19/08/2012 05:12 GMT+7

Đời nghệ sĩ

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - 1Biết tin nghệ sĩ cải lương Lan Châu hát trở lại trên sân khấu, gọi điện hỏi thông tin thì bà chỉ ậm ừ qua chuyện. Hôm sau tôi gọi lại, câu đầu tiên bà vội vã xin lỗi và nói: “Cô đi đám giỗ nhà thông gia đứa cháu nội, người ta không thích mấy người đi hát nên con hỏi thăm về nghề nghiệp, cô ngắc ngứ không dám nói...”.

Năm nay đã 74 tuổi, theo nghiệp hát cũng 50-60 năm nhưng nhắc tới cái tên Lan Châu nhiều khán giả cảm thấy xa lạ. Xuất hiện trong đêm cải lương phòng trà ngày 9-8, với những bước chân run rẩy, trong hình hài gầy gò mái tóc bạc phơ, bà khiến người ta giật mình vì giọng ca vang, vẫn còn nhiều năng lượng với bài ca cổ Tình mẫu tử, diễn ba vai trong trích đoạn Nửa đời hương phấn. Khán giả giật mình rồi chợt hỏi: Tại sao đến giờ mình mới nghe được giọng ca này? Nhưng nếu có những ngôi sao cải lương bước qua tuổi 70 còn đi hát vì khán giả còn yêu cầu thì với bà Lan Châu hát là để mưu sinh.

Bà tâm sự: “Tôi đi ca ở mấy quán nghệ sĩ, có người thấy thương vì lớn tuổi còn phải đi hát để kiếm sống, nhưng được vầy đã nhàn hơn trước đây tôi đi bán vé số nhiều!”. Chồng chết, con mất, các cháu đều nghèo khó, bà Lan Châu hiện sống nhờ nhà của người cháu quen. Bà kể vừa rồi có trải qua đợt mổ mắt nhưng đi đứng cũng lạng quạng, nhìn không rõ rồi. “Cũng ráng hát thôi chứ không biết sao...” - bà nói giọng nhẹ hều trong tiếng thở hắt.

2

Một buổi chiều muộn trò chuyện với nghệ nhân dân gian Bạch Huệ ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM, nhắc đến chuyện gia đình, nhà cửa, giọng bà ngả màu u ám tan loãng trong thứ ánh sáng chập choạng cuối ngày. Bà bảo số bà hôn nhân lận đận, hiện còn ba đứa con mà đứa nào cũng khổ sở làm ngày nào ăn ngày nấy, bởi vậy đành phải tự lo thân dù năm nay đã sấp ngửa bước tới cái tuổi 80.

Bà kể hồi thời hoàng kim cũng sắm được xe hơi nhưng “chắc tại tôi không biết lo tương lai, không giữ được tiền, nên...”. Hỏi xin bà một bức ảnh tư liệu thời trẻ, bà lắc đầu cười buồn: “Tại cứ chuyển nhà hoài, gói đồ trong thùng giấy rồi hình họ chẳng biết rơi rớt đâu nữa!”.

Vô địch chạy sô vai già trong làng phim ảnh hiện nay có thể nhắc đến nghệ sĩ Thiên Kim. Năm nay bà đã 78 tuổi nhưng được khán giả nhớ đến với nhiều vai bà ngoại, bà nội trên màn ảnh như: Võ sĩ bất đắc dĩ, Mảnh vỡ, Cạm bẫy, Đón con về, Tuyết nhiệt đới, Phát tài, Bỗng dưng muốn khóc, Mẹ chồng nàng dâu... Đi hát năm 8 tuổi từ vai đào con tới đào chánh, rồi chuyển qua kịch, lồng tiếng, đóng phim nhưng do nặng gánh gia đình nên bà kể từ thời trẻ đến giờ gần như chưa được nghỉ ngơi, phải làm hoài. Giờ bà đang tá túc trong viện dưỡng lão. Căm cụi đóng nhiều phim nhưng bà cứ cắc củm dành dụm vì: “Mình già rồi, lỡ bệnh nằm xuống không ai lo thì có được khoản tiền mướn người ta chăm sóc!”.

3

Ký giả kịch trường Tần Nguyên, trưởng ban quản lý Viện dưỡng lão nghệ sĩ, chia sẻ: “Nhiều nghệ sĩ thời xưa đi theo các đoàn hát, tới chừng sinh con thường phải gửi về quê cho gia đình nuôi. Con cái lớn lên không gần gũi cha mẹ nên tình cảm cũng lạt phai, không gắn bó. Chưa kể có người chu cấp cũng không đầy đủ nên ông bà ở quê lo được bao nhiêu thì lo, mấy đứa con vì vậy không được học hành tới nơi tới chốn, rồi chúng lập gia đình có con cũng lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn nghèo nàn, khổ sở!”.

Viện dưỡng lão hiện nuôi dưỡng khoảng 20 nghệ sĩ lớn tuổi, mỗi người mỗi cảnh nhưng ít nhiều đều có tâm sự. Đã một thời vinh quang giờ rơi vào quên lãng, nghèo khó, bệnh tật thì ắt hẳn không tránh khỏi những chông chênh. Trong cái buổi chiều chập choạng trò chuyện với nghệ nhân dân gian Bạch Huệ, thấy một nghệ sĩ đang đứng cắp giỏ chờ xe ôm chở về thăm con trai, bỗng bà lảo đảo vịn tay vào tường. Nhiều người í ới gọi nhau đến dìu bà ngồi trên ghế đá, mặt bà tươm mồ hôi, tay lạnh ngắt. Đo thì huyết áp bà đang lên cao. Mọi người dìu bà vào nhà nhưng bà nhất định không chịu vì cả tuần chỉ mong ngày này về thăm con cháu.

Bà Bạch Huệ vì không đi được (do chân bị tai nạn) vẫn rướn người đầy lo âu: “Lấy viên thuốc của tôi đặt dưới lưỡi ngậm cho hạ bớt nè, rồi kêu xe chở bả vô bệnh viện cấp cứu đi, bữa trước tôi lên tăngxông bác sĩ cũng chỉ vậy đó!”. Sau một hồi năn nỉ, người nghệ sĩ già mới chịu cho mọi người dìu đi cấp cứu. Bà Bạch Huệ lúc này mới nói nhỏ như thở: “Ở đây vậy đó, mấy bữa lại có người đi cấp cứu. Cứ người khỏe thì lo cho người bệnh, xoay xở mà chăm sóc cho nhau!”.

Trong một viện chỉ những người già, cô đơn, có khi va chạm chỉ vì cái tôi quá lớn nhưng đọng lại vẫn là những ân tình của người đồng cảnh ngộ, nắm níu dìu nhau đi qua hết quãng đời của đời nghệ sĩ...

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên