![]() |
Nỗi thất vọng của các tuyển thủ U-22 VN sau trận thua Thái Lan 0-3 ở SEA Games 2017. Ảnh:N.KHÔI |
Hàng trăm câu hỏi của giới chuyên môn, người hâm mộ đã được tổng hợp và gửi đến cuộc đối thoại. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, phó chủ tịch LĐBĐ VN (VFF) Trần Quốc Tuấn cùng tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh thay nhau bị “vần” đến toát mồ hôi.
Bộ VH-TT&DL “né”
Ông Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 suốt 4 năm qua chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Dù vậy theo ông Thiện, mục tiêu của chiến lược đề ra là phù hợp, không cần phải điều chỉnh chiến lược. Theo quan điểm của ông Thiện thì mục tiêu giành 1-2 HCV tại SEA Games hoặc AFF Cup từ nay đến năm 2020 bóng đá VN bắt buộc phải thực hiện như nhiệm vụ mà chiến lược đề ra.
Đây cũng là một trong rất ít câu trong suốt buổi đối thoại mà bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đứng ra trả lời. Ngoài ra lãnh đạo Bộ VH-TT&DL hầu như không trả lời thêm câu hỏi nào trong suốt buổi đối thoại dù rất nhiều nội dung được hỏi liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL. Hầu hết các câu hỏi được ông Thiện "chuyển" cho Tổng cục TDTT và VFF trả lời.
VFF không phải chỗ để kiếm chức
Ông Mai Liêm Trực, nguyên chủ tịch VFF, góp ý: “Đã làm bóng đá thì phải có áp lực, tôi mong VFF, tổng cục, bộ phải thực sự cầu thị, lắng nghe để phát triển. Làm bóng đá không mê không làm được đâu bởi VFF không phải chỗ để kiếm chức mà là dấn thân vì người hâm mộ”. Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên trưởng đoàn TTVN, cho biết ông khẩn thiết mong Chính phủ và bộ trưởng cân nhắc phải có một thứ trưởng Bộ VH-TT&DL là người của Tổng cục TDTT, hiểu việc để lo cho thể thao và bóng đá. Ông Minh đề nghị phải cải tổ bộ môn bóng đá của Tổng cục TDTT bởi tại đây quá yếu và quá thiếu người làm.
Ông Vũ Mạnh Hải, nguyên tổng biên tập báo Bóng Đá, chất vấn VFF quyết liệt về trách nhiệm của VFF trong thất bại của các đội tuyển quốc gia nam và U-23 VN, trong đó có SEA Games 29. Theo ông Hải: “Nhiệm kỳ này, vai trò của người làm chuyên môn trong VFF rất mờ nhạt. Thất bại của tuyển U-22 VN tại SEA Games 29 tôi cho rằng là trách nhiệm của VFF. Lúc thất bại, tại buổi họp báo không lãnh đạo VFF nào đứng ra nhận trách nhiệm mà đổ hết tội cho HLV Hữu Thắng. VN đang có lứa HLV tốt như Hữu Thắng, Hoàng Anh Tuấn nhưng cứ thất bại lại sa thải thì lấy người đâu mà làm”.
Trả lời ông Hải, ông Trần Quốc Tuấn nói: “Sau khi đội tuyển U-22 bị loại ở SEA Games 29, HLV Hữu Thắng chưa nói với VFF mà phát ngôn từ chức ở cuộc họp báo. Khi đội về TP.HCM, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã gặp riêng anh Thắng nhưng anh Thắng quyết ra đi”.
FIFA không cấm người nhà nước tham gia VFF
Đó là khẳng định của ông Vương Bích Thắng trước câu hỏi của người hâm mộ được gửi đến trong cuộc đối thoại. Ông Thắng cho biết hiện nay FIFA không có văn bản nào không cho phép công chức của ngành thể thao được tham gia làm việc tại các tổ chức xã hội nghề nghiệp, trong đó có VFF. Trong lịch sử 7 nhiệm kỳ của VFF từ năm 1989 đến nay, nhiệm kỳ nào cũng có công chức, lãnh đạo của Ủy ban TDTT, Ủy ban TDTT tham gia làm việc tại VFF.
Một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng: coi chừng nói hớ Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng tại cuộc đối thoại, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng nói: “Dư luận nhiều năm nay cho rằng một ông chủ sở hữu, chi phối nhiều đội bóng ở V-League, chúng tôi biết vấn đề này. Trước đây, Bộ VH-TT&DL từng thành lập đoàn thanh tra nhưng khi thanh tra thì thấy anh Đỗ Quang Hiển tuy không sở hữu cổ phần gì trong các doanh nghiệp bóng đá này nhưng lại đứng ra tài trợ cho một số CLB. Thời gian qua VFF, Tổng cục TDTT đã kiểm soát rất chặt các trận đấu có sự tham dự của các CLB bị nghi ngờ nhưng chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy việc cho điểm, nhường điểm”. Dù vậy, ông Hà Quang Dự, nguyên bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban TDTT, cho rằng Bộ VH-TT&DL cẩn thận và đừng căn cứ vào kết luận thanh tra nào đó kẻo sẽ bị hớ với chuyện một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng ở V-League. Đồng quan điểm với ông Dự, nhà báo Nguyễn Lưu đặt lại câu hỏi: “Nếu nói không có một ông chủ nhiều đội bóng mà sau này báo chí khui ra có thì những người hôm nay nói không có thì phải xử lý thế nào?”. |
Ứng viên chủ tịch VFF phải có chương trình hành động Nhà báo Nguyễn Lưu: “Tôi nghĩ việc bầu chủ tịch VFF suốt 7 nhiệm kỳ qua là theo kiểu "chỉ định thầu" chứ không phải "đấu thầu công khai". Lẽ ra ứng viên chủ tịch VFF phải là người đề ra chương trình hành động cho bóng đá VN và bảo vệ nó trước đại hội, nếu trúng sẽ làm chủ tịch VFF xứng đáng”. Về vấn đề này, ông Vương Bích Thắng cho biết Tổng cục TDTT tiếp thu và sẽ chỉ đạo VFF chuẩn bị phương án nhân sự cho đại hội VFF khóa VIII tháng 3-2018 theo hướng có nhiều ứng viên chủ tịch và có chương trình hành động. |
“Câu trả lời hôm nay của các anh rất suôn sẻ, cái gì cũng tốt nên tôi chưa thấy được những hạn chế. Vì sao đào tạo trẻ tốt, VFF tốt, đội tuyển tốt vậy mà bóng đá VN vẫn chưa thể vô địch 1-2 lần SEA Games như chiến lược đề ra”. Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên trưởng đoàn TTVN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận