Và điều này tiếp tục đến ở Asian Cup 2023. Đội tuyển Việt Nam nhận thất bại từ những pha bóng thiếu kinh nghiệm lẫn thói quen xấu khi thi đấu ở giải đấu trong nước.
Thống kê buồn
Từ trận tứ kết gặp Nhật Bản ở Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam thua Nhật Bản 0-1 cũng từ một tình huống mà VAR phát hiện trung vệ Bùi Tiến Dũng giẫm vào chân cầu thủ đối phương trong vòng cấm.
Hơn 4 năm trôi qua, VAR dần trở thành một phần không thể thiếu của bóng đá thế giới. Ngay V-League cũng thử nghiệm công nghệ tiên tiến này từ cuối V-League 2023 trước khi chính thức áp dụng ở mùa giải năm nay. Nhưng tuyển Việt Nam vẫn luôn đón nhận kết quả bất lợi từ VAR mỗi khi ra đấu trường châu lục.
Theo thống kê của Asean Football, tuyển Việt Nam nhận đến 7 quả phạt đền trong 14 trận đấu có VAR ở Asian Cup 2019, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và Asian Cup 2023. 6 trong 7 quả phạt đền đó đều là bàn thắng quyết định, thay đổi cục diện trận đấu. Mỗi lần bị thổi phạt đền sau khi trọng tài tham khảo VAR, đội tuyển Việt Nam đều thua. Tính tổng cộng, đội tuyển Việt Nam thua 12 trận, hòa 1 và thắng 1.
Ngoài ra, VAR cũng "tặng" cho tuyển Việt Nam 3 thẻ đỏ. Tại Asian Cup 2023, tuyển Việt Nam nhận 2/8 bàn thua từ 3 quả phạt đền (1 quả Iraq sút không thành công) cùng 2 thẻ đỏ chỉ trong 3 trận vòng bảng.
Hệ lụy từ công tác trọng tài trong nước
Nhiều chuyên gia bóng đá, cựu trọng tài đã lên tiếng về việc cải cách, thay đổi tư duy công tác trọng tài ở các giải trong nước từ khi VAR bắt đầu có tác động đến kết quả các trận đấu của tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, gần 5 năm qua, mọi chuyện chưa có chuyển biến.
Hình ảnh trung vệ Thanh Bình kéo áo cầu thủ Indonesia trong thời gian dài trong vòng cấm hay pha tung đầu gối vào lưng cầu thủ Iraq của tiền vệ Khuất Văn Khang để lại hệ lụy đáng báo động với bóng đá Việt. Bởi đó là lỗi hành vi quá rõ ràng. Các cầu thủ Việt Nam vẫn duy trì thói quen xấu khi tranh chấp và đá tiểu xảo ở giải trong nước, ngay cả khi VAR đã có mặt ở V-League.
"Công tác đào tạo trọng tài nhiều năm qua rất chậm. Số lượng trọng tài làm tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trọng tài yếu kém thì dễ bị cầu thủ, ban huấn luyện rồi quan chức gây sức ép, dẫn đến công tác trọng tài không tốt", một cựu trọng tài V-League thừa nhận.
Do mới có 2 xe VAR nên V-League 2023 - 2024 chỉ có 2-4 trận đấu ở mỗi vòng đấu là có VAR và chỉ diễn ra ở các sân đấu phía Bắc. Vì điều này, các cầu thủ Việt Nam vẫn tồn tại thói quen cố gắng chơi bóng tiểu xảo qua mắt trọng tài.
Chưa kể, nhiều trọng tài cũng ngại rút thẻ trước các cầu thủ tên tuổi khi họ chơi tiểu xảo. "Làm trọng tài là phân định đúng sai chứ không phải thổi an toàn là hoàn thành nhiệm vụ. Đó mới là mấu chốt vấn đề".
Quyết liệt thay đổi
Thất bại của tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2023 đã giúp Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhìn ra những vấn đề, trong đó có chuyện VAR. Tổng thư ký VFF kiêm trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2023 Dương Nghiệp Khôi cho biết trong thời gian tới, VFF sẽ phối hợp với ban trọng tài hỗ trợ các tuyển thủ Việt Nam hiểu thêm về cách hoạt động của VAR, cùng thái độ ứng xử trên sân trong những trận đấu có VAR.
Đây là điều cần thiết bởi tuyển Việt Nam sẽ gặp Indonesia trong 2 trận đấu quan trọng ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 vào tháng 3 tới. Nếu tiếp tục mắc sai sót và bị VAR "trừng phạt", tuyển Việt Nam khó có thể thực hiện mục tiêu của mình. Tuy nhiên, hỗ trợ từ ban trọng tài chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là cầu thủ phải thay đổi tư duy chơi bóng của mình.
Trưởng Ban trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ cho rằng những thói quen xấu mà cầu thủ Việt Nam thể hiện ở các giải đấu châu lục đến từ một phần rất, rất nhỏ của V-League. Ông nói: "Hành động của Thanh Bình (kéo áo nhận 11m), Khuất Văn Khang (phạm lỗi nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân) là do họ chứ không phải do V-League hay do trọng tài Việt Nam. Cầu thủ Việt Nam phải tự điều chỉnh tư duy chơi bóng của mình".
Ông Hạ phân tích bóng đá Việt Nam khi chưa áp dụng VAR đã có nhiều trường hợp cầu thủ bị phạt nguội. Nhưng cầu thủ vẫn tiếp tục thói quen xấu của mình. Thậm chí giờ có VAR, mọi thứ vẫn không thay đổi, điều rất có hại cho bóng đá Việt Nam.
"Có VAR, cuộc chơi sòng phẳng hơn. Chúng ta phải dạy cho cầu thủ, kể cả không có VAR cũng thi đấu cho đàng hoàng. Cái đó là quan trọng nhất. Vào sân là chơi bóng đá chứ không phải dùng tiểu xảo và hãnh diện vì mình qua mặt được trọng tài. Nếu cầu thủ có tư duy đó là vứt, và đội tuyển sẽ càng bị thiệt thòi", ông Hạ nói thêm.
Ông Hạ cho biết: "Sau những tình huống xảy ra ở Asian Cup 2023, ban trọng tài sẽ nói chuyện với đội tuyển Việt Nam trước khi lên đường dự vòng loại thứ 2 World Cup 2026, để các tuyển thủ biết cần phải làm gì và giúp họ thi đấu chuẩn mực hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận