15/10/2022 10:12 GMT+7

Đối thoại với phụ nữ: Thủ tướng trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề nóng

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Sáng 15-10, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề: Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 62 tỉnh, thành.

Đối thoại với phụ nữ: Thủ tướng trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề nóng - Ảnh 1.

Thủ tướng nhấn mạnh sẽ có nhiều chính sách để hỗ trợ phụ nữ phát huy hơn nữa vai trò trong gia đình và xã hội - Ảnh: VGP

Mở đầu hội nghị với lời chào, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt và đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, tỏa sáng phẩm chất anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Cần chính sách để giúp phụ nữ phát huy hơn 

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe hỗ trợ phụ nữ, tạo việc làm và khởi nghiệp, Việt Nam đang tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ khẳng định vị trí, đóng góp cho gia đình và xã hội.

"Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, công bằng và cởi mở, phụ nữ cả nước cần nói rõ tâm tư, vướng mắc về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở. Vấn đề ở thẩm quyền nào thì cố gắng xử lý, giải quyết chứ không phải nêu ra rồi để đó, đặc biệt là những tồn tại kéo dài thời gian qua, không để ai bị bỏ lại phía sau" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu mở đầu, bà Hà Thị Nga - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - nói với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy vậy, cần có các chính sách để thúc đẩy nhiều hơn vai trò phụ nữ, nên cuộc đối thoại tập trung vào các chủ đề gồm: phụ nữ liên quan tới phát triển kinh tế; bình đẳng giới và đảm bảo an sinh xã hội; môi trường an toàn và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em.

Đặt câu hỏi Chính phủ cần giải đáp gì để thúc đẩy phụ nữ làm kinh tế, bà Nguyễn Thị Bình - giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bản Dao Thống Nhất Hòa Bình (TP Hòa Bình) - cho hay các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị hằng năm tăng dần nhưng còn ở mức thấp, chỉ đạt trên 23%, sản phẩm còn hạn chế.

Hỗ trợ gì để phụ nữ phát huy vai trò nhiều hơn?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhìn nhận chưa có chính sách riêng cho phụ nữ trong tham gia hoạt động kinh tế. Tuy vậy, hiện đã bước đầu xây dựng cơ chế liên quan hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, cũng như lồng ghép nhiều chính sách khác nhau trong việc hỗ trợ phụ nữ.

"Riêng trong phát triển sản phẩm OCOP, Nhà nước sẽ thúc đẩy phát triển thương hiệu, đầu vào và đầu ra. Tuy nhiên, để có nhiều sản phẩm hơn thì cần có vốn vay ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy sản phẩm tốt hơn, các hợp tác xã mà chị em làm chủ sẽ được hỗ trợ nhiều hơn" - ông Hiệp nói.

Đối thoại với phụ nữ: Thủ tướng trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề nóng - Ảnh 2.

Thủ tướng và các bộ ngành trực tiếp đối thoại với phụ nữ về các vấn đề phát triển kinh tế, bình đẳng giới - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cũng nhấn mạnh luôn quan tâm tới chủ thể nữ trong các hoạt động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, hợp tác xã có thể tiếp cận các nguồn chính sách này để nâng cao nguồn lực.

Quan tâm vấn đề vốn, chị Đỗ Thị Ninh đến từ đơn vị tài chính vi mô Tình Thương - Nghệ An cho hay hiện nay khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tổ chức tài chính vi mô đã được xây dựng, nhưng đối tượng khách hàng vẫn được giới hạn hộ gia đình nghèo, siêu nghèo. Vậy để tài chính vi mô nâng cao hơn nữa vai trò, Chính phủ cần có giải pháp nào để thúc đẩy hơn nữa?

Giải đáp việc này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa thông tư 03 để mở rộng hơn nữa đối tượng. Quy định hiện nay chưa cho phép các tổ chức tài chính vi mô mở tài khoản thanh toán, nhưng ông Tú cho biết sẽ sửa Luật tổ chức tín dụng, cho phép tổ chức tài chính vi mô mở tài khoản thanh toán.

Nhắc nhở các bộ ngành cần phải cung cấp thông tin nhiều hơn để giải đáp câu hỏi của các chị em phụ nữ, Thủ tướng trực tiếp trả lời câu hỏi của bà Bình khi nhắc lại chính sách hiện nay có các quy định liên quan tới hợp tác xã, các bộ ngành cần tiếp tục xem xét còn vướng mắc gì để điều chỉnh, có thêm cơ chế chính sách khuyến khích chị em tham gia hợp tác xã ngày càng tốt hơn, sáng tạo hơn.

Việc tham gia hợp tác xã trong thực hiện chương trình quốc gia về sản phẩm OCOP, Thủ tướng chỉ ra 5 vấn đề cần lưu ý là xây dựng thương hiệu, cần có sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ về thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Gắn với đó, cần có quy hoạch để phát triển nguyên liệu, hỗ trợ của tổ chức tín dụng, thúc đẩy thị trường để tiêu thụ sản phẩm. 

Về việc tiếp cận tín dụng với các tổ chức vi mô, Thủ tướng cho rằng ngân hàng cần phải mở rộng đối tượng, mở rộng hạn mức, có kế hoạch đảm bảo cung ứng nguồn tiền phù hợp, hạn chế tín dụng đen. "Ngân hàng cần chủ động để chị em tiếp cận dễ hơn, đảm bảo nhu cầu, bền vững và có điều kiện trả nợ" - Thủ tướng nói.

Đối thoại với phụ nữ: Thủ tướng trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề nóng - Ảnh 3.

Thủ tướng đối thoại với phụ nữ, bàn các giải pháp về thúc đẩy kinh tế, bình đẳng giới - Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng bày tỏ qua hội nghị, đã được học hỏi nhiều về tầm suy nghĩ, mong muốn và khát vọng của phụ nữ, giúp bổ sung thêm thông tin cho việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cũng là cơ hội để chia sẻ, giãi bày những vấn đề trong chính sách với sự phát triển của phụ nữ.

Thủ tướng cho rằng phụ nữ Việt Nam là biểu tượng của sự hy sinh, hiền hậu, đảm đang, đúng như câu thơ "vì con sống mẹ suốt đời lam lũ, vì con vui mẹ gánh hết đau buồn", đã được phát huy trong nhiều giai đoạn.

Nhìn lại những nỗ lực một năm qua, Thủ tướng cho hay những kết quả phòng chống dịch, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ... thì vai trò đóng góp của phụ nữ rất lớn.

Phụ nữ thường được gọi là "phái yếu", là sự tinh tế, dịu dàng, hiền hậu, khiêm tốn, song Thủ tướng cho rằng phụ nữ có "sức mạnh mềm". Đó là sự kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, khả năng chống chịu. Bởi vậy đã có những phụ nữ thành đạt, được tôn vinh và đóng góp lớn cho xã hội. Số doanh nhân nữ làm chủ đạt trên 26%, mô hình làm kinh tế của phụ nữ mang lại hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước luôn quan tâm nhất quán là đảm bảo sự bình đẳng trên tất cả lĩnh vực. Theo đó, đã có nhiều chính sách quan trọng được ban hành, giúp cải cách chính sách về bình đẳng giới, các dự án phụ nữ khởi nghiệp… góp phần tăng cường vai trò và vị trí của phụ nữ.

"Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm, vì định kiến về giới, nhận thức thực hiện bình đẳng giới một số nơi còn hạn chế, cơ chế phối hợp chưa hiệu quả. Nhiều phụ nữ còn khó khăn, chị em làm việc khu vực phi chính thức còn đối diện với rủi ro, chăm sóc sức khỏe chưa hoàn thiện…" - Thủ tướng chỉ ra.

Với các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành rà soát các chính sách bình đẳng giới, quyền lợi cho phụ nữ ở mọi lĩnh vực, tháo gỡ về trình tự, thủ tục… Chính phủ sẽ nghiên cứu chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, như lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học...

Trong đó, các bộ ngành cần tập trung chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối hệ thống doanh nghiệp, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ thương hiệu, chất lượng với sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP; xây dựng chương trình giáo dục làm cha mẹ, đủ chỗ học an toàn cho trẻ em…

Người phụ nữ truyền cảm hứng Nguyễn Thị Vân: Cam kết dành thời gian còn lại cho người khuyết tật Người phụ nữ truyền cảm hứng Nguyễn Thị Vân: Cam kết dành thời gian còn lại cho người khuyết tật

TTO - Ở Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật, vậy tại sao không thấy người khuyết tật ở những nơi như vậy, ở các nhà hàng, các cơ quan, các nơi vui chơi giải trí?

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên