GMT+7

Dọn phòng, góp tiền đón phụ huynh xuống núi 'đi học'

LINH TRANG
LINH TRANG

TTO - Ở một ngôi trường trên núi cao tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cứ đầu tuần có những tốp trẻ sách cặp lỉnh kỉnh chạy theo gót chân người lớn tuổi để xuống núi học chữ.

Dọn phòng, góp tiền đón phụ huynh xuống núi đi học - Ảnh 1.

Các “học sinh” đặc biệt ở Trường Trà Nam phụ giúp nhà bếp dọn dẹp phòng ốc, nấu ăn trong lúc đợi con trẻ học chữ trên lớp - Ảnh: LINH TRANG

Suốt một tuần lễ dưới "đồng bằng", những đại diện của làng được thầy cô giữ lại nuôi ăn ở để cuối tuần đón trẻ về lại núi.

Trời vừa ửng sáng, mặt trời như khối cầu lửa lù lù rời khỏi đỉnh núi sáng bừng núi rừng. Tiếng chân người rậm rịch, tiếng thình thịch lớn dần ngoài bìa rừng. Một đám trẻ có lẽ đã cuốc bộ xuống Trường Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) học chữ trong đôi chân bê bết bùn đất.

Ở trường vui hơn ở nhà, được gần con cháu lại được ăn cơm ngon, ăn ở sạch sẽ và được học các thầy cô rất nhiều thứ.

Bà Hồ Thị Thắng

Những "học trò U70"

Vừa đến cổng trường, lũ trẻ được hướng dẫn cởi bỏ sách vở, rửa sạch bàn chân cùng đôi dép nhựa để vào trường. Dẫn đầu tốp trẻ này là một người phụ nữ lớn tuổi, đôi lưng đã còng ngoặt, mắt chi chít vết chân chim, miệng loẻn nhoẻn nhai trầu. 

"Học sinh" này nói bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ rằng tên mình là Hồ Thị Nào (70 tuổi), nhà ở thôn 1, nóc Măng Dí, xã Trà Nam. Theo lịch phân công của bà con trong nóc, tháng này bà Nào tới phiên dẫn các cháu xuống trường. 

Bà nói rằng thông thường thì cứ đầu giờ chiều thứ bảy là bà và mấy đứa cháu học ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Trà Nam lại xuống núi để đến trường nghỉ ngơi trước khi màn đêm đổ xuống, nhưng do trong làng có việc nên tờ mờ sáng đầu tuần mấy bà cháu mới đi được. 

"Đường xa lắm, làng ở trên núi kia kìa nên không có đường đi xe máy, mình cùng con cháu phải đi bộ thôi. Cứ đi như thế khi nào tới thì mới biết" - bà Nào nói.

Sáng đầu tuần, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Trà Nam chộn rộn giữa bốn bề rừng núi. Lũ trẻ dậy sớm để tập thể dục, ôn bài bắt đầu cho tuần học mới làm cả cánh rừng thức giấc. Ở dưới gian nhà nấu ăn và các căn phòng ở của học sinh, những người lớn tuổi cũng đã thức giấc. 

Họ nằm trên giường, nói với nhau gì đó bằng ngôn ngữ địa phương rồi nhanh chóng dậy xếp dọn chăn màn, cầm chổi quét sạch phòng ốc, hối thúc mấy đứa trẻ đang chạy loăng quăng ngoài sân vào làm vệ sinh để ăn sáng chuẩn bị vào lớp học. Khi lũ trẻ đã vào các lớp, các "học sinh" đặc biệt này lại cùng nhau qua nhà bếp để nhặt rau, rửa cá, phụ nấu bữa trưa cho trẻ.

Có chừng 10 người lớn tuổi như thế được cho ở xen kẽ, bố trí giường chiếu, chăn màn ăn ngủ trong ký túc xá chung với tổng cộng 323 học sinh. Các thầy cô ở Trường Trà Nam gọi vui về những phụ huynh lớn tuổi này là những "học trò U70" bởi họ cũng rời làng, cũng mang hành lý đi bộ theo con cháu xuống trường từ đầu tuần và trở về làng vào mỗi bận cuối tuần như những học sinh trên các nóc giữa lưng chừng núi. 

Đây là một mô hình tổ chức hỗ trợ học tập đặc biệt được nhà trường, các phụ huynh cùng dân bản làng đồng ý phối hợp tổ chức được duy trì từ nhiều năm nay và góp phần đưa tỉ lệ trẻ đến trường đạt 100% ở Trường Trà Nam.

Dọn phòng, góp tiền đón phụ huynh xuống núi đi học - Ảnh 3.

Bà Hồ Thị Thắng, nhà ở thôn 1, nóc Tắk Vinh, nhiều tháng nay được giao nhiệm vụ dẫn trẻ con ở làng xuống trường đi học - Ảnh: LINH TRANG

Chân trần bám đá vượt núi đến trường

Thầy giáo trẻ Võ Đăng Chín - một người thầy "nổi tiếng" trong làng giáo viên cắm nóc dạy chữ quanh núi Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My nhiều năm qua - hào hứng khi kể về mô hình hỗ trợ học tập độc nhất vô nhị ở trường mình. 

Theo thầy Chín, Trường Trà Nam là ngôi trường vùng khó khăn, 100% học sinh là con em của đồng bào Xê Đăng, đời sống của bà con chủ yếu bám quanh năm vào hạt thóc, lọn lúa trên nương rẫy nên rất vất vả. Trong tổng số 323 học sinh thì Trường Trà Nam chia ra hai cấp học gồm 182 học sinh tiểu học và 139 học sinh khối THCS.

Thầy Chín cho biết để đến được trường, học sinh các ngôi làng nằm biệt lập trên núi cao phải đi bộ hàng giờ. Thậm chí có ngôi làng cách điểm trường chính tới 20km, không có đường đi xe máy. 

Trước đây giáo viên lên điểm trường tổ chức dạy chữ ngay tại chỗ, nhưng các điểm trường được xóa bỏ để quy tụ học sinh về tập trung nuôi dạy, ăn học tại điểm trường chính như hiện nay. Vì đường quá xa, lâu nay học sinh ở các ngôi làng được bố mẹ, người thân cắt cử nhau dẫn đi bộ xuống quanh trường rồi dựng lán ăn ở để học chữ, cuối tuần lại đón về.

Từ năm 2021, nhận thấy việc phụ huynh dựng lán quanh trường làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến giờ giấc của trẻ nên Trường Trà Nam đã dẹp các nhà tạm, đưa học sinh lẫn phụ huynh vào trong trường nuôi ăn, cho đi học. 

Để có kinh phí ăn ở cho các phụ huynh, các thầy cô đã phải chắt bóp các khoản chi tiêu thường xuyên, vận động các nhà hảo tâm và góp tiền túi để đong thêm gạo, mua thức ăn giữ phụ huynh ở lại. Chính họ là những người sẽ giúp thầy cô giữ trẻ duy trì trên lớp hằng ngày.

Hiện nay, toàn bộ học sinh ở Trường Trà Nam đang ở rải rác tại 7 nóc. Tất cả đều phải đi bộ đường rừng. Từ lúc lên 6 tuổi, những đứa trẻ ở đây phải trải qua một hành trình thử thách đầy khắc nghiệt để đến với trường lớp. Đó là phải lội bộ bằng đôi chân yếu ớt vượt hàng chục cây số giữa núi rừng, mưa gió để đến trường học chữ.

Thương con trẻ trong hành trình bất trắc và tội nghiệp này, các ngôi làng đã cắt cử luân phiên nhau mỗi làng 1-2 người phụ trách dẫn trẻ xuống núi vào đầu tuần, chiều thứ sáu lũ trẻ lại lếch thếch bám gót chân người lớn cuốc bộ ngược núi về làng ăn bữa cơm với cha mẹ một hôm rồi lại trở lại trường.

Theo thầy Võ Đăng Chín, đa số các đại diện được người các làng cử đi là người đã lớn tuổi, chưa tới nỗi già yếu hẳn nhưng vẫn đủ sức đi bộ để dẫn trẻ vượt đường xa tới trường an toàn. Những người này ở nhà cũng ít đi nương rẫy dần, việc của họ hiện giờ là đưa trẻ đến trường thay bà con mỗi tuần.

Bà Hồ Thị Thắng - nhà ở thôn 1, nóc Tắk Vinh, nhiều tháng nay được giao nhiệm vụ dẫn trẻ con ở làng xuống trường đi học chữ - cho biết làng của bà cách điểm trường chính chừng 3 giờ đi bộ. "Đi xa mệt lắm, cái đầu gối đau nhức, trẻ con cũng kêu mệt, nhất là những ngày có mưa lạnh. Nhưng không đi xuống núi thì không có cái chữ nên mình cũng cố gắng, xuống trường cũng vui lắm" - bà Thắng nói. 

Trong gần chục đứa trẻ đang theo học các lớp từ 1 đến lớp 9 tại trường, bà Thắng có hai con ruột gồm một con học lớp 8, một con mới vào lớp 1. Vì đường quá xa, sợ con cháu đi xuống trường không an toàn nên bà nghỉ việc đi rẫy, dẫn lũ trẻ về trường rồi ở lại đó cuối tuần dẫn ngược lên nóc.

Trẻ học chữ, người lớn học làm ăn

Để hỗ trợ các phụ huynh yên tâm ở lại trường, các thầy cô giáo ở Trường Trà Nam đã gom góp tiền lương, huy động các nguồn giúp đỡ, hỗ trợ để tổ chức cơm nước, chỗ nghỉ ngơi cho các phụ huynh.

Hằng ngày, trong khi con cháu đang ê a đọc chữ vang rộn trên lớp học thì ở dưới các khu ký túc xá các "bô lão" cũng tranh thủ tụm lại dọn dẹp, xếp chăn màn, lau rửa chén bát phụ nấu ăn cho các thầy cô, nhân viên cấp dưỡng.

Các bà, các mẹ lớn tuổi cho biết ngoài việc hỗ trợ con cháu khi ở lại trường, họ còn được các thầy cô dạy cho cách trồng cây, cách chăn nuôi làm sao cho con trâu con bò, con heo không ốm chết.

Nhiều người lớn tuổi không biết chữ còn được dạy rồi tự mình mò mẫm một trang sách. "Ở trường vui hơn ở nhà, được gần con cháu lại được ăn cơm ngon, ăn ở sạch sẽ và được học các thầy cô rất nhiều thứ" - bà Hồ Thị Thắng nói.

Công nhân góp tiền tặng quà người vô gia cư, đêm mưa lạnh ấm áp nghĩa tình Công nhân góp tiền tặng quà người vô gia cư, đêm mưa lạnh ấm áp nghĩa tình

TTO - 0h. Ba chiếc xe máy của một nhóm công nhân từ quận 12 (TP.HCM) lòng vòng khắp các trục đường quanh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chợ Bà Chiểu đến nhà thờ Tân Định.

LINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nam Trà My Quảng Nam