27/11/2017 12:41 GMT+7

Đời thực lên phim: bà mẹ anh hùng đấu 200 tay súng

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Câu chuyện có thật ở Pakistan về một phụ nữ quả cảm dám đứng ra bảo vệ quyền lợi nhỏ bé của gia đình mình đã được đưa lên màn ảnh và có hi vọng tranh giải Oscar năm tới.

Khi những trận lũ năm 2010 quét sạch nhà cửa và kế sinh nhai, dân làng Qazi Ahmed Taluka ở tỉnh Sindh biết ai là kẻ chịu trách nhiệm: Jam Tamachi Unar - quan chức hội đồng tỉnh thuộc Đảng Nhân dân Pakistan.

Unar đã cho người chặn đường thoát lũ tự nhiên để bảo vệ khu đất của mình, nhấn chìm cả khu làng dưới 1m nước.

Cầm trên tay quyển kinh Koran, dân làng kéo đến gặp Unar van xin ông này đừng làm vậy nữa. Họ tìm đến nhà nghị sĩ Faryal Talpur, rồi cả người chị của Tổng thống Asif Ali Zardari (2008-2013) nhờ cậy sự giúp đỡ, nhưng tất cả họ nhận được chỉ là những lời hứa suông...

Đời thực lên phim: bà mẹ anh hùng đấu 200 tay súng - Ảnh 1.

Bà Nazo Dharejo - người phụ nữ can đảm của Pakistan - Ảnh: AFP

Huyền thoại

Nhưng vài ngày sau, khi truyền thông Pakistan có mặt ở hiện trường, họ chứng kiến con đập đã bị đục thủng ở năm vị trí. Điều thú vị nhất là, mặc dù nắm trong tay quyền hành, ông quan Unar không thể tìm ra bất cứ nhân chứng nào chịu đứng ra tố cáo người đã dẫn đầu dân làng thực hiện hành động phản kháng này.

Nhân vật đó là một phụ nữ tên Nazo Dharejo. Khi mọi người tưởng chừng như bỏ cuộc dưới áp lực phải chống lại những tay quyền thế, Dharejo đứng ra nói với đám đông: "Nếu họ dám bắn, tôi sẽ nhận lãnh viên đầu tiên. Nếu họ bắt chúng ta, tôi sẽ là người đầu tiên nộp mình!".

Năm đó Nazo Dharejo đang ở tuổi 40 và là một huyền thoại. 

Sinh ra và lớn lên trong chế độ truyền thống Hồi giáo khắc nghiệt ở vùng quê Pakistan, trong suốt 2 thập niên, bà đã chiến đấu với các băng trộm cướp và chặn đứng vài vụ cướp đất đai có vũ trang bởi những người họ hàng xa, tất cả chỉ với một khẩu súng trường Kalashnikov (AK-47) trong tay.

Sau tất cả những thứ đó, Dharejo vẫn hoàn thành việc nuôi dạy bốn đứa con và giữ cho khu đất canh tác của gia đình luôn sinh lợi.

Người phụ nữ kiên cường

"Huyền thoại Nazo Dharejo" ra đời từ một câu chuyện cách đây 22 năm.

Ông nội của Dhajero có vài người vợ, và các trưởng nam thuộc các chi khác luôn dòm ngó phần tài sản thừa kế của anh em Dhajero. "Tình hình cứ mỗi lúc một căng thẳng. Có 5-6 vụ giết người xảy ra và đến năm 1992 thì anh trai tôi cũng bị giết" - bà Dhajero kể lại.

Khi cha của Dhajero qua đời cùng năm đó, những người họ hàng đến dự đám tang nhạo báng mẹ và chị em nhà cô rằng gia đình của họ đã tuyệt tự và như thế sẽ không được thừa kế đất đai của cha ông để lại. 

Nhưng có một điều họ không biết, đó là cha của Dhajero, đi ngược lại những tục lệ văn hóa cổ hủ của Pakistan, đã nuôi dạy các cô con gái của ông như những chàng trai thực thụ.

Đời thực lên phim: bà mẹ anh hùng đấu 200 tay súng - Ảnh 2.

Bà Nazo Dharejo xài súng rất thành thạo - Ảnh: AFP

Vào một đêm nóng nực tháng 8-2005, 200 người họ hàng vũ trang tận răng kéo đến nhà họ với mục đích chiếm cho bằng được đất đai. Chồng Dhajero van xin cô nhượng bộ, nhưng cô từ chối. 

Chị em nhà Dhajero mỗi người chộp lấy khẩu súng trường Kalashnikov cùng mớ đạn dược ít ỏi rồi leo lên nóc nhà. "Tôi sẽ giết chúng hoặc chết tại đây, nhưng sẽ không bao giờ lùi bước" - Dharejo, năm nay 48 tuổi, hồi tưởng lại trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP của Pháp.

Từ nóc nhà, đội quân nhỏ bé gồm ba chị em, chồng của Dhajero cùng một số người bạn, láng giềng trung thành đã chặn đứng cuộc tấn công đêm đó. Từ lúc trời đêm cho đến rạng sáng, một số thành viên trong gia đình thậm chí liều mạng chạy ra ngoài để lấy thêm đạn dược.

Trận chiến pháp lý giành đất đai kéo dài 5 năm sau đó chứng kiến phần thắng thuộc về gia đình Dhajero. Các đối thủ của họ phải trả khoản tiền phạt 500.000 rupee (4.800 USD) và xin lỗi công khai - một điều hết sức nhục nhã ở vùng quê Pakistan.

Từ đó, những người láng giềng bắt đầu gọi Dhajero là "Waderi" (nữ địa chủ) với tất cả sự kính trọng. "Cô ấy đã trở thành một cây cổ thụ che bóng cho tất cả mọi người xung quanh" - anh Zulfiqar Dharejo mô tả người vợ của mình.

Đời thực lên phim: bà mẹ anh hùng đấu 200 tay súng - Ảnh 3.

Một cảnh trong bộ phim My Pure Land kể về câu chuyện đời của Nazo Dharejo - Ảnh chụp màn hình

Vùng đất trinh nguyên của tôi

Năm 2013, câu chuyện của Dhajero thu hút sự chú ý của nhà làm phim người Anh gốc Pakistan - ông Sarmad Masud.

Bị mê hoặc, ông Masud liên lạc với nhân vật chính. Kết quả những lần tiếp xúc của họ là bộ phim My Pure Land (Tạm dịch: Vùng đất trinh nguyên của tôi) ra đời.

Theo tin mới nhất, My Pure Land - bộ phim bằng tiếng Urdu dài 98 phút kể về chuyện đời của Dhajero (do nữ diễn viên Suhaee Abro đóng) sẽ đại diện nước Anh tham gia tranh giải thưởng Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài trong năm tới.

Cuộc cạnh tranh khá khốc liệt: năm nay có đến 92 quốc gia gửi phim về Oscar tranh giải. Một trong những ứng viên nặng ký khác là bộ phim của Angelina Jolie nói về nạn diệt chủng ở Campuchia.

Các để cử sẽ được công bố vào tháng 1-2018, phim chiến thắng sẽ được gọi tên trong buổi lễ chính thức tổ chức tháng 3-2018.

Trailer bộ phim My Pure Land

Tôi lập tức được truyền cảm hứng từ sự can đảm và anh hùng của Dhajero.

Nhà làm phim Sarmad Masud

Nhà làm phim Sarmad Masud thừa nhận quá trình thực hiện My Pure Land hết sức khó khăn. 

Bộ phim quay trong khoảng 30 ngày xung quanh thành phố Lahore dưới cái nóng 40 độ C. Cả Masud và vợ ông - nhà thiết kế sản xuất của phim - có lúc phải nhập viện vì kiệt sức, cả êkip thậm chí bị tấn công trong lúc quay...

Đời thực lên phim: bà mẹ anh hùng đấu 200 tay súng - Ảnh 6.

Bà Nazo Dharejo (trái) và hai cô con gái trong đời thực - Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, dù một số nhà phê bình gắn mác "nữ quyền kiểu phương Tây" cho bộ phim, My Pure Land  thật ra chỉ có một ít cảnh hành động.

Nói vắn tắt, đó là một câu chuyện kể về tình yêu thương của một người cha dành cho những cô con gái, ông Masud giải thích.

Điều quan trọng là soi một chút ánh sáng lên những con người và một vùng đất của thế giới vốn ít khi được diễn tả đúng trên màn ảnh"

Nhà làm phim Sarmad Masud

Còn Nazo Dhajero cho biết bà cảm thấy "rất hạnh phúc" với bộ phim, rằng câu chuyện có hậu thuộc về tất cả người dân tộc Sindh và Pakistan. "Đó là một vinh dự cho tôi" - bà bày tỏ.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên