23/03/2017 16:48 GMT+7

​Đổi mới sáng tạo là con đường đến với công việc tốt hơn

T. HÀ
T. HÀ

TTO - Đó là chia sẻ của người đứng đầu tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với sinh viên tại Trường ĐH Ngoại thương sáng 23-3 trong cuộc tọa đàm có chủ đề “Sáng tạo - cải thiện cuộc sống” (Innovation - Improving lives).

Tổng giám đốc WIPO nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội - Ảnh: THANH HÀ

Đây là một sự kiện được nhà trường tổ chức chào mừng tổng giám đốc WIPO đến thăm trường và là diễn giả nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Ngoại thương nhằm truyền cảm hứng cho giới trẻ về đổi mới sáng tạo, trong khuôn khổ chuyến thăm của ông đến VN từ ngày 21 đến 24-3.

Tại cuộc tọa đàm, ông Francis Gurry dành phần lớn thời gian để trao đổi và chia sẻ với giới trẻ những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo theo chủ đề của Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm 2017 thông qua tọa đàm “Innovation - Improving lives”.

Theo ông Francis Gurry, “chúng ta đang ở trong kỷ nguyên mà ở đó đổi mới sáng tạo ảnh hưởng đến cách chúng ta sống, làm việc và kinh doanh… Đây cũng là mối quan tâm của những quốc gia muốn thoát khỏi cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”. Hiện nay không quốc gia nào muốn cạnh tranh dựa vào giá trị sức lao động. Không ai muốn mình có thế mạnh cạnh tranh nhờ vào giá lao động thấp” - ông Gurry nhấn mạnh.

“Đổi mới sáng tạo vẫn còn mới mẻ với tất cả mọi người không chỉ ở Việt Nam mà thậm chí các nước phát triển. Đối với những đất nước có thu nhập trung bình muốn thoát khỏi tình trạng đó, nâng cao vị thế cạnh tranh, đổi mới sáng tạo đóng góp rất lớn vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, là chìa khóa nâng cao vị thế cạnh tranh, là con đường đến với công việc tốt hơn”- ông chia sẻ với các bạn sinh viên.

Với kinh nghiệm 30 năm hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, tổng giám đốc WIPO lưu ý các bạn trẻ: “Có một điều cần phải nhận thức là đổi mới sáng tạo không phải là những gì cao siêu. Chúng ta cần nhìn nhận rằng đổi mới sáng tạo nên xuất hiện ở mọi mức độ, mọi nơi của nền kinh tế”.

“Hiện nay bản đồ sáng tạo thế giới đang diễn ra một sự thay đổi vô cùng ngoạn mục. Nhìn vào số lượng đơn đăng ký cấp bằng sáng chế như một chỉ dẫn về hoạt động đổi mới sáng tạo, ta có thể thấy năm 2016 có 47% đơn đăng ký sáng chế trong tổng số 230.000 đơn trên toàn thế giới tới từ châu Á, 25% tới từ châu Âu và 25% tới từ Mỹ. Đây là một điều rất tuyệt vời cho các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam - một nước nằm ở trung tâm của đổi mới sáng tạo” - ông Francis Gurry nhấn mạnh.

Để chào mừng tổng giám đốc WIPO, Trường đại học Ngoại thương tổ chức một chuỗi hoạt động về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ theo chủ đề của năm 2017: INNOVATION – IMPROVING LIVES (Sáng tạo – cải thiện cuộc sống) như tọa đàm “Innovation – Improving lives”, triển lãm IPDay, con đường IPWalk…

Điểm nhấn đặc biệt của chuỗi hoạt động này là “Bức tranh dấu ấn IP” và ông Francis Gurry chính là người tạo nên mảng ghép đầu tiên của bức tranh và khởi động Gameshow Vietnam IPChallenge© mùa 2017 - cuộc thi có quy mô toàn quốc dành cho sinh viên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

T. HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên