Trật tự viên trượt patin tạo nên một hình ảnh mới lạ cho phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: Ngọc Hiển |
Nhiều bạn trẻ và cả du khách nước ngoài hớn hở đến xin chụp hình rồi buông chung một câu: “Sao đội trật tự lại mang giày patin lạ quá vậy?”. Chưa kịp trả lời, từ bộ đàm vang lên tiếng bức bách của đội phó Đặng Văn Lượng yêu cầu cả đội chạy về gấp cuối đường đi bộ, đang có mất trật tự.
Ngay tức thì, nhóm này do anh Nguyễn Tấn Tài dẫn đầu tức tốc lấy đà, đẩy chân trượt trên đôi giày patin luồn lách qua dòng người đến ngay điểm có sự cố.
“Hôm nay đeo đôi giày patin mình đi nhanh hơn gấp mấy lần chứ thường ngày hơn 600m đoạn đường này mình đi bộ cũng phải gần năm phút” - anh Vũ Minh Trường (22 tuổi) nói.
Tham gia đội trật tự được hai năm nhưng đây là lần đầu tiên Trường thấy mình trở thành tâm điểm bởi ống kính máy chụp hình, điện thoại của du khách cứ liên tục chĩa vào mình mỗi khi đẩy chân trượt patin.
Anh Nguyễn Tấn Tài (27 tuổi) nhớ lại buổi đầu tiên anh ngã lia lịa vì chưa từng xỏ chân vào đôi giày này.
“Đêm về đôi chân tôi rộp lên, đau nhức khủng khiếp như nhấc lên không nổi vì chưa quen. Thế nhưng khoảng sau hai tuần tôi tiến bộ hẳn, có thể trượt thuần thục các động tác cơ bản trên đôi giày một line (một hàng bánh)” - anh Tài nói.
Dù cổ tay trái vẫn còn đau do trật khớp sau một cú ngã khi tập luyện nhưng tối đầu tiên ra quân, anh Tài vẫn thể hiện sự nhanh nhẹn trượt patin khi lách qua từng luồng người để nhắc nhở những người gánh hàng rong hay các bạn trẻ dắt súc vật vào phố đi bộ từ 3g chiều đến 11g đêm.
Theo anh Tài, khi mang giày patin, nếu có sự cố như trộm cắp, móc túi ở khoảng cách gần thì mình lấy đà nhanh, cơ động hơn và xử lý nhanh hơn chạy bộ.
Gia đình anh Robert Sura (32 tuổi, du khách Anh) đứng tần ngần trước tượng đài Bác Hồ xem đội trật tự trượt patin làm nhiệm vụ rồi anh hớn hở đến xin để con trai và vợ anh được chụp hình chung với đội.
Anh Sura cho biết từng đi du lịch nhiều nước, ở châu Âu anh từng thấy cảnh sát đi giày patin nhưng ở những thành phố châu Á thì đây là nơi đầu tiên anh thấy đội trật tự mang giày patin đi tuần rất thú vị.
Ông Nguyễn Thanh Tuyền, đội trưởng đội trật tự bảo vệ khách du lịch TP.HCM, cho biết 15 thành viên của đội, trong đó có hai bạn nữ, đã tập patin trong gần hai tháng để sử dụng giày này đi tuần.
Theo ông Tuyền, mang giày patin tuần tra sẽ giúp đội xử lý các tình huống nhanh hơn, hiệu quả hơn so với đi bộ. Giữa tháng 8, đội sẽ phân công những người có trình độ trượt patin cao hơn mang giày đi tuần tại khu vực chợ đêm Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố và hội trường Thống Nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận