08/08/2020 12:44 GMT+7

Đời ve chai - tìm miếng ăn từ rác - Kỳ cuối: Nước mắt, nụ cười xóm ve chai

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - 'Lấy mớ rau này về nấu canh đi con, mẹ trồng không phân thuốc gì nên ngon lắm. Cầm thêm lốc nước này về cho tụi nhỏ uống nha. Để đây, bố mẹ cũng không uống hết đâu' - bà Nguyễn Thị Duyệt lúi húi treo mớ đồ lên xe rồi dặn dò dâu, rể.

Đời ve chai - tìm miếng ăn từ rác - Kỳ cuối: Nước mắt, nụ cười xóm ve chai - Ảnh 1.

Bà Duyệt trồng rau sạch để cho con cháu - Ảnh: THÀNH NHƠN


"Mấy chục năm vào Sài Gòn, anh chị tích góp mua ximăng, gạch đá để sẵn rồi. Đợi thằng con có gia đình, mình về quê cất căn nhà nhỏ, buôn bán lặt vặt kiếm sống. Đời ve chai cực nhọc, nhưng nhờ nó mà con cái ăn học thành tài.

Chị TRẦN THỊ OANH

Đó là cách những người nhặt ve chai lo lắng cho con cháu của mình. Họ vẫn chạy ăn từng bữa nhưng tình thân gia đình luôn đong đầy cảm xúc.

Niềm tự hào của những người mẹ nhặt ve chai

Hôm tôi chia tay xóm trọ sau gần hai tháng ở đây cũng là ngày hai người con ruột cùng dâu, rể ghé thăm chú Bình và cô Duyệt. Tranh thủ những ngày nghỉ hè, họ gửi cháu cho cô chú chăm sóc để thuận tay làm công việc và cũng là dịp cho cháu gần gũi ông bà.

Tôi cảm nhận được tình thương cô chú dành cho con cháu khi bữa cơm hằng ngày có thêm tí cá thịt. Nhiều bữa ăn có cả cánh gà chiên nước mắm, thịt ram mặn dù chỉ gắp vài đũa là hết. Những bữa được mời ăn chung với gia đình cô chú, tôi chỉ ăn rau và giả vờ không thích những món ăn đó để nhường lại cho bọn trẻ.

Ở cùng xóm trọ ve chai, tôi thấu hiểu họ rất nghèo nhưng không phải lúc nào cũng dè sẻn, chi li tiền bạc. Có lần tôi tình cờ nghe người con gọi điện xin cô Duyệt ít tiền vì đang kẹt. Cô tâm sự với tôi mấy đứa con đứa nào cũng nghèo khó. Ngoài con đầu đang ở quê, hai người con sau đều vào TP.HCM làm thuê kiếm sống.

"Tụi nó cũng không khá khẩm gì, cô chú giúp được gì cứ giúp. Chúng cũng hụt trước hụt sau, nhiều lần phải gọi điện mượn tiền. Cô chú lượm ve chai kiếm tiền nhọc nhằn lắm, nhưng giúp được gì con cháu thì ráng giúp" - cô Duyệt tâm sự.

Thời gian sống chung với mấy đứa cháu nhỏ, tôi nhận thấy chú Bình và cô Duyệt vui hẳn. Thỉnh thoảng, cô mang về cây kem, bịch snack, kể cả mấy món đồ chơi ve chai bị ai đó vất bỏ và rửa sạch lại cho các cháu.

Những ngày cuối tuần ở xóm trọ, tôi cũng hay thấy hai người con ghé thăm chị Trần Thị Oanh, người nhặt ve chai đối diện phòng tôi ở trọ. Và đó là những lúc căn phòng nhỏ bé, tối tăm rộn tiếng cười ấm cúng.

Chị tâm sự hồi đầu hai vợ chồng vào Nam lập nghiệp, con cái phải gửi lại quê cho ông bà nội giữ. Khi đứa đầu học lớp 9, đứa thứ hai học lớp 7 thì chị về quê dắt vào Nam nhập học.

"Nhớ hoài ngày chị với ổng quần áo lấm lem, cầm hồ sơ vô trường xin học cho tụi nó. Lúc đó, chuyện nhập học cho mấy đứa nhỏ quê vào Sài Gòn khó dữ lắm. Chị trình bày hoàn cảnh, thầy hiệu trưởng thấy thương hay sao đó đã quyết định nhận hai đứa nhỏ.

Phong bì 200.000 đồng chị chuẩn bị sẵn, thầy kiên quyết không nhận. Thiệt chị với ảnh mừng rớt nước mắt" - chị Oanh tâm sự.

Biết hoàn cảnh cha mẹ khổ cực, chắt chiu từng đồng lo cuộc sống nơi thành thị đắt đỏ nên hai người con của chị Oanh đều cố gắng học hành. Kết quả học tập những năm phổ thông và đại học luôn nằm trong tốp xuất sắc của lớp, của trường.

"Tụi nó học đại học chị không tốn đồng học phí nào cả. Thời gian rảnh tụi nó đi làm gia sư, phục vụ quán cà phê rồi làm đủ thứ công việc lặt vặt khác. Thấu hoàn cảnh của cha mẹ nên không đứa nào đua đòi, hư hỏng" - chị Oanh trải lòng một cách đầy tự hào về hai đứa con học giỏi của người mẹ nhặt ve chai.

Hiện người con trai đầu của chị đang làm quản lý nhà hàng ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) trong khi người con gái út đang kinh doanh cửa hàng thức ăn nhanh. Ở xóm trọ ve chai, không riêng chị Oanh mà nhiều người khác cũng có con đang học đại học, cao đẳng tại các trường danh tiếng.

Chẳng hạn, con anh Tấn đang học sĩ quan lục quân, con anh Yên đang học Đại học Y dược... Tôi biết nhiều cha mẹ nghèo, chắt chiu nuôi con học hành thành tài. Nhưng thật sự sống bên họ, cùng nhọc nhằn kiếm miếng cơm manh áo với họ, tôi càng hiểu và càng cảm phục hơn.

Tuy vậy, không phải ai cũng có được niềm vui từ con cái. Kế vách phòng tôi là một đôi vợ chồng miền Tây làm thợ xây cho những công trình chung cư gần đó. Một đêm, tôi nghe tiếng khóc rấm rứt từ chị Bảy Mung.

"Tía má đâu phải như con rắn lột da, con cua lột vỏ mà sống hoài với tụi bây được. Nói nặng mới một tí mà tụi bây đã dọn phòng bỏ đi, cũng chẳng nói năng tiếng nào" - chị Mung buông lời trách con.

Nói vậy nhưng hôm sau tôi lại thấy chị dúi tiền cho người con dâu, rồi thỏ thẻ: "Má cho hai triệu nè, lấy đóng tiền trọ đi con. Qua đó làm chưa có lương lậu thì lấy gì mà sống. Để bữa nào người ta trả phòng má kêu tụi bây dọn về lại". Buổi chiều, thấy chị giặt đồ phía trước phòng, tôi hỏi thăm chuyện gia đình.

"Giận quá nên buông lời trách mắng tụi nó chứ bình tâm lại thì thấy thương. Không biết tụi nó ăn ở, sinh sống ra sao nên mình khóc. Ba má thấy con cái sống khổ cực, ai không khỏi xót lòng hả em" - chị Bảy Mung trải lòng.

Đời ve chai - tìm miếng ăn từ rác - Kỳ cuối: Nước mắt, nụ cười xóm ve chai - Ảnh 3.

Những đứa trẻ nơi xóm nghèo - Ảnh: THÀNH NHƠN

Và thương các trẻ kém may mắn

Xóm trọ tôi ở hẻm Hoa Sữa trên đường Phạm Hùng nối dài (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) có khoảng vài chục đứa con nít theo cha mẹ vào Nam mưu sinh.

Bé Tiên, con gái út của chị Mung, thường ở nhà một mình mỗi khi cha mẹ đi làm. Em mới học xong lớp 2, đang nghỉ hè chờ ngày nhận lớp mới. Hằng ngày qua phòng, tôi đều thấy em cầm điện thoại, mở các kênh mạng xã hội mà không có bất kỳ ai kiểm soát.

"Học nhiều như cá kho tiêu/ Kho nhiều thì mặn, học nhiều thì ngu". Tôi nhớ có lần phát hoảng khi nghe những nội dung mà cô bé đã "tiếp nhận" từ mạng xã hội. Tôi hiểu và thương em, bởi ba mẹ phải tất bật làm kiếm tiền lo cuộc sống và xung quanh xóm trọ chẳng có sân chơi nào cho trẻ nhỏ.

Đám trẻ xóm tôi trọ có thể thuộc làu làu những ca khúc rap có lời vô cùng nhảm nhí hoặc lời rao giảng "đạo lý" tầm phào từ một "giang hồ mạng" nào đó. Tôi thấy rất nhiều trẻ suốt ngày cắm đầu vào điện thoại chơi game. Lần hiếm hoi tôi thấy các em òa ra sân chơi là lúc cả xóm cúp điện.

"Bỏ điện thoại ăn cơm", "coi gì mà coi hoài vậy"... Người lớn nhắc nhở hầu như mỗi ngày và trẻ con thì cứ làm điều mình thích khi cha mẹ phải ra ngoài mưu sinh.

Em Quân (13 tuổi) cũng theo cha mẹ từ Gia Lai vào Nam học tập. Nhập học trường mới, em không tiếp thu được chương trình học với lứa bạn ở thành phố. Kết quả, em phải học lại. Huy, em trai của Quân, cũng rất vất vả để hoàn thành chương trình lớp 1.

"Chương trình học khó lắm, không có giống như ở quê cháu" - Quân cho biết. Tôi xót xa cho em và xót xa cho cả cha mẹ em. Ngày ngày phải đổ mồ hôi kiếm sống, không phải ai cũng dạy bảo được con mình.

Những tia nắng cuối ngày lùi dần, màn đêm buông xuống trên mái tôn gỉ sét, đầy lỗ thủng. Rời xóm trọ ve chai nghèo khó mà tôi thấy thương các em nhỏ đang quanh quẩn đây, thương cả những em học hành được và những em đang gặp khó khăn.

Tôi biết mai này tôi sẽ rất nhớ các em, nhớ những ánh mắt, những nụ cười hồn nhiên bên các bao ve chai tả tơi và cha mẹ lúc nào cũng đẫm mồ hôi.

"Biết làm sao bây giờ"

Những ao tù đầy rác, bốc mùi hôi thối là môi trường sống lý tưởng cho ruồi, muỗi, gián, thậm chí cả rắn rết ở xóm trọ nghèo này... Hầu hết đám trẻ đều chi chít vết côn trùng cắn, chích. Chúng cũng quen việc đi cầu tõm sau nhà, quen với khoảng sân chật hẹp trước nhà không thể chơi đá banh, đùa giỡn mỗi chiều.

Tôi hay nhắc cha mẹ các bé chú ý muỗi mòng nguy hiểm cho con, nhưng họ nói "biết làm sao bây giờ"!

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 6: Trắng đêm nhặt mót miếng ăn Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 6: Trắng đêm nhặt mót miếng ăn

TTO - Mảnh tôn gỉ sét, miểng chai, kim chích, xác chuột chết là những thứ người nhặt ve chai đêm hay đụng phải trong bóng tối lờ mờ. Nhưng họ còn đối mặt với nhiều thứ đáng sợ hơn như đám 'ma men', bọn đua xe tử thần và cả dân nghiện ngập bất cần đời

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên