Học sinh Trung Quốc massage mắt để tăng thị lực - Ảnh: WSJ
Mặc dù Trung Quốc chưa bãi bỏ chính sách một con kéo dài đã nhiều thập kỷ, các nhà quản lý và học giả đã kêu gọi khuyến khích gia đình đông con hơn.
"Chỉ bằng cách loại bỏ hoàn toàn hạn chế sinh đẻ và khuyến khích sinh con, Trung Quốc mới có thể đảo ngược tình trạng suy giảm dân số", Liang Jianzhang, giám đốc trang web du lịch Ctrip.com và Huang Wenzheng, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và toàn cầu hoá ở Bắc Kinh, cho biết. "Việc nuôi con ở Trung Quốc vừa có chi phí cao, vừa phải đối mặt với khó khăn về chăm sóc vì Trung Quốc thiếu các trung tâm trông trẻ ban ngày".
Theo Bloomberg News, Trung Quốc đang xem xét loại bỏ những tàn dư cuối cùng của chính sách kiểm soát dân số khiến mất cân bằng nhân khẩu học. Mối quan tâm về lực lượng lao động bị thu hẹp của nước này đang tăng lên.
Từ 2016, chính sách một con ở Trung Quốc được nới lỏng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng như vậy là chưa đủ - Ảnh: New York Times
Trong khi cộng đồng mạng xã hội hưởng ứng thay đổi, một số người vẫn lo ngại rằng sự thay đổi này không đủ để Trung Quốc tránh rơi vào tình trạng xã hội lão hoá như Nhật Bản.
"Trung Quốc nên bỏ hạn chế sinh con càng sớm càng tốt", Huang Xihua, một nhà lập pháp thuộc tỉnh Quảng Đông, đề xuất. "Để chia sẻ gánh nặng nuôi con với các gia đình, Trung Quốc nên cung cấp giáo dục mầm non công lập miễn phí và trừ thuế cá nhân cho các gia đình đông con".
Thưởng tiền cho em bé sơ sinh và các nỗ lực khuyến khích sinh con ở các nước như Đức, Ý, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đã trở nên phổ biến, nhưng vẫn không thể đảo ngược xu hướng nhân khẩu học đang lan rộng. Thay đổi thói quen có thể đặc biệt khó ở Trung Quốc, nơi các bậc cha mẹ đã quá quen với việc tập trung chăm sóc cho đứa con duy nhất.
Theo Trey McArver, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium Trung Quốc tại Bắc Kinh, sinh thêm con sẽ làm gia tăng lực lượng lao động, nhưng thách thức về nhân khẩu học sẽ bị trầm trọng thêm trong 15-20 năm đầu.
Tỷ lệ người không ở trong độ tuổi lao động phụ thuộc sẽ tăng gấp đôi, từ 37,7/100 năm 2015 lên 76,5/100 vào năm 2055, theo dự báo của Liên Hợp Quốc.
"Tăng tỷ lệ sinh là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn để thực hiện thông qua chính sách", McArver nói. "Nhiều nước đã thử và thất bại".
Mặc dù vậy, He Yafu, một nhà nhân khẩu học ở Quảng Đông cho rằng, các hành động tích cực là cần thiết để ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số của nước này. "Chỉ bãi bỏ hạn chế sinh con mà không thực hiện các chính sách khuyến khích sẽ không giúp ích gì nhiều với những thách thức hiện tại".
Theo National Geographic, Trung Quốc không phải nước hiếm hoi đối mặt với tình trạng giảm tỷ lệ sinh. Ở nhiều quốc gia, sinh ít là lựa chọn cá nhân. Liên Hợp Quốc dự đoán, dân số thế giới sẽ già hơn vào năm 2100. Mỹ, Canada, Chile, Brazil, Nga và Úc sẽ có 1/4 dân số (hoặc hơn nữa) ở độ tuổi trên 65, không làm việc, sống bằng lương hưu.
Nhiều quốc gia châu Phi, châu Á sẽ vẫn có dân số trẻ. Nhưng điều này không đủ để đảo ngược tình hình, vì đến năm 2100, khoảng 1/4 số người trên thế giới sẽ trên 65 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận