12/12/2013 08:51 GMT+7

Đổi mới thể chế sẽ quyết định đổi mới nền kinh tế

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Ngày 11-12, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị trung ương 8 (khóa XI) do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài giới thiệu nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong gần ba giờ giới thiệu nghị quyết này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phân tích sâu sắc bối cảnh, dự báo xu hướng phát triển của những vấn đề quốc tế, khu vực và trong nước, đồng thời nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, phương châm, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới mà nghị quyết đã đề ra.

Giữ vững môi trường hòa bình

Chủ tịch nước khẳng định trong bất kỳ tình huống nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đều quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc... cùng với đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội, môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Chủ tịch nước nói chúng ta không để mất một tấc đất nào của Tổ quốc, khai thác dầu khí vẫn tiến hành bình thường, số lượng tàu thuyền đánh cá tăng lên.

Theo Chủ tịch nước, thế và lực đất nước được nâng lên, quốc tế đánh giá cao đường lối đối ngoại của VN. Hiện nay ta có quan hệ ngoại giao với 181 nước, từ chỗ trước đây ta chỉ có một đối tác chiến lược là Nga (không có đối tác toàn diện), đến nay ta đã ký đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Chủ tịch nước cũng thẳng thắn đề cập những mặt chưa được. Theo đó, sự nghiệp đổi mới ở nước ta bên cạnh những thành tựu đã đạt được, còn không ít hạn chế, yếu kém, xuất hiện những vấn đề phức tạp mới ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó có những vấn đề như nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, an ninh mạng, việc nghiên cứu dự báo chiến lược còn hạn chế, xuất hiện những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... “Trên một số vùng chiến lược, trọng điểm còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định”- Chủ tịch nước nói.

Đừng tự hào về Pisa

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã giới thiệu kết luận của Hội nghị trung ương 8 (khóa XI) về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014” và “Đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng”.

Khẳng định những kết quả đã đạt được trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như việc thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế là hết sức quan trọng, tuy nhiên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng chưa thật sự tạo ra sự chuyển biến về chất để tạo ra đột phá mới.

Đề cập năm bài học kinh nghiệm, ông Bùi Quang Vinh dành thời gian phân tích kỹ bài học thứ nhất, đó là “đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mục tiêu cao nhất”.

Ông Bùi Quang Vinh cho rằng có lẽ đây là lần đầu tiên bài học này được đặt đúng tầm cỡ. Bài học lịch sử gần đây cũng cho thấy các nước luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc cao nhất trong xử lý mối quan hệ quốc tế, “ta phải hiểu điều này để làm cho đất nước mình hưng thịnh lên”.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, những lúc khó khăn nhất bị dồn đến chân tường thì “chúng ta đều có quyết sách để phát triển, để đổi mới”. Đơn cử như việc cải cách khoán hộ trước đây, không cần tăng đầu tư nhiều, chỉ cần đổi mới cơ chế đã phát triển nông nghiệp vượt bậc, “từ chỗ phải điều hành chia gạo cho cả nước đến chỗ xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cần đẩy mạnh đổi mới thể chế, lúc này đổi mới thể chế sẽ quyết định đổi mới nền kinh tế VN, “nói tái cơ cấu mà thể chế vẫn nguyên thì làm thế nào được?”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng tài nguyên khoáng sản rồi sẽ khai thác hết, như dầu khí chỉ trong vòng 10-15 năm nữa sẽ cạn dần. Vậy thì ta còn lại cái gì? Ông Bùi Quang Vinh nêu câu hỏi và tự trả lời: “Tài nguyên lớn nhất là con người”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thế giới đánh giá cao tố chất con người VN, tuy nhiên ông cho rằng: “Chúng ta đừng tự hào về kết quả Pisa vừa rồi. Có chuyên gia quốc tế nói với tôi rằng nước Mỹ ít khi đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế, và họ cũng không mong thường xuyên giành giải cao để dồn con em mình vào học như gà chọi. Điều quan trọng đối với họ là khả năng sáng tạo, cống hiến của nguồn nhân lực. Vì vậy chúng ta hãy tự hào những điều thực chất hơn”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Giữ vững độc lập chủ quyền và hòa bình, ổn địnhBảo vệ vững chắc độc lập chủ quyềnBài học từ “sân chơi” PISAPISA: học sinh Việt Nam trốn học cao hơn mức trung bình

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên