18/11/2022 09:17 GMT+7

Dồn nguồn lực cho Đông Nam Bộ

BẢO NGỌC thực hiện
BẢO NGỌC thực hiện

TTO - 15 năm qua, Đông Nam Bộ luôn đóng góp trên 30% GDP và trên 40% thu ngân sách cả nước. Do đó, cần tập trung đầu tư cho Đông Nam Bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật để vùng luôn giữ vai trò là động lực tăng trưởng của cả nước.

Dồn nguồn lực cho Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Theo dự thảo chương trình hành động của Chính phủ, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính khu vực năm 2030 . Trong ảnh: khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Trần Duy Đông, thứ trưởng Bộ KH-ĐT, người trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về chương trình này. 

Ông Đông nói: Chương trình hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển vùng được nêu trong nghị quyết 24 ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với trọng tâm phát triển vùng thành trung tâm công nghiệp, công nghệ, tài chính khu vực vào năm 2030.

Dồn nguồn lực cho Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Ông Trần Duy Đông, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ảnh: HỮU HẠNH

* Về tiềm lực, tiềm năng, vai trò và lợi thế, theo ông, đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa vùng Đông Nam Bộ với các vùng khác?

- Vùng Đông Nam Bộ có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, là đầu mối giao lưu quan trọng của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, vùng còn có hệ thống cảng biển nước sâu với năng lực vận chuyển hàng hóa thông qua chiếm 62% khối lượng hàng hóa vận chuyển container qua cảng biển toàn quốc.

Đặc biệt, hệ thống cảng Sài Gòn (Tân Cảng Cát Lái, Cái Mép, Hiệp Phước...) đóng vai trò là cửa ngõ của miền Nam trong các hoạt động ngoại thương, đứng trong top 20 cảng lớn nhất thế giới năm 2020. 

Ngoài ra, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có lưu lượng vận chuyển hành khách trong nước và quốc tế lớn nhất cả nước, sân bay quốc tế Long Thành đang được khẩn trương xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2025.

Dồn nguồn lực cho Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Công nhân thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch kết nối hệ thống giao thông vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Các địa phương trong vùng sẽ được định hướng phát triển như thế nào để khai thác tối đa lợi thế riêng trong tổng thể không gian kinh tế vùng?

- Từng địa phương trong vùng sẽ có những định hướng phát triển riêng. Chẳng hạn, Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. TP Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Tiểu vùng trung tâm gồm TP.HCM, khu vực phía nam tỉnh Bình Dương, tây nam tỉnh Đồng Nai sẽ là trung tâm phát triển của toàn vùng, nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục - đào tạo, y tế và đầu mối giao thương với quốc tế. 

TP.HCM là đô thị hạt nhân sẽ tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế. Thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế.

Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển như cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. 

Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Tiểu vùng phía bắc gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía bắc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là khu phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng...

Dồn nguồn lực cho Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: TUẤN ANH

* Nhưng hạ tầng tụt hậu là rào cản với phát triển TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ những năm qua, vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào trong chương trình hành động này?

- Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP.HCM.

Cụ thể, đến năm 2026 sẽ hoàn thành đường vành đai 3 TP.HCM và mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành đường vành đai 4 TP.HCM. Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc theo quy hoạch đã duyệt như Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa.

Nâng cấp, mở rộng hệ thống cao tốc, quốc lộ: TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến kết nối sân bay quốc tế Long Thành. Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM. Đẩy nhanh, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu; tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đầu tư mở rộng sân bay Côn Đảo; sớm khôi phục, nâng cấp sân bay Biên Hòa thành lưỡng dụng cấp 4E. 

Phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang đường vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng.

Dồn nguồn lực cho Đông Nam Bộ - Ảnh 5.

Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Đ.H.

* Với một chương trình hành động này, theo ông, diện mạo vùng Đông Nam Bộ sẽ như thế nào vào năm 2030?

- Đông Nam Bộ sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực, đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết.

Đô thị lớn nhất vùng là TP.HCM sẽ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Những mục tiêu của chương trình

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (tăng GRDP) của vùng Đông Nam Bộ bình quân hằng năm đạt từ 8 - 8,5% trong giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người của vùng theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD. Về cơ cấu kinh tế vùng, khu vực dịch vụ chiếm 41,7%, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 7%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%, đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10.000 dân...

Dồn nguồn lực cho Đông Nam Bộ - Ảnh 7.

Khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: TỰ TRUNG

* TS Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng):

Phải tạo động lực phát triển cho vùng

1a855ad9187dde23876c 1(Read-Only)

Vùng Đông Nam Bộ sẽ đạt được mục tiêu GDP bình quân đầu người vào năm 2030 là 14.500 USD nếu như quy mô dân số vùng khoảng 20 triệu người, đồng thời giữ được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 8%/năm từ nay tới đó.

Và để đạt được mục tiêu này, các nút thắt lớn trong vùng cần được tháo gỡ. Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã định hướng phát triển vùng Đông Nam Bộ khá rõ, phù hợp với thế mạnh của vùng, đồng thời xây dựng thể chế đủ mạnh, phù hợp để khai thác tiềm lực, vị thế của vùng. Nghị quyết cũng xác định rõ cơ chế phối hợp phát triển liên vùng để phát huy tối đa lợi thế của mỗi địa phương. Vì thế, chương trình hành động của Chính phủ cần cụ thể các định hướng lớn trong nghị quyết của Bộ Chính trị theo hai nhóm vấn đề lớn là tập trung nguồn lực bằng nhiều hình thức để hoàn thành các công trình giao thông kết nối vùng.

Hơn nữa, vùng Đông Nam Bộ tập trung các địa phương có đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia, do đó phải tạo động lực để cho cái bánh ngân sách của vùng lớn lên, vừa lợi cho vùng vừa lợi cho đất nước.

* Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Đại học Fulbright VN):

Không cho tiền thì phải cho cơ chế

59f14f6e0ccaca9493db 1(Read-Only)

Vùng Đông Nam Bộ đang có hai nút thắt lớn là hạ tầng và thể chế. Đây là vùng tập trung mật độ dân cư, mật độ kinh tế rất cao, khối lượng hàng hóa lưu chuyển nội vùng và quốc tế rất lớn, dày đặc hơn bất kỳ nơi nào của VN và cả khu vực Đông Nam Á, nhưng cơ sở hạ tầng của vùng lại tắc nghẽn hàng thập niên vừa qua, từ đường bộ, sân bay, cảng biển, hạ tầng đô thị đều tắc hết.

Giao thông liên kết vùng không đáp ứng yêu cầu phát triển, hạ tầng kết nối với các cảng biển chiến lược như cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải chưa đồng bộ, đầu tư cảng rồi nhưng lại không đầu tư hạ tầng kết nối. Sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cả dưới đất và trên bầu trời, trong khi dự án mở rộng sân bay triển khai rất chậm, sân bay Long Thành thì giờ mới đầu tư. Sự tắc nghẽn hạ tầng trong vùng Đông Nam Bộ đang làm tăng chi phí kinh tế, giảm lợi thế cạnh tranh, động lực tăng trưởng của các địa phương trong vùng. Chúng ta hay nói Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế cả nước, nhưng đầu tàu này đang chạy quá chậm vì có quá nhiều rào cản.

Nút thắt thứ hai là thể chế, cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng. Chúng ta may chiếc áo thể chế chung cho 63 tỉnh, thành phố sẽ không thể nào phù hợp cho các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.

Các địa phương trong vùng cần chiếc áo thể chế rộng hơn để phát triển nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Vì thế, phải tăng phân cấp, phân quyền cho vùng đi đôi với việc tăng trách nhiệm giải trình, có những thẩm quyền trước đây thuộc Thủ tướng, các bộ, ngành giờ cần mạnh dạn phân cấp cho TP.HCM và một số địa phương tự quyết.

Ví dụ như quyết định chủ trương đầu tư một số dự án hạ tầng hay cơ chế chính sách trả lương cho cán bộ công chức, quyết định chuyển đổi đất đai.

Đằng sau tình trạng thiếu nguồn lực phát triển hạ tầng của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ là thiếu cơ chế, nên nếu không cho các địa phương trong vùng ngân sách, phải cho họ cơ chế huy động nguồn lực. Chẳng hạn như cho tăng hạn mức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu đô thị, cơ chế huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, từ đất đai...

B.NGỌC ghi

Dồn nguồn lực cho Đông Nam Bộ - Ảnh 13.

Phương tiện ùn tắc trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông Phan Văn Mãi (chủ tịch UBND TP.HCM):

Sớm mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành

phan van mai tttr 1(Read-Only)

Triển khai nghị quyết 24 là công việc phải thực hiện trong nhiều năm. Trước mắt, TP sẽ tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và năng suất lao động cao. TP sẽ tập trung phát triển kinh tế dịch vụ theo hướng phát triển dịch vụ mới và giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại - du lịch - logistics quốc tế, trung tâm đào tạo nhân lực.

TP cũng sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng để xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2030. Trước mắt, phối hợp triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian qua, TP đang làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như đường vành đai 3, vành đai 4.

Để phát huy các dự án đó trong tương lai và đón đầu việc khánh thành sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, TP sẽ tập trung xây dựng nút giao thông An Phú, nối các đoạn của đường vành đai 2 và cùng với Đồng Nai nghiên cứu các cầu nối quận 7 và TP Thủ Đức (TP.HCM) với Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) nhằm mở rộng không gian phát triển ở phía đông.

TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm mở rộng đường cao tốc đoạn nối đường dẫn TP.HCM đến sân bay Long Thành. Đây là dự án rất huyết mạch để giải quyết bài toán giao thông cho sân bay Long Thành.

TIẾN LONG ghi

* Ông Phạm Trọng Nhân (giám đốc Sở KH-ĐT Bình Dương):

Cần cơ chế "tháo bung" nguồn lực cho Đông Nam Bộ

130ed5d8947c52220b6d 1(Read-Only)

Các mục tiêu đặt ra cho Bình Dương nói riêng và vùng Đông Nam Bộ được nêu rất rõ ràng, nhưng rất cần những cơ chế đặc thù và nguồn lực phù hợp để "tháo bung" thế mạnh cho vùng. Theo tôi, để "cởi trói" nguồn lực cho các tỉnh Đông Nam Bộ, không nên để các địa phương này khoác lên mình chiếc áo "đồng phục thể chế" mà cần có những chính sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Ví dụ, Bình Dương là tỉnh có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn, tốc độ tăng dân số cơ học cao, người dân từ nhiều nơi đến làm ăn sinh sống nhưng chỉ tiêu về cán bộ lại quy định không khác gì các tỉnh khác, thậm chí thấp hơn nhiều tỉnh.

Một ví dụ khác, vùng Đông Nam Bộ luôn được xem là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng có rất ít đường cao tốc (Bình Dương chưa có km cao tốc nào) đi qua. Tỉ lệ ngân sách giữ lại của các địa phương trong vùng cũng khá thấp, như Bình Dương chỉ là 33%. Nếu tăng tỉ lệ ngân sách được giữ lại, các địa phương sẽ có điều kiện đầu tư để mang lại hiệu quả lớn hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc gia...

Trước mắt, cần sớm hoàn thành quy hoạch vùng làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khung, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối vùng như đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép... Ngoài ra, cần sớm đầu tư hệ thống cảng dọc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai để "đánh thức" tiềm năng của hai con sông kết nối vùng này, bởi đến nay vẫn chưa phát huy hết thế mạnh vốn có của nó.

BÁ SƠN ghi

* Ông Nguyễn Thanh Ngọc (chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh):

Sớm triển khai các tuyến giao thông kết nối vùng

1f6b99bbe71f2141780e 1(Read-Only)

Tây Ninh được xác định có vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế phía tây bắc của TP.HCM với động lực phát triển kinh tế là trục vận chuyển hàng hóa, công nghiệp đa ngành, kết hợp phát triển nông nghiệp chuyên canh... khai thác tối đa lợi thế các khu kinh tế cửa khẩu (đặc biệt là Mộc Bài).

Do đó, chúng tôi ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh và các tuyến giao thông liên tỉnh, liên vùng, đồng thời phát triển hệ thống hạ tầng logistics để tạo nền tảng "huyết mạch" hỗ trợ phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, việc quy hoạch, đầu tư, phát triển giao thông liên vùng rất quan trọng. Đặc biệt, cần sớm triển khai các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hệ thống cảng biển.

CHÂU TUẤN ghi

Tổng bí thư giải thích rõ về nghị quyết mới cho vùng Đông Nam Bộ Tổng bí thư giải thích rõ về nghị quyết mới cho vùng Đông Nam Bộ

TTO - Bài phát biểu kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị tập trung vào trả lời 3 câu hỏi mấu chốt cho nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.

BẢO NGỌC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên