29/01/2016 11:39 GMT+7

Đội lân của trẻ mồ côi, cơ nhỡ

KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)
KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)

TT - Mới chỉ thành lập được hơn năm năm nhưng đội lân Long Nhi Đường của các bạn trẻ thuộc Đoàn P.13, Q.8, TP.HCM đã để lại nhiều dấu ấn trong làng lân thành phố.

Một màn biểu diễn của đội lân Long Nhi Đường - Ảnh: T.H.
Một màn biểu diễn của đội lân Long Nhi Đường - Ảnh: T.H.

Nơi đây là mái nhà chung của gần 40 bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, cơ nhỡ.

Thành viên đội lân đa số còn rất trẻ, nhỏ nhất mới học lớp 4, trưởng đoàn cũng mới 22 tuổi. Ở đội lân còn thành lập chi hội, chi đoàn để giúp các bạn trẻ rèn luyện nhân cách, định hướng lẽ sống trong đời...

Những chú rồng nhỏ

Những ngày này, trong “đại bản doanh” của đội lân Long Nhi Đường (được UBND P.13, Q.8 cho ở tạm tại ngôi nhà trên đường Lương Ngọc Quyến), các bạn trẻ đang hì hụi hoàn tất những đầu lân đủ màu sắc. Khâu may trang phục cho đội cũng đang gấp rút cho ra lò những mẫu quần áo sặc sỡ, gắn lông giống như vảy rồng để mặc khi biểu diễn.

Bạn Nguyễn Minh Quân cặm cụi vẽ những nét màu rực rỡ cho chiếc đầu lân. Không qua trường lớp nào về mỹ thuật nhưng tất cả khâu trang trí đều được Quân thực hiện. “Mình thích vẽ từ nhỏ nên khi trang trí đầu lân mình tham khảo thêm trên mạng là vẽ được. Quan trọng là làm sao cho con lân có hồn, có cái nhìn hiền khô nhưng có cái phải làm mặt nó thật dữ” - Quân nói. Mỗi mùa tết, đội phải chuẩn bị khoảng chục đầu lân mới đủ để đi biểu diễn.

Sau những giờ làm việc, học tập của mọi người trong đoàn lân, tối nào đội cũng tập luyện. Đến giờ tập luyện, mỗi người mỗi việc, người vác trống, người khiêng chập chèng, người vác đầu lân và cả những tấm nệm... ra khoảng sân trống dưới chân cầu Chà Và để tập luyện.

Tiếng trống rộn ràng nổi lên, những chú rồng nhỏ như bay lượn tạo các thế đi đẹp mắt. Lúc ấy, những bạn trẻ như hóa mình thành những chú rồng. Người cầm đầu lân phải múa, nhảy và phối hợp nhịp nhàng với người đứng sau làm thân, khi uyển chuyển, khi lại vẫy vùng uy vũ trông thật vui mắt.

Trong vỏ bọc những con lân uy dũng ấy, ít ai biết mỗi bạn trẻ đều có những hoàn cảnh khó khăn nhất định.

Bạn Trương Anh Cường (Bình Chánh) mới học lớp 4 nhưng đã mồ côi cha. Gia cảnh khó khăn khi mẹ Cường phải một mình gồng gánh nuôi năm chị em. Từ ngày cha mất, Cường xin vào nương tựa đội lân, ngày đi học, tối tập luyện cùng mọi người. “Ở đây em rất vui vì được các anh hướng dẫn và cho đi biểu diễn” - Cường hồn nhiên.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập đội, trưởng đoàn Gia Trác Hưng cho biết lúc trước từng tham gia đội lân Tinh Võ nên mỗi tối đi làm về qua cầu Chà Và thấy đám nhỏ tụ tập chọi đá nhau, Hưng bèn rủ tụi nhỏ lập đội lân chơi cho vui. Mỗi ngày bỏ ống ít tiền công, sau đó Hưng mua chiếc đầu lân cũ để mọi người cùng luyện tập.

Khởi đầu chỉ là những buổi tập luyện giản đơn để biểu diễn phục vụ bà con khu phố rồi được lên phường, lên quận biểu diễn. Cứ thế, đội lân được mọi người giới thiệu đi biểu diễn khai trương, động thổ... và những ngày tết đội lân luôn rong ruổi tham gia biểu diễn tại các tụ điểm vui chơi.

“Tụi mình biểu diễn thấy mọi người cười là vui rồi, đâu cần phải đi chơi tết” - Hưng cười dí dỏm. Để tạo đam mê lâu dài cho mọi thành viên, trưởng đoàn lên mạng xem đội lân của các nước biểu diễn rồi nghiên cứu cách đi, cách nhảy, những tư thế sao cho đẹp mắt và hướng dẫn lại mọi người. Những buổi khổ luyện ấy không thể thiếu những cú té ngã đau điếng.

Như anh em một nhà

Ngay trên tường phòng sinh hoạt chung được Hưng dán một tờ giấy nhỏ: “Những điều cần biết và phải làm: chữ tâm, chữ tín, chữ tình. Tiết kiệm điện nước. Làm đâu sạch đó, đứng dậy sạch luôn”. Dù không có nơi ở ổn định, từng trú ngụ tại đình Vĩnh Hội rồi được về ngôi nhà rộng rãi này nhưng mọi thành viên sống chan hòa, xem nhau như anh em một nhà.

Đàn anh Gia Trác Hưng luôn tâm niệm “cảm hóa bằng tình thương” và luôn xem các thành viên trong đội như em trai mình nên có chuyện gì mọi người đều hỏi ý kiến hoặc tâm sự với Hưng. Trưởng đoàn Hưng kiêm luôn “anh nuôi” nấu cơm phục vụ hơn 20 thành viên ở tại đội. Các thành viên chia nhau lịch lau nhà, rửa chén... nên nhà cửa luôn gọn gàng.

Số tiền đi biểu diễn được bỏ vào quỹ vừa đầu tư cho đội vừa để dùng chi tiêu cho mọi người. Để ổn định cuộc sống cả đội, Hưng gõ cửa nhiều nơi giúp các em của mình bằng cách giới thiệu đứa lớn hết tuổi đến trường thì đi làm nghề rửa xe hoặc công nhân, còn đứa nhỏ vẫn được ưu tiên đi học.

“Những nơi mình giới thiệu các em đi làm đều là nơi mình từng làm việc trước đây. Nhà mình nghèo nên nghỉ học sớm đi bưng bê hủ tiếu kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi em, rồi đi phụ rửa xe... Mình làm đủ thứ việc và luôn giữ đúng uy tín nên bây giờ xin việc cho mấy đứa em trong đội mọi người đều giúp ngay” - Hưng nói.

Hoàn cảnh của mọi người trong đội đều khó khăn nhưng Hưng vẫn thường dẫn cả đội đến những cơ sở xã hội để chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh đáng thương hơn. “Mỗi lần đến biểu diễn tại làng Hòa Bình, các mái ấm, nhà mở..., tụi mình có dành chút tiền mua quà tặng các em nhỏ.

Sau những lần ấy, mấy đứa trong đội đều thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn và từ đó cũng thay đổi hơn. Lúc trước tụi nó nhuộm tóc xanh tóc đỏ, khi vào đội tự khắc mấy đứa nó thấy khác người nên đi nhuộm lại màu đen” - Hưng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, phó bí thư Đoàn P.13, Q.8, cho biết: “Các thành viên của đội lân rất nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn, của Hội. Nhiều thành viên còn là tình nguyện viên tham gia đội phản ứng nhanh, hỗ trợ lực lượng chức năng giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Các bạn trong đội luôn tham gia biểu diễn phục vụ những dịp lễ hội của địa phương. Đội lân không chỉ tạo sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ, mà còn là nơi cảm hóa nhiều bạn ưa lêu bêu quậy phá. Khi tham gia đội lân, các bạn này đều thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”.

Đội lân đã nhiều lần được Hội LHTN VN Q.8, Hội LHTN VN TP.HCM khen tặng danh hiệu có nhiều đóng góp cho hoạt động phong trào thanh niên tại địa phương.

KIM ANH (kimanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên